“Dừng lại!”, Tuấn Anh, sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hét lên thất thanh, giật áo cậu bạn bắt dừng xe, tay lăm lăm máy ảnh rồi mất hút trong đám đông. Chưa đầy 5 phút sau, Tuấn Anh chạy ra mặt đỏ tía tai, lộ rõ vẻ thất vọng: “Chỉ thấy vũng máu, kiểu này chắc người “đi” rồi. Tiếc thật, nhanh tí nữa hẳn bọn mình đã có một bức ảnh “độc”…
Xả thân vì săn ảnh xác chết
Tuấn Anh tâm sự: “Trước đây, em vốn là một người khá hiền lành, nhút nhát. Từ ngày được một người bạn rủ đi “săn” những tấm ảnh “sốc”, ảnh người chết do tại nạn, rùng rợn như trong phim kinh dị em đã trở thành người “nghiện” thú chơi này...”.
|
Trong khi người bị nạn đang nguy kịch thì những tay săn ảnh xác lại coi đây là trò tiêu khiển |
Dứt lời, Tuấn Anh đưa chiếc máy ảnh Canon mới “tậu” tự hào khoe những "thành quả" được lưu lạitrong bộ nhớ. Vừa nhìn qua mấy tấm hình chụp cảnh tai nạn giao thông thảm khốc với hình ảnh nạn nhân nằm bất động, cổ ngoẹo sang một bên, mắt trợn tròn trong vũng máu, tôi không dám nhìn.
Thấy vậy, Tuấn Anh cười, chế giễu: “Mới thế mà chị đã sợ rồi. Chán thế. Mấy hình này đã ăn thua gì, vẫn còn “hiền” chán. Những người bạn trong hội của em còn chụp được những cảnh “đỉnh” hơn thế này nhiều. Ảnh càng rùng rợn thì càng thể hiện được sự “xả thân” và tay nghề của người chụp, thế mới hấp dẫn các thành viên vào bình luận.
Hàng tháng bọn em còn chọn ra những bức ảnh rùng rợn nhất để trao giải. Người có bức ảnh ấn tượng nhất sẽ được bầu làm hội trưởng và có thể đưa ra những đề tài để các thành viên khác đi “săn”…”.
Tuấn Anh không phải là số ít trong số những bạn trẻ có sở thích lập dị này. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn internet, không ít bạn trẻ còn thành lập hội những người săn ảnh xác chết, kinh dị. Chỉ cần một chiếc máy ảnh du lịch hay một chiếc điện thoại có chức năng quay phim, chụp ảnh, những người bạn cùng chung sở thích “quái đản” này có thể xông pha đến bất cứ nơi nào có “mùi” của xác chết để săn lùng những bức ảnh rùng rợn khiến những người yếu bóng vía khi nhìn một lần phải ám ảnh suốt đời.
Giống như Tuấn Anh, Trường Vũ, một thành viên có tiếng tăm trong cộng đồng mạng với hàng trăm bức ảnh xác chết tâm sự: "Để chụp được những tấm ảnh rồi đưa lên diễn đàn thu hút được nhiều cư dân mạng “khát máu” vào xem thì dù có vất vả đến mấy cũng chấp nhận. Đỉnh cao của thú chơi này là săn được tấm hình, quay được đoạn phim càng máu me, rùng rợn càng tốt. Như vậy mới gây ấn tượng mạnh với người xem. Một tấm hình, đoạn phim săn xác chỉ có thể được gọi là thành công khi nó khiến người xem kinh sợ".
Nhiều cô gái dáng vẻ liễu yếu đào tơ cũng tỏ ra khá thích thú với trò chơi này, thậm chí họ còn không ngại ngần khoe chiến tích "săn xác" đầu tiên của mình trên mạng: "Biết tin có tử thi một người đàn ông đang trong tình trạng phân hủy nổi lập lờ dưới gầm cầu Long Biên với gương mặt bị biến dạng, mình lập tức tới hiện trường chụp lại toàn cảnh, chụp dưới nhiều góc độ rồi tải lên mạng, bà con xem xong bàn tán rôm rả. Đúng là bõ công...”, một thành viên có cái tên khá dễ thương - Trà My, chia sẻ bức ảnh mình chụp cho lần đầu “nhập môn” cách đây 2 năm.
Như chuyện “cá tháng tư”
Để có được những bức ảnh có một không hai, những tay săn ảnh nhiều khi phải vào tận các bệnh viện - nơi tập trung những bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng máu me, thương tích đầy người.
Mặc dù, đa phần những tay săn ảnh xác chết là học sinh, sinh viên, nhưng khi nghe những chia sẻ của họ không ít người phải hãi hùng: "Nói đến xác chết, tai nạn ai mà chẳng sợ nhưng không có nghĩa là không ai dám xem. Thế nên, hễ trên đường xảy ra vụ tai nạn giao thông thì người người dừng lại xem, nhà nhà dừng lại ngó, rồi quay phim, chụp ảnh như dân chuyên nghiệp.
Khổ một nỗi đâu phải ai cũng có điều kiện chứng kiến cảnh chết chóc, máu me. Bởi vậy nhiệm vụ của dân “săn xác” là cố gắng nhanh nhạy, kịp thời, quay chụp cặn kẽ những hình ảnh này đưa lên mạng cho những người không có điều kiện đến hiện trường xem trực tiếp...", Lê Tú, học sinh lớp 12 một trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết.
Hẳn không ít người "sốc" trước những tuyên bố của một số bạn trẻ trước thú chơi quái dị này. Nhiều người còn hoài nghi rằng liệu chuyện ấy có thật hay đó chỉ là những câu chuyện bông đùa trong "ngày cá tháng tư". Hiện có hàng trăm trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải, cập nhật những hình ảnh chết chóc thê thảm, kinh dị do đội ngũ đông đảo những tay săn ảnh xác chết trực tiếp thực hiện hoặc sưu tầm trên các trang mạng nước ngoài.
Trong đó có hẳn những trang web chuyên về thể loại này như acchet… đông vui, tấp nập người xem. Trên trang chủ của nhiều trang web còn đăng tải những lời giới thiệu, mời chào hấp dẫn như “Luôn muốn mang lại cho bạn những gì thật nhất, sống động nhất có thể về những điều đau thương, nhằm làm thỏa mãn những cái đầu mang nặng tư tưởng bạo lực, máu me”.
Chỉ sau vài cú nhấp chuột, nhiều người đã rụng rời chân tay trước những hình ảnh máu me, lổn ngổn đầu lâu xương sọ đầy ma quái… trên một số trang web. Những tiêu đề lạnh tóc gáy kiểu như “cận cảnh cha xé con làm bảy mảnh”, “người đàn bà phơi ruột giữa xa lộ”, “phần còn sót lại của một xác chết”… tràn ngập trên các trang mạng.
Bên cạnh những bình luận bày tỏ sự sợ hãi là vô số những bình luận mang tính máu lạnh: “Nhìn bổ mắt ghê”, “ảnh đẹp đấy!”, “hấp dẫn quá!”... Thậm chí với hình ảnh một nạn nhân nam bị xe tải cán vào đầu có bạn còn vô tư bình luận: “Xin tí óc về nấu canh ăn chắc thông minh lắm”.
Khi được hỏi được lợi gì từ các vụ săn ảnh xác chết, các “tay chơi” đưa ra những lập luận đầy quái dị: “Nó giúp mình mạnh mẽ, can đảm, bản lĩnh hơn. Không còn cảm giác ghê sợ khi nhìn thấy xác chết, tử thi”. Trong khi đó những trang web chuyên về hình ảnh kinh dị thì chỉ có lý do duy nhất, thu hút nhiều người truy cập...
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.