Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Để trả lời cho câu hỏi "xá tội vong nhân là gì?", chúng ta phải biết rằng, xá tội vong nhân theo phong tục của một số nước Á Đông là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa.
Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.
Lễ cúng xá tội vong nhân thường diễn ra sau ngày 2 tháng 7 Âm lịch dến trước 12h ngày 15/7 Âm lịch.
Trong cuốn "Hội hè lễ tết của Người Việt" của cố GS Nguyễn Văn Huyên viết: "Lễ xá tội vong nhân là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.
Vừa lúc mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang, và hồn những kẻ bị đầy đọa ùa ra các nẻo đường, trần trụi và đói khát. Nếu muốn cung ứng cho các nhu cầu cấp thiết nhất của họ, thì vào ngày đó người ta phải bày lên bàn thờ họ những đĩa thức ăn, người ta cúng hồn quần áo, đồ đạc, những thoi vàng và bạc bằng giấy.
Ngoài ra, muốn được các thần thương xót, tối hôm đó, sau khi cúng gia tiên, người ta cúng cho tất cả các vong hồn bị bỏ rơi một mâm cơm. Vì thế, ta thấy ở các phố, lúc sẩm tối, ai cũng đặt trước nhà mình những bàn đầy ắp những bát cơm, bát cháo, bánh, hoa quả, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, rất nhiều vàng mã.
Người ta thắp hương, rồi tất cả mọi người trong nhà đều quỳ lạy trước bàn thờ này. Đôi khi người ta mời một thầy cúng đến cầu cho các linh hồn lang thang. Và lúc hương sắp tàn, người ta bước đến tận vệ đường với một bát cháo để vẩy lên không. Bằng cách đó, mọi người bố thí cháo cho các linh hồn bất hạnh.
Rồi người ta đốt vàng mã, đem tro đổ xuống con sông gần nhất, sông sẽ cuốn tro về nơi Chín suối vàng của thế giới những người chết. Rồi mọi người phát đồ cúng còn lại cho những người hành khất ngày đó thế nào cũng đợi sẵn trong các đường phố.
Rằm tháng Bảy ngày nay trở thành ngày từ thiện lớn: người giàu cho người nghèo và những người hành khất rất hào phóng; các hội từ thiện đi quyên để chia bố thí trong các nhà tế bần và bệnh viện.
Ở các chùa lớn, người ta làm lễ bằng những khoản quyên góp của các thiện nam tín nữ. Hôm đó, người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc tre dài từ bàn thờ Phật đến tận giữa sân chính của chùa. Khoảng cuối buổi chiều, trên chiếc bàn lớn này chồng chất đủ thứ kẹo, bánh, hoa quả mà tín đồ mang đến hay do nhà chùa mua. Mọi người vứt lung tung vào đấy rất nhiều đồ vàng mã như tiền, quần áo, mũ, giày..."
Cố GS Nguyễn Văn Huyên cũng cho rằng: "Lễ xá tội vong nhân có một tầm luân lý lớn. Nó khuyến khích mọi người hướng tới ăn ở tốt trong cuộc đời ngắn ngủi của mình và an ủi tất cả các linh hồn trong cuộc đấu tranh gay go giành sự sống.
Tất cả trong cái xứ sở có thiên nhiên nghiệt ngã này, nhất là ở những thời kỳ khắc nghiệt này của mùa hè, đều phải nâng cách quan niệm của mình về mọi khổ ải trên thế gian này lên quy mô những chuỗi luân hồi dài vô tận, nhằm khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành những đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục.
Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn bằng cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ"...
Trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), PGS.TS Bùi Xuân Đính giải thích kỹ hơn về lễ tục này như sau: Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, vong nhân được xá tội trong ngày này là các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.
Để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian, vào ngày rằm tháng Bảy (nhiều địa phương có thể tiến hành trước) phải bày mâm cúng chúng sinh, còn gọi là cúng thí thực (tặng thức ăn) hay cúng cô hồn.
Việc cúng cô hồn bắt nguồn từ truyền thuyết giữa ông A Nan Đà (gọi tắt là A Nan), với con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hay còn gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Sách Tìm hiểu các ngày lễ tết trong năm (Nhà xuất bản Dân trí ấn hành, năm 2016), tác giả Bùi Sao kể: “Vào một buổi tối A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào.
Quỷ tiên báo cho A Nan biết rằng, ba ngày sau ông sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ, ở đó lửa cháy to.
A Nan nghe thấy thế hoảng quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi cảnh khổ ấy.
Quỷ đói nói: “Ngày mai, ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được luân hồi chuyển kiếp”.
A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước, để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn”.
Mong rằng những thông tin này sẽ giúp mọi người hiểu về lễ xá tội vong nhân với những ý nghĩa tốt đẹp trong tháng 7 Âm lịch này!
Cúng xá tội vong nhân (cúng chúng sinh, cô hồn): Đây là việc cúng cho những vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng. Cúng chúng sinh nên được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn.
Lý do là vì các cô hồn thường sợ ánh sáng, bắt đầu cúng khi tắt nắng thì họ dễ nhận được đồ mà các gia đình cúng.
Lưu ý, khi cúng chúng sinh vào Rằm tháng 7, phải đặt mâm cỗ ở ngoài sân, ngoài đường, tuyệt đối không đặt ở bậu cửa.
Dù chọn giờ nào thì việc cúng chúng sinh phải được thực hiện trước 12h ngày 15/7 Âm lịch vì sau thời gian đó cửa địa ngục đóng lại. Do đó, cúng chúng sinh Rằm tháng 7 vào ngày nào hoàn toàn phụ thuộc vào từng gia đình, miễn là trước thời gian trên là được.
(T/H)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.