Báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về những tác động ngắn hạn tiềm tàng của cuộc xung đột đối với thị trường hàng hóa và cho rằng những ảnh hưởng sẽ được kiềm chế nếu xung đột không lan rộng. Theo dự báo cơ bản của Ngân hàng, giá dầu dự kiến sẽ ở mức trung bình 90 USD/thùng trong quý hiện tại trước khi giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng vào năm tới do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cảnh báo rằng giá dầu sẽ leo thang do cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông.
Giá hàng hóa nói chung dự kiến sẽ giảm 4,1% trong năm tới. Giá các mặt hàng nông sản dự kiến cũng sẽ giảm trong năm tới do nguồn cung tăng. Giá kim loại cơ bản cũng được dự đoán sẽ giảm 5% vào năm 2024. Giá hàng hóa được dự đoán dự sẽ ổn định vào năm 2025.
Cho đến nay, tác động của cuộc xung đột đối với thị trường hàng hóa toàn cầu vẫn còn hạn chế. Giá dầu nhìn chung đã tăng khoảng 6% kể từ khi bắt đầu xung đột. Giá hàng nông sản, hầu hết kim loại và các mặt hàng khác hầu như không tăng.
Tuy nhiên triển vọng về giá cả hàng hóa sẽ trở nên u ám nếu xung đột leo thang.
Xung đột ở Trung Đông và Ukraine có thể mang lại "cú sốc kép" cho thị trường hàng hóa toàn cầu
Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch cấp cao về Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới, cho biết: "Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông xảy ra ngay sau cú sốc lớn nhất đối với thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970 - đó là cuộc xung đột của Nga với Ukraine. Điều đó đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và kéo dài cho đến ngày nay. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải đề cao cảnh giác. Nếu xung đột leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ - không chỉ từ xung đột Ukraine mà còn từ Trung Đông".
Ayhan Kose, Phó Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và Giám đốc Nhóm Triển vọng, cho biết : "Nếu giá dầu được duy trì ở mức cao, điều đó có nghĩa là giá lương thực cũng sẽ cao hơn. Nếu cú sốc giá dầu nghiêm trọng xảy ra, nó sẽ đẩy lạm phát giá lương thực vốn đã tăng cao ở nhiều nước đang phát triển. Vào cuối năm 2022, hơn 700 triệu người (gần 1/10 dân số toàn cầu) bị suy dinh dưỡng. Sự leo thang của cuộc xung đột mới nhất sẽ làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới."
Tuy nhiên thực tế, cho đến nay, cuộc xung đột mới chỉ có tác động khiêm tốn đến giá cả hàng hóa, điều này có thể phản ánh khả năng cải thiện của nền kinh tế toàn cầu trong việc hấp thụ các cú sốc giá dầu. Báo cáo cho biết, kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, các quốc gia trên thế giới đã tăng cường phòng vệ trước những cú sốc như vậy. Họ đã giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ - lượng dầu cần thiết để tạo ra 1 USD GDP đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1970. Họ có cơ sở xuất khẩu dầu đa dạng hơn và nguồn năng lượng mở rộng, bao gồm cả các nguồn tái tạo. Một số quốc gia đã thiết lập các kho dự trữ xăng dầu chiến lược, thiết lập các thỏa thuận điều phối nguồn cung và phát triển thị trường tương lai để giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu dầu lên giá cả. Những cải tiến này cho thấy rằng sự leo thang xung đột có thể có tác động vừa phải hơn so với trường hợp trước đây.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, một số mặt hàng - đặc biệt là vàng - đang đưa ra cảnh báo về triển vọng. Giá vàng đã tăng khoảng 8% kể từ khi bắt đầu xung đột. Giá vàng có mối quan hệ đặc biệt với những lo ngại về địa chính trị. Giá vàng tăng trong thời kỳ xung đột và bất ổn thường báo hiệu sự xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.
Nếu xung đột leo thang, các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển sẽ cần phải thực hiện các bước để quản lý khả năng lạm phát gia tăng. Do nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng lớn, các chính phủ nên tránh các hạn chế thương mại như cấm xuất khẩu thực phẩm và phân bón.Các biện pháp như vậy thường làm gia tăng biến động giá cả và làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Đồng thời, các nước cũng nên hạn chế đưa ra các biện pháp kiểm soát giá và trợ giá để ứng phó với tình trạng giá lương thực và dầu mỏ tăng cao. Một lựa chọn tốt hơn, đó nên là cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, đa dạng hóa nguồn thực phẩm và tăng hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Về lâu dài, tất cả các quốc gia có thể tăng cường an ninh năng lượng bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo- sẽ giảm thiểu tác động của cú sốc giá dầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.