Sách giáo khoa (SGK) không còn độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng sau 5 năm triển khai, những vướng mắc liên tục phát sinh khiến cả người dạy lẫn người học “đau đầu”.
Từ năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục thực hiện thay SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở GD&ĐT, trường học phải thực hiện các công đoạn như thực nghiệm, đọc góp ý, chọn SGK (vì một chương trình, nhiều SGK), phát hành SGK đến học sinh (không bắt buộc)…
Theo ông Bùi Văn Khiết, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, việc tổ chức dạy thực nghiệm khó khăn khi thời gian giáo viên, học sinh tiếp cận với SGK, tài liệu tham khảo (sách giáo viên, sách bài tập) còn ít.
Trong khi đó giáo viên không được tiếp cận với toàn bộ tiến trình, nội dung của sách vì chỉ dạy thực nghiệm 1 tiết hoặc một số tiết bất kỳ trong SGK của một lớp, khối lớp. Bên cạnh đó phương tiện dạy học còn thiếu.
Thời kì dịch COVID-19, các bài dạy chỉ tổ chức trực tuyến chưa đảm bảo hiệu quả. Trong khi việc dạy thực nghiệm rất quan trọng, nó giúp nội dung SGK được kiểm chứng qua thực tế, để tác giả xác định tính phù hợp của từng bài học.
Sở GD&ĐT Nam Định còn cho biết, việc tổ chức dạy và học đối với 1 chương trình có nhiều SGK dẫn đến còn băn khoăn trong quá trình kiểm tra, khảo sát, tổ chức các hội thi, hội giảng... gặp khó khăn như công tác xác định phạm vi chương trình để ra đề, thực hành giảng dạy. Việc chuyển trường trong quá trình học tập của học sinh giữa các địa phương gặp khó khăn do không đồng bộ trong việc học các bộ SGK khác nhau.
Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, phía sở và các trường đôi lúc còn bị động khi nhà xuất bản (NXB) gửi công văn đề nghị trường và giáo viên hỗ trợ dạy thực nghiệm. Các trường cần nhiều thời gian sắp xếp, bố trí lớp dạy thực nghiệm để đáp ứng yêu cầu công tác thực nghiệm đồng thời không ảnh hưởng đến chương trình dạy học của giáo viên và học sinh.
Nội dung các bài mẫu thực nghiệm theo chương trình mới tại thời điểm thực nghiệm có thể không khớp với tiến trình thực hiện chương trình của lớp thực nghiệm. Do vậy, giáo viên nghiên cứu, trao đổi kĩ với tác giả để soạn kế hoạch bài dạy phù hợp.
Huy động chất xám không công
Ở công đoạn đọc, góp ý SGK, đại diện Sở GD&ĐT Hà Giang chia sẻ, số bản mẫu SGK (bản cứng) cung cấp cho các giáo viên đọc, góp ý rất ít, đa số giáo viên phải truy cập vào đường link của các nhà xuất bản để đọc, nghiên cứu các bản mẫu SGK (dạng PDF).
Vì vậy phần nào ảnh hưởng đến cái nhìn tổng quan của giáo viên về các cuốn sách, các bộ sách. Các giáo viên được lựa chọn để đọc, góp ý cho SGK phải vừa giảng dạy, làm nhiệm vụ chuyên môn nên có rất ít thời gian để đọc, nghiên cứu sâu về từng cuốn sách. Bên cạnh đó, kinh phí để chi trả cho giáo viên đọc, góp ý cho các bản mẫu SGK không có.
Sở GD&ĐT Hà Giang đề nghị các nhà xuất bản cung cấp các bản mẫu SGK (bản cứng) đủ cho mỗi giáo viên được lựa chọn đọc, góp ý (1 bộ/giáo viên). Các NXB cần chi trả thù lao (theo định mức) cho các giáo viên được lựa chọn để đọc, góp ý cho các bản mẫu SGK. Bộ GD&ĐT cần phê duyệt các bộ SGK sớm để tạo điều kiện cho cán bộ quản lí, giáo viên có nhiều thời gian đọc, nghiên cứu, góp ý. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức lựa chọn SGK của các hội đồng cấp tỉnh.
Tương tự, ông Khiết cũng cho biết, việc đọc góp ý cho SGK cũng có những vướng mắc. Quy định giáo viên phải đọc trong 10 -15 ngày, trong khi giáo viên vừa dạy học vừa đọc góp ý nên không hiệu quả.
“Một giáo viên tiểu học phải góp ý cho sách sáu môn học. Mỗi môn có từ 3 - 5 bộ sách. Những môn có nội dung thực hành, thí nghiệm thì không được cung cấp video đi kèm các thí nghiệm, dù sách yêu cầu quan sát video nên khó nhận xét cụ thể được”, ông Khiết nói.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, thời gian triển khai góp ý bản mẫu SGK trong khoảng cuối học kì và có đợt cận ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Giai đoạn này, giáo viên đang tập trung dạy học, tổ chức kiểm tra định kì và nhiều công tác cuối học kì. Do đó, ảnh hưởng đến công việc chính của giáo viên và dẫn đến việc một số giáo viên góp ý chưa sâu.
Vì vậy, sở này đề xuất, tổ chức giới thiệu bản mẫu SGK sớm hơn để giáo viên có thời gian dài hơn, giúp việc nghiên cứu lựa chọn bộ sách sẽ chính xác hơn.
Ghi nhận cho thấy, Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, ban hành năm 2023 đã quy định nhà trường, giáo viên trực tiếp lựa chọn SGK.
Tuy nhiên, quá trình thực vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, Thông tư yêu cầu: “tổ chuyên môn
xây dựng
kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn” nhưng với cấp tiểu học, không có tổ chuyên môn của từng môn, nếu chia theo khối thì mỗi khối chỉ có 1 tổ, xây dựng 1 kế hoạch cho 12 môn học, hay 12 kế hoạch cho 12 môn học?
Hoặc quy định về tổ chuyên môn bỏ phiếu lựa chọn 1 SGK, đối với cấp tiểu học, có nhiều cơ sở giáo dục chỉ có 1 giáo viên dạy các môn thì không phù hợp để bỏ phiếu.
Ngoài ra, một số môn lựa chọn chỉ có 1 giáo viên/môn học lựa chọn SGK (ví dụ các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Công nghệ, Giáo dục công dân...) nên việc lựa chọn SGK dễ mang tính chủ quan.
Trong khi đó, phía nhà xuất bản phát hành SGK cho rằng, việc các cơ sở giáo dục chọn SGK theo Thông tư 27 gây khó khăn cho việc cung ứng sách đến đúng nhu cầu của từng địa bàn với số lượng nhỏ lẻ (vì mỗi trường chọn các môn của các bộ SGK khác nhau) nên các nhà sách cần có diện tích gấp 3 lần so với trước đây mới trưng bày đủ các bộ SGK; chi phí nhân công bán hàng cũng phát sinh vì cần nhân công lựa chọn sách hoặc chỉ dẫn phụ huynh mua đúng sách con em mình cần.
Số liệu tổng hợp của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2023 cho thấy, có tổng số 13 đơn vị phát hành SGK. Số lượng đầu SGK của các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 là 303 đầu sách. Môn học có ít nhất là 1 SGK, môn học có nhiều nhất là 10 SGK (môn tiếng Anh).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.