Xã vắng ngắt vì trai làng "chui"... sang Thái Lan xuất khẩu lao động

Thứ hai, ngày 07/04/2014 21:42 PM (GMT+7)
Danh sách người dân xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đi xuất khẩu lao động "chui" đã dài 10 trang giấy. Riêng số đi Thái Lan cũng chiếm trên 1.500 người - là chia sẻ đầy ưu tư của cán bộ địa phương.
Bình luận 0
5 năm gần đây, người dân Hà Tĩnh, Nghệ An rời quê đi xuất khẩu lao động trái phép diễn ra một cách rầm rộ. Ma lực của đồng tiền đẩy người lao động rơi vào vòng xoáy rủi ro, thậm chí đánh đổi cả tính mạng.

Xã hộ chiếu


Phóng viên Dân Việt vừa tìm về xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nơi "điển hình" xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép, để tìm hiểu về phong trào đang diễn ra rầm rộ này.

Mặc dù đang vào mùa sản xuất và chăm sóc lúa Xuân (vụ chính của người dân ở xã Mỹ Lộc), nhưng thật trớ trêu, cánh đồng vắng ngắt, bởi đa số thanh niên và trung niên khỏe mạnh trong làng đã rời quê đổ xô sang Thái Lan làm thuê.

img
Dân đổ xô sang Thái, làng quê ở Mỹ Lộc vắng ngắt (trong ảnh: Đường vào trung tâm xã Mỹ Lộc).

Thanh niên ở xã Mỹ Lộc học xong cấp 3 không thi đậu vào các trường chuyên nghiệp là đi Thái Lan làm thuê và trở thành phong trào của người dân ở đây.

Thanh niên trong độ tuổi lao động kéo nhau đi đã đành, đàn bà, trẻ con cũng không chịu ở nhà. Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù Mỹ Lộc là một xã từ trước tới nay chỉ sản xuất nông nghiệp là chính, nhưng điều lạ là đa số người dân ở đây trên 18 tuổi đều có tấm hộ chiếu trong tay và họ đi Thái Lan như đi chợ.

Ông Trần Trí Quang - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc - ngao ngán: “Người dân ở đây không mặn mà gì làm nông nghiệp cả, lớn lên là kéo nhau sang Thái làm thuê. Tính bình quân mỗi tháng một người sang Thái làm thuê kiếm được 5-7 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập đáng kể so với làm nông, thậm chí một số người sang Thái làm ăn khá còn có tiền gửi về xây nhà, mua sắm nội thất đàng hoàng. Vì vậy, không chỉ người dân trong độ tuổi lao động mà nhiều học sinh chưa tốt nghiệp trung học cơ sở cũng quyết định “gác bút” làm hộ chiếu du lịch rồi ở lại Thái Lan bất hợp pháp để làm thuê”.

Cũng theo ông Quang, cả xã có trên 7.900 nhân khẩu, 2.154 hộ dân, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ thì đến nay có trên 2.500 người dân trong xã đã đi làm hộ chiếu phổ thông. Vì vậy cứ vào dịp ngoài Tết là làng xã vắng ngắt, người dân đi Thái Lan làm thuê dễ hơn đi vào miền Nam.

Đổ xô xuất ngoại chui làm thuê

Gần nửa tháng nay, Công an xã Mỹ Lộc đang rà soát thống kê số lượng người dân trong xã đi nước ngoài làm ăn, nhưng rất khó khăn vì số lượng người quá lớn và họ đi không báo lên chính quyền xã, đặc biệt là phần lớn số lao động rời quê sang Thái Lan.

Ông Lê Văn Chương - Phó trưởng Công an xã Mỹ Lộc - cho biết: “Mấy tuần nay lực lượng Công an xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, trưởng thôn về tận các hộ dân nắm con số, đến nay danh sách dày hơn 10 trang giấy nhưng cũng không thống kê chính xác được. Riêng số đi Thái cũng chiếm trên 1.500 người”.

Cũng theo ông Chương, để sang Thái không khó, chỉ cần tấm hộ chiếu phổ thông và có người quen mai mối dẫn dắt là sang Thái làm việc ngon ơ. Có người đi vài tháng rồi về, có người đi 5-10 năm vẫn chưa về. Có gia đình bố đi trước rồi đưa cả vợ con cùng sang. Công việc chủ yếu là bưng bê nhà hàng, rửa bát, rửa xe.

img
Cả gia đình anh Trần Đình Đông ở thôn Đô Hành rời quê sang Thái Lan làm thuê, bỏ lại nhà cửa hoang vắng.

Theo chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi đến nhà anh Trần Đình Đông ở thôn Đô Hành, chỉ cách trụ sở UBND xã Mỹ Lộc vài bước chân, hai ngôi nhà ngói cửa đóng then cài đã hơn 5 năm nay. Người dân cho biết, sau khi anh Đông sang Thái được ít năm, anh đã dẫn tất cả 6 người gồm vợ, con và con dâu sang Thái làm thuê, nên vườn tược bỏ hoang cỏ mọc um tùm.

Trao đổi với PV, ông Phan Anh - Trưởng phòng Lao động-Xã hội huyện Can Lộc - cho biết: Mặc dù Thái Lan chưa cấp phép tuyển lao đông Việt Nam, nhưng ở Can Lộc người dân vẫn ồ ạt sang Thái làm việc “chui” với số lượng lớn. Chỉ riêng tại 2 xã Mỹ Lộc và Xuân Lộc, theo thống kê đã có gần 2.500 người đi Thái làm việc “chui”, tiềm ẩn nhiều rủi ro do không được bảo vệ.

Hiện nay, phong trào XKLĐ chui ở Nghệ An thu hút hàng ngàn lao động. Nhiều gia đình, nhiều làng quê giàu lên nhanh chóng, nhưng thực trạng XKLĐ “chui” cũng để lại nhiều hệ lụy buồn.

Có những hộ nghèo đã lâm vào cảnh điêu đứng, ôm nợ hàng trăm triệu đồng vì bọn lừa đảo XKLĐ. Nhiều lao động đi trót lọt nhưng rồi phải sống chui lủi, làm việc trong môi trường khắc nghiệt không đảm bảo an toàn lao động và bỏ mạng ở xứ người.

Một trong những nạn nhân đó là anh Nguyễn Công Nguyên - ở khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Anh Nguyên được một đối tượng tên Thìn tổ chức đưa sang Angola vào năm 2013,với giá phải nộp là 6.000USD. Song, sang đến nơi thì bị Thìn bội tín, anh Nguyên phải sống lang thang, bị nhiễm sốt rét ác tính rồi qua đời.

Theo điều tra của PV, gần đây, tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An không chỉ đi Thái Lan lao động bất hợp pháp mà còn rộ lên nhiều đường dây đưa người sang Angola, Nga… làm việc “chui”, bất chấp cảnh báo từ phía Bộ LĐTBXH. Nhiều lao động vì giấc mơ làm giàu, chấp nhận rủi ro nên đã dính bẫy các “công ty lừa”...

Đón xem bài tiếp: "Cò" môi giới xuất khẩu lao động "chui" nhiều như nấm sau mưa
Hữu Anh-Tiến Dũng (Hữu Anh-Tiến Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem