'Sức khỏe' 5 tập đoàn, tổng công ty nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Vinafood 2, từ lỗ triền miên đến lãi tiền tỷ

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 06/01/2025 19:00 PM (GMT+7)
Vinafood 2 sẽ được bàn giao từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ông lớn này đã ngăn chặn được đà thua lỗ và hoạt động kinh doanh có lãi từ năm 2022 đến nay. Năm 2024, Vinafood 2 đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh...
Bình luận 0

5 tập đoàn, tổng công ty được sắp xếp từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được bàn giao về lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gồm: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Tình hình kinh doanh của 5 doanh nghiệp này ra sao trước khi được giao về Bộ chuyên ngành quản lý? Dân Việt xin được "điểm mặt" từng doanh nghiệp.

Bài 4: Vinafood 2 đặt kế hoạch lãi trăm tỷ 2 năm liên tiếp

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2 - Mã: VSF) đặt mục tiêu doanh thu 17.695 tỷ đồng và và lợi nhuận Tổng công ty đạt 106,9 tỷ đồng, trong năm 2025, tăng nhẹ so với kế hoạch 2024, trong đó khối Công ty mẹ lãi là 5 tỷ đồng.

Vinafood 2 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 

Ông Trần Tấn Đức - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vinafood 2 cho biết: Mặc dù năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát ở một số nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, tăng trưởng thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường từ đó làm mất ổn định nền kinh tế toàn cầu. Trong nước, tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều thách thức lớn; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp… từ đó tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, Tổng công ty đã thực hiện quyết liệt và hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.

Về sản xuất, kinh doanh, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều điều kiện bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ Đông Xuân 2023-2024, mưa lớn, giông lốc cuối vụ Hè Thu và đầu vụ Thu Đông, song toàn Tổng công ty vẫn đạt được kết quả tốt khi năng suất, sản lượng đều tăng so với năm 2023. 

Ước diện tích xuống giống lúa năm 2024 đạt 3,8 triệu ha, với năng suất 6,3 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24,134 triệu tấn, tăng 11,16 nghìn tấn so với năm 2023. Tổng lượng gạo xuất khẩu Việt Nam 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn, trị giá 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. 

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%, Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần.

'Sức khỏe' 5 tập đoàn, tổng công ty nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Vinafood 2-từ lỗ triền miên đến lãi trăm tỷ - Ảnh 1.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023 - 2024 đạt mức 522,2 triệu tấn, tăng gần 1,24%, tương đương tăng 6,4 triệu tấn so với năm 2022-2023. Trong đó, Trung Quốc đạt sản lượng 144,62 triệu tấn, Ấn Độ đạt sản lượng 134 triệu tấn, Bangladesh đạt sản lượng 37 triệu tấn, Indonesia đạt sản lượng 33 triệu tấn. 

Mức tiêu thụ gạo toàn cầu dự kiến ở mức 523,2 triệu tấn, tăng hơn 2,9 triệu tấn so với năm 2023. Thương mại gạo toàn cầu năm 2024 dự báo đạt mức 57 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn so với 2023. Tồn kho toàn cầu dự báo 179,3 triệu tấn, tăng 100 nghìn tấn so với niên vụ 2023, Ấn Độ là nước chiếm phần lớn mức tăng trong lượng dự trữ toàn cầu trong niên vụ 2023-2024.

Đặc biệt, các nước xuất khẩu gạo chính là Ấn Độ đã dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo từ cuối tháng 09/2024, dự kiến xuất khẩu năm 2024 đạt 18 triệu tấn; Thái Lan dự kiến xuất khẩu 9 triệu tấn; xuất khẩu của Việt Nam cũng lên đến 9 triệu tấn trong năm 2024. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 đã lập mốc kỷ lục mới cả về khối lượng và kim ngạch, với khoảng 9 triệu tấn, đem về 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với trên 600 USD/tấn... Về nhập khẩu, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với mức dự kiến 4,7 triệu tấn, EU 2,1 triệu tấn, Nigeria 2 triệu tấn, Trung Quốc 1,5 triệu tấn…

Trong bối cảnh, tình hình đó, trên cơ sở các kết quả khả quan đã đạt được từ đầu năm, Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Vinafood 2 đã kịp thời ban hành quyết sách trên tất cả các hoạt động để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Theo đó, về chỉ tiêu các mặt hàng chính mua vào (ước thực hiện) năm 2024 như sản lượng quy gạo mua vào 1.258.419 tấn đạt 134,45% so kế hoạch; lúa mì mua vào 20.784 tấn đạt 109,39% so kế hoạch; cá cơm nguyên liệu mua vào 1.149 tấn đạt 127,67% so kế hoạch; hạt nhựa mua vào 1.150 tấn đạt 85,82% so kế hoạch; xăng dầu mua vào 27,656 triệu lít đạt 109,75% so kế hoạch; xe Honda mua vào 6.493 chiếc đạt 101,45% so kế hoạch…

Về chỉ tiêu các mặt hàng chính bán ra (ước thực hiện) năm 2024 như sản lượng gạo bán ra 1.222.055 tấn, đạt 130,56% so kế hoạch; bột mì bán ra 16.606 tấn đạt 97,68% so kế hoạch; cá cơm thành phẩm bán ra 249 tấn đạt 110,67% so kế hoạch; thực phẩm chế biến bán ra 14.690 tấn đạt 96,64% so kế hoạch; bao bì bán ra 11.156 triệu cái đạt 91,44% so kế hoạch; nước khoáng bán ra 14,074 triệu lít đạt 90,80% so kế hoạch; xăng dầu bán ra 26,739 triệu lít đạt 106,11% so kế hoạch; xe Honda bán ra 6.528 chiếc đạt 102% so kế hoạch.

Các chỉ tiêu khác như kim ngạch xuất khẩu, tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước đều vượt so với kế hoạch. Đặc biệt là các chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng doanh thu có bước tăng trưởng lớn, lần lượt đạt 135,18%, 120,25% so kế hoạch.

Theo Phó Tổng Giám đốc Vinafood 2 Bạch Ngọc Văn, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch có cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thị trường Indonesia, Malaysia (những khách hàng lớn của Tổng công ty) tăng nhu cầu nhập khẩu; cuối quý III/2024 Ấn Độ mới mở cửa thị trường xuất khẩu gạo…Bên cạnh đó, sau khi tái cơ cấu sắp xếp, năm 2024 đa số các đơn vị phụ thuộc, công ty cổ phần đã hoạt động ổn định, có hiệu quả góp phần cho Tổng công ty hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được chủ sở hữu, Đại hội đồng cổ đông giao.

Đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 gần 17.700 tỷ đồng, lãi hơn 100 tỷ đồng 

Từng là đơn vị sản xuất gạo lớn nhất cả nước, Vinafood 2 có quãng thời gian dài đối mặt với sai phạm của các lãnh đạo cũ, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp liên tục thua lỗ nhiều năm trong giai đoạn 2013 - 2021. Bản thân lãnh đạo công ty cũng cho biết, trước năm 2022, công ty hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, tài chính không lành mạnh, các tổ chức tín dụng “quay lưng”, mất lòng tin đối với bạn hàng.

03 năm vừa qua, kể từ năm 2022 đến nay là thời gian tạo nhiều thay đổi của Vinafood 2. Tổng công ty có lãi trở lại và giữ đà tăng trưởng hàng năm. Dù vậy, quá trình khắc phục vẫn còn kéo dài khi báo cáo tài chính ghi nhận, lỗ lũy kế của Vinafood 2 tính đến cuối quý III/2024 vẫn còn hơn 2.790 tỷ đồng. Đây là hệ quả từ chuỗi 10 năm lỗ liên tục từ 2013-2022, trong đó lỗ kỷ lục gần 1.500 tỷ đồng năm 2018.

Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2024, Vinafood 2 đã đặt ra một số mục tiêu cho năm 2025. Cụ thể, lượng mua vào quy gạo là 985.000 tấn, tăng 5,24% so kế hoạch 2024; Lượng gạo bán ra là 985.000 tấn (xuất khẩu 743.000 tấn, nội địa 242.000 tấn), tăng 5,24% so với kế hoạch 2024. Kim ngạch xuất khẩu 449,785 triệu USD, tăng 4,96% so với kế hoạch 2024.

Mục tiêu doanh thu 17.695 tỷ đồng và và lợi nhuận Tổng công ty đạt 106,930 tỷ đồng, trong năm 2025, tăng nhẹ so với kế hoạch 2024, trong đó khối Công ty mẹ lãi là 5 tỷ đồng. 

Ông Trần Tấn Đức cho biết: Trên cơ sở kết quả khả quan đạt được của năm 2024, căn cứ phân tích từ điều kiện thực tiễn, quyết tâm cao của Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Vinafood 2 sẽ phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu nêu trên. 

Phó Tổng Giám đốc Bạch Ngọc Văn nhấn mạnh: Đến nay, Vinafood 2 đã trở lại vị thế hàng đầu trong ngành kinh doanh lúa gạo trên cả nước, lấy lại niềm tin của các ngân hàng cũng như bạn hàng trong nước và quốc tế…

'Sức khỏe' 5 tập đoàn, tổng công ty nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Vinafood 2-từ lỗ triền miên đến lãi trăm tỷ - Ảnh 2.

Lãnh đạo Vinafood 2 nhấn mạnh, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2025 rất quan trọng để Vinafood 2 giảm dần lỗ lũy kế. Vinafood 2 sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với khách hàng truyền thống; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ khách hàng, thực hiện chính sách bán hàng linh hoạt để phát triển thị trường mới, khách hàng mới;

Tiếp tục tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường, những biến động về tỷ giá, lãi suất, cập nhật các thay đổi về chính sách tại các nước xuất và nhập khẩu gạo;

Tiếp tục bám sát tình hình thu hoạch lúa năm 2025, trong đó lưu ý cân đối giá, lượng tồn kho và giá gạo để cân đối giá bình quân tồn kho đạt mục tiêu kỳ vọng và chuẩn bị nguồn hàng để mua, bán trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, Vinafood 2 tiếp tục thực hiện và phát huy mô hình quản trị tập trung về tài chính, kinh doanh, đầu tư và quản lý khai thác tài sản để phát huy nguồn lực toàn Tổng công ty.

Vinafood 2 còn phải kiện toàn nhân sự, quản lý và sắp xếp lại tổ chức bộ máy khi về lại Bộ NNPTNT để bố trí, sử dụng lao động phù hợp. Tiếp đó là tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu tối đa rủi ro, thất thoát có thể xảy ra.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, UPCoM: VSF) tiền thân là Tổng Công ty lúa gạo miền Nam được thành lập năm 1976 theo Quyết định số 130/LTTP của Bộ Lương thực và Thực phẩm.

Năm 2018, cổ phiếu Vinafood 2 giao dịch trên thị trường UPCoM. Ngành nghề kinh doanh chính bao gồm: Thu mua, bảo quản, chế biến, bán buôn, bán lẻ, dự trữ, lưu thông lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản; Xuất khẩu, nhập khẩu lương thực, nông sản.

Vốn điều lệ của Vinafood 2 tại ngày 30/3/2024 ghi nhận 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp Nhà nước là 51,43%, Công ty CP Tập đoàn T&T góp 25%, còn lại 23,57% là cổ đông khác. Chủ tịch HĐQT Vinafood 2 hiện là ông Nguyễn Huy Hưng.

Được biết, vào tháng 3/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T của bầu Hiển đã chi hơn 1.200 tỷ đồng vào Vinafood 2 để vực dậy hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty này. Tuy nhiên thực tế cho thấy, Vinafood 2 vẫn thua lỗ nặng giai đoạn 2018 - 2021.

Theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18/2017/NQ-TW, 19 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (Siêu Ủy ban) sẽ được sắp xếp trở lại các bộ chuyên ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem