Xã Đại Hưng (Quảng Nam): Quê nghèo đã khởi sắc

Anh Thư Thứ sáu, ngày 19/12/2014 09:50 AM (GMT+7)
Từ một xã nghèo nhất nhì của huyện Đại Lộc, nhưng sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, xã miền núi Đại Hưng đã có những thay đổi nhanh chóng và tạo được những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng.
Bình luận 0

Đi lên từ số không

Ông Hà Xuân Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, Đại Hưng có diện tích tự nhiên 9.210ha, 2.012 hộ với 7.563 khẩu; gồm 10 thôn (trong đó có 1 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 48 hộ). Có thể nói, ngay từ khi được chia tách và thành lập xã mới (năm 2004 Đại Hưng chia tách từ xã Đại Lãnh), cán bộ và nhân dân xã phải đối mặt hàng loạt những khó khăn và thách thức.

Lúc bấy giờ cơ sở hạ tầng của Đại Hưng hầu như không có gì, kể cả nơi làm việc của xã cũng không có, phải mượn tạm trụ sở của Hợp tác xã Đại Lãnh cũ để làm việc. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong nhiều năm sản xuất chưa thoát khỏi tình trạng độc canh, tiểu thủ công nghiệp quá nhỏ lẻ, thương mại dịch vụ còn nghèo nàn… Vì vậy, Đại Hưng gần như phải bắt đầu từ con số không, xây dựng lại từ đầu.

img
Đường giao thông ở Đại Hưng khang trang, sạch đẹp. 

“Khó khăn là vậy, song với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, huyện, sau 10 năm xây dựng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Hưng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy những thuận lợi và nội lực để giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…” - ông Minh chia sẻ.

 

Suốt 10 năm qua, kinh tế -xã Đại Hưng luôn đạt mức tăng trưởng trung bình 10,5%/năm. Nếu như năm 2004 tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm 64,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 13,6% và dịch vụ chiếm 21,9%, thì đến nay tỷ lệ tương ứng là 54,6% - 15,6 - 29,8%...

Theo ông Minh, điểm nhấn của Đại Hưng trong những năm qua là tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, từ đó đã tạo bước đột phá mới. Đến nay, hệ thống giao thông đi lại được đầu tư và cơ bản hoàn thiện, các trục đường chính và các khu dân cư đã được bê tông hóa không còn tình trạng lầy lội, mưa bùn nắng bụi như trước đây nữa. Hệ thống các cơ sở trường học, trạm y tế, cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn đã được xây dựng cao tầng và kiên cố hóa đồng bộ tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn xã nhà.

Gặp khó trong xây dựng nông thôn mới

Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng đến nay Đại Hưng đã đạt được 8/19 tiêu chí. Đây là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân địa phương. Tuy nhiên, ngoài các thuận lợi cơ bản thì hiện nay việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Đại Hưng nói riêng và các xã miền núi Quảng Nam nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy rất cần sự quan tâm đầu tư lớn từ Trung ương cũng như tỉnh và huyện.

Theo ông Minh, vùng đất Đại Hưng được xem là “rốn lũ” của Quảng Nam, hàng năm lũ lụt liên miên ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Ngoài ra, địa bàn của xã chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại cách trở... Việc đầu tư hạ tầng, giao thông khó khăn và tốn kém, trong khi đó nguồn lực của địa phương thì hạn chế, người dân thì nghèo nên việc huy động sức dân rất khó.

Mặt khác, trong bộ tiêu chí nông thôn mới thì có một số tiêu chí mà địa phương thấy khó đạt và chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, như: Hộ nghèo, thu nhập... Bởi trên thực tế, khi mới chia tách, Đại Hưng có tới gần 60% dân số là hộ nghèo, do điều kiện kinh tế chung của nhân dân còn khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo của xã mặc dù đã giảm xuống còn hơn 17% là vẫn còn khá cao...

  Lĩnh vực thương mại dịch vụ của xã Đại Hưng có bước phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng từng năm luôn ở mức 3 - 4%/năm.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem