World Cup 2010: Canh bạc của nước chủ nhà

Thứ sáu, ngày 30/04/2010 08:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Còn hơn 1 tháng nữa (11 -6), World Cup 2010 khai mạc tại Nam Phi, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đang làm đau đầu các nhà tổ chức.
Bình luận 0

Vé ế và nỗi lo an ninh

Theo Ban tổ chức giải, hiện vẫn còn khoảng 500.000 vé cần tiêu thụ, bằng 1/5 số vé được tung ra bán tại giải. Những vé này do các công ty du lịch, đại lý bán vé trên toàn cầu gửi lại cho FIFA vì họ không bán được.

Suy thoái kinh tế trong vài năm qua đã khiến những người hâm mộ bóng đá phải suy nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định có theo chân đội nhà đến tận cùng châu Phi để tận hưởng không khí của ngày hội bóng đá 4 năm mới có một lần.

Dự tính ban đầu của FIFA là có khoảng 450.000 người nước ngoài đến Nam Phi cổ vũ bóng đá nhưng giờ có lẽ chỉ có khoảng 300.000 người có mặt. Ngoài suy thoái kinh tế, nguyên nhân chính khiến người nước ngoài lưỡng lự trong việc đến Nam Phi là tình hình bất ổn về an ninh. Nam Phi là nước có tỷ lệ phạm tội lớn nhất thế giới.

Số liệu thống kê năm ngoái ở Nam Phi quá khủng khiếp: 18.487 vụ giết người, 18.795 vụ giết người không thành, 210.104 vụ tấn công bằng vũ lực, 118.312 vụ cướp, 36.190 vụ hiếp dâm, 237.853 vụ ăn cắp...

Chính phủ Nam Phi đã chi thêm 150 triệu USD cho công tác an ninh, tăng cường 40.000 nhân viên an ninh, máy bay trực thăng, tàu cao tốc đi tuần bờ biển... song điều đó vẫn khó làm du khách an tâm. Nếu không là nạn nhân của tệ bạo lực thì khách nước ngoài có thể là nạn nhân của tệ móc túi, lừa đảo. Những tên lừa đảo bản địa có thể có mặt tại cả các máy ATM, trong trang phục nhân viên ngân hàng và đề nghị được giúp đỡ rồi tìm cách moi tiền của những "con mồi".

Các tuyến đường và phương tiện công cộng ở Nam Phi quá nghèo nàn. Tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên, các tài xế rất thiếu tôn trọng pháp luật. Năm ngoái, có 11.577 vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người xảy ra là do các tài xế dùng đồ uống có cồn khi chạy xe.

img
World Cup 2010 và nỗi lo từ đình công.

Thiếu điện và khách sạn

Chỗ ở là vướng mắc lớn nhất đối với các CĐV. Các khách sạn trong các thành phố, nơi có sân đấu thì được các đội bóng, nhà tài trợ, các cơ quan truyền thông đặt từ lâu rồi, nếu còn phòng thì là do các khách sạn "găm" để "chém" khách VIP vào phút cuối.

Một CĐV có thu nhập trung bình khá chỉ còn cách mướn khách sạn ở cách địa điểm thi đấu vào khoảng 30km với giá phòng rẻ nhất là 250 USD/đêm. Các công ty du lịch ở châu Âu khi đưa khách sang còn có sáng kiến: để khách nghỉ tại các khu resort cao cấp tại các nước láng giềng Namibia, Mozambique, đến ngày thi đấu sẽ đưa họ tới thành phố có trận đấu bằng đường hàng không.

Tất nhiên, ngành công nghiệp du lịch Nam Phi tăng trưởng hơn so với các năm khác nhờ World Cup, nhưng cả nền kinh tế Nam Phi có tăng trưởng hay không còn phải bàn lại. Do điện lưới ở Nam Phi không tốt nên có dự báo rằng trong thời gian World Cup, điện lưới sẽ bị quá tải và mất điện. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Nam Phi đã cắt giảm tải điện, buộc sản lượng thép và các ngành công nghiệp khai khoáng khác phải giảm xuống, kết quả là giá các vật liệu như thép tăng vọt...

Các sân bóng tổ chức World Cup được xây dựng mới hoặc được nâng cấp đã hoàn tất, dù cách đây hơn 1 năm người ta dự báo rằng Nam Phi không làm kịp.

Tuy nhiên, các cơ sở khác phục vụ World Cup vẫn chưa hoàn thành, như đại bản doanh của tuyển Anh đặt tại thành phố Bafokeng chẳng hạn. Trình độ tổ chức cũng như tình hình an ninh, xã hội ở Nam Phi tất nhiên không thể nào bằng các nước ở châu Âu như Đức chẳng hạn, đòi hỏi Nam Phi phải thật hoàn hảo trong mọi khâu là điều không thể.

Ông Sepp Blatter - Chủ tịch FIFA, người rất quyết tâm đưa World Cup đến châu Phi cách đây nhiều năm đã chỉ trích giới truyền thông ở châu Âu đã có góc nhìn rất tiêu cực về Nam Phi và làm giảm hào hứng cho các CĐV.

Ông Danny Jordaan - Chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup còn cho biết, Nam Phi đã tổ chức 146 sự kiện quốc tế mà chưa xảy ra rắc rối lớn nào. Lễ bốc thăm chia bảng World Cup hồi tháng 12 năm ngoái cũng được tổ chức khá ấn tượng. "Tổ chức World Cup là canh bạc lớn đối với thương hiệu quốc gia của Nam Phi và chúng tôi sẽ thắng trong canh bạc này. Các bạn hãy tin chúng tôi" - Jordaan quả quyết.

Được và mất qua World Cup

(Qua thống kê và dự đoán của ABN Amro, CEBR, Grant Thornton)

Được:

Các CĐV nước ngoài đến Nam Phi sẽ tiêu 2 tỷ USD ở đây

- Châu Âu tăng trưởng thêm 20 tỷ USD qua World Cup 2006.

- Nước giành Cúp vàng World Cup 2010 sẽ tăng trưởng thêm 0,7% GDP và 10% quy mô thị trường chứng khoán nhờ chiếc Cúp.

Mất:

-Nước bị thua trong trận chung kết sẽ giảm 0,3% GDP và 25% thị trường chứng khoán.

- Châu Âu mất 13,4 tỷ USD sản lượng hàng hóa do các công nhân nghỉ việc để xem các trận World Cup 2002.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem