Vùng đất hoang hóa ven sông Cửu An (nằm giữa hai xã Tân Hương và Đông Xuyên của huyện Ninh Giang), bị người dân bỏ không nhiều năm do cấy lúa không hiệu quả. Ông Viền đã không tiếc công, tiếc của thuê người đào đắp, cải tạo khu vực này dần hình thành một trang trại nuôi cá công nghệ cao với quy mô “khổng lồ” đầy tiềm năng.
Kỳ công khai phá đất hoang
Ông Viền vốn là chủ một doanh nghiệp chuyên chế biến thực phẩm xuất khẩu sang Hồng Kông, Đài Loan...Đối tác của ông mấy năm gần đây muốn “ăn thêm” cá, thế nên ông nảy ra ý tưởng đào ao, nuôi cá và chế biến theo quy trình khép kín, đạt tiển chuẩn sạch để xuất khẩu ra nước ngoài.
Khu ruộng hoang hóa ven sông trước kia...
Năm 2016, những khu ruộng hoang như: Đồng Mang, Đồng Vôi, Đồng Tiên của người dân 2 xã Tân Hương và Đông Xuyên đã được địa phương tạo điều kiện cho ông Viền mua và thuê lại. Nông dân này rất vui mừng khi có trong tay 22,1 ha, cho ông “thỏa chí” làm nông nghiệp công nghệ cao dù phải bỏ ra không ít tiền của.
...nay trở thành trang trại nuôi cá công nghệ cao khổng lồ mang lại nhiều giá trị kinh tế.
Ông Viền bắt tay vào “đại dự án” của mình với việc thuê người đào hàng vạn mét khối bùn đất để “tạo hình” cho gần 20 ao, mỗi chiếc có bờ cao trên 2 mét, kè bằng bê tông vững chắc. Mỗi ao rộng từ 3.000 đến 7.000 mét vuông; bùn đất được ông tôn nền thành vườn trồng cây ăn quả.
Ông Viền còn đổ bê tông toàn bộ hàng nghìn mét đường trong trang trại. “Tiện tay”, ông làm thêm vài trăm mét nối với đường xã để người dân trong vùng cùng sử dụng. Sau hơn 2 năm khai khẩn, đào đắp, khu ruộng hoang nhường chỗ cho những ao nước trong xanh...với những đàn cá dày đặc nuôi theo công nghệ "sông trong ao".
Mô hình nuôi cá "sông trong ao" của ông Viền hiện có quy mô vào loại khủng nhất cả nước. Đây là trang trại nuôi cá công nghệ cao "sông trong ao" với diện tích lớn nhất cả nước do 1 nông dân điều hành, quản lý.
Mỗi năm nuôi 1 vạn tấn cá, dân cả tỉnh ăn không hết!
Toàn bộ số ao trên, ông Viền áp dụng mô hình nuôi cá tạo “sông trong ao”. Mỗi ao được xây dựng 4 “sông cá”, với kích thước dài 25, rộng 5 và sâu 2 mét. Hiện nay, ông đã xây được trên 80 sông cá dày đặc, xây đến đâu thả cá đến đó. Gần 40 sông đang nuôi lứa cá đầu tiên được gần 6 tháng tuổi, gồm cá chép và rô phi, mỗi con đạt trọng lượng trung bình từ 2 đến 3 kg.
Với công nghệ nuôi cá dày đặc "sông trong ao", cá được nuôi ở bể có nước chảy liên tục, giúp tăng cường lượng ô xy; cá sẽ hình thành thói quen bơi ngược dòng liên tục, tăng cường vận động, hấp thụ tốt thức ăn, ít bệnh và cho thịt chắc, thơm ngon...
Điểm mới mà ông “vua cá” Đào Văn Viền làm là việc cải tiến các thiết bị, máy móc. Đầu tiên là máy cho cá ăn tự động nhập khẩu từ Đài Loan. Khi cho cá ăn máy phát ra tiếng ồn rất lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá.. Nguy hiểm hơn, một số máy đã xảy ra hiện tượng hở điện.
Ông Viền mày mỏ cải tiến máy cho cá ăn tự động Đài Loan, giảm hẳn tiếng ồn, tiết kiệm điện, an toàn và đặc biệt là có giá chỉ... hơn 1 triệu đồng/bộ so với có trên 4 triệu như trước đây. Ngoài ra, hệ thống hút phân cá được ông gắn thêm động cơ, trục chuyển động có thể di chuyển theo chiều rộng của cả 4 sông cá, giúp tối ưu hóa việc thu dọn phân cá. Hệ thống sục ô xy, tách lắng phân, xử lý nước ao, tuần hoàn nước... cũng được ông Viền cải tiến mang lại hiệu quả rất lớn.
Máy hút phân được ông Viền cải tiến có thể di chuyển khắp ao nuôi cá công nghệ cao.
Từng đi tham quan nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt, ông Viền đã vận dụng cách sử dụng rỉ mật đường, vi sinh EM (gốc) và vôi bột ủ thành chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, bẩn trong nước ao. Cá nuôi ít bệnh, lớn nhanh nhờ môi trường trong lành, sạch sẽ.
Ngắm những đàn cá khổng lồ, đặc sánh dưới mặt nước, phóng viên báo Dân Việt dù từng tiếp cận mô hình này ở rất nhiều nơi nhưng cũng không khỏi “choáng ngợp”. Ông Viền ước tính, mỗi sông cá sau khoảng 6 đến 10 tháng sẽ đạt năng suất từ 35 đến 37 tấn cá/lứa.
Ngoài “sông trong ao”, ông Viền còn thử nghiệm mô hình “sông trên cạn”, phương pháp nuôi cá rất mới ở Việt Nam. 10 ao nuôi hình chữ nhật tương tự như sông cá, nhưng được xây trong một “hồ nước” bằng bê tông rộng chừng 1.200 mét vuông, đặt trên bờ.
Nước được tuần hoàn, bổ sung ô xy, lắng, lọc phân... tương tự như trong ao nước. Tuy nhiên, mật độ và số lượng cá nuôi sẽ ít hơn, đảm bảo cá sinh trưởng hiệu quả. Hiện nay, ông Viền đã hoàn thành xây dựng, dự kiến trong tháng này sẽ nuôi thử nghiệm.
Mục tiêu đến hết năm 2019, “siêu ngư dân” Đào Văn Viền sẽ có khoảng 120 sông nuôi cá các loại. Theo đó, ông sẽ thu hoạch gần 10.000 tấn cá thịt mỗi năm, chưa kể các loại cá nuôi ngoài ao để tận dụng thức ăn thừa như cá mè, chim...
Cá “sông trong ao” có tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, thịt săn chắc, chu kỳ chăn nuôi ngắn..., năng suất cao hơn hàng chục lần so với cách nuôi cá truyền thống”.
“Với sản lượng cá như vậy, một mình trang trại nuôi cá của nhà tôi thừa đáp ứng nhu cầu ăn cá cho trên 2,5 triệu người dân của tỉnh Hải Dương cũng như công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Viền tự tin khẳng định với PV Dân Việt.
Lão nông này còn cho biết, hiện ông ông còn đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn cho cá, hệ thống xử lý chất thải khép kín...và tạo việc làm cho trên 100 lao động khi trang trại hoàn thiện và đi vào hoạt động với 100% công suất. Trước mắt, cá nuôi được tiêu thụ trong tỉnh và địa phương lân cận, nội địa, sau khi hoàn thiện chứng nhận VietGAP, truy suất nguồn gốc sản phẩm... ông Viền sẽ chế biến để đưa vào siêu thị và xuất khẩu.
Ông Viền vẫn đang tiếp tục đầu tư đào ao, mục tiêu mỗi năm thu hoạch khoảng 10.000 tấn cá, hướng tới chế biến xuất khẩu
Minh chứng cho điều này, ông chỉ tay về khu nhà xưởng rộng hơn 4.000 mét vuông đã được xây dựng và cho biết: “Đây là nơi lắp đặt máy móc, kho cấp đông để chế biến cá xuất khẩu. Sản phẩm cá của tôi sẽ đạt tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường châu Âu”.
Ước tính, đến nay lão nông Đoàn Văn Viền đã bỏ ra không dưới 80 tỷ đồng cho việc mua, thuê đất, đầu tư xây dựng, mua máy móc, thiết bị, nhập cá giống, thức ăn... Do đó, ông rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện thuê đất lâu dài để phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.