Xác định nuôi biển là nghề đa mục tiêu, đa lợi ích
Xác định nuôi biển là nghề đa mục tiêu, đa lợi ích
Thiên Hương (thực hiện)
Thứ năm, ngày 15/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
“Để nuôi biển hiệu quả, bền vững, tôi cho rằng công tác giống phải thật tốt. Nhà nước phải đầu tư mạnh hơn để có đủ con giống phục vụ nuôi biển. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ổn định đầu ra để bà con yên tâm đầu tư” - ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nói.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, tiềm năng nuôi biển của nước ta rất lớn, tuy nhiên lâu nay người dân chưa thực sự đầu tư khai thác thế mạnh này, chủ yếu vẫn là dựa vào đánh bắt ngoài khơi. Ông có thể đánh giá như thế nào về điều này?
- Hiện nay Bộ NNPTNT đang xây dựng chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, trong đó có các đề án phát triển nuôi biển. Phải khẳng định nước ta có tiềm năng dồi dào phát triển lĩnh vực này, nhiều tỉnh có thể phát triển nuôi biển rất tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang… nhờ có nhiều eo, vịnh, các đảo nhỏ…
Hiện nay, công nghệ nuôi biển rất phát triển, trong đó có những loại lồng hiện đại, kiên cố có thể đánh chìm khi gặp bão lớn, có thể nuôi ở ngoài khơi, nơi mênh mông sóng nước.
"Nuôi biển quy mô công nghiệp, sẽ không sử dụng thức ăn tươi sống mà dùng thức ăn công nghiệp, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường biển".
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Khi chúng tôi đi khảo sát ở ngoài khu vực đảo Trường Sa Lớn, cũng con cá chim vây vàng tương tự như loài đang nuôi ở vịnh Cam Ranh, hay vịnh Vân Phong, nhưng cá ở đây lớn rất nhanh. Nuôi trong vịnh, sau 10 tháng cá đạt khoảng 8-9 lạng, nhưng ở ngoài khu vực đảo Trường Sa Lớn, cá chim vây vàng có thể đạt 1,2 - 1,3kg.
Điều đó cho thấy nuôi ngoài khu vực nước biển sâu cá sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Hiện bộ đội Trường Sa cũng đã có lồng nuôi, nhưng chưa nhiều.
Nếu phát triển mô hình nuôi biển ngoài quần đảo Trường Sa, tôi nghĩ rất có tiềm năng. Mỗi năm có khoảng 3.000 khách, đại biểu từ đất liền ra các đảo làm việc và tham quan.
Chỉ cần nuôi lồng đủ sản lượng để phục vụ bữa ăn cho số lượng khách đó, đã đem lại giá trị kinh tế rất cao. Những đoàn khách này thường phải lênh đênh 1 tuần trên biển, ăn đồ đông lạnh là chính, khi ra tới đảo được ăn cá tươi như vậy ai cũng thích.
Mặc dù vậy, việc nuôi biển ở nước ta hiện nay vẫn còn khiêm tốn do thiếu vốn, yếu công nghệ. Nuôi ngoài khơi xa thì phải có lồng nuôi hiện đại chống được bão lớn, nhưng chi phí rất đắt đỏ, vậy làm thế nào để bà con ngư dân có thể tiếp cận được?
- Đúng như vậy. Thứ nhất, để nuôi biển hiệu quả, bền vững, tôi cho rằng công tác giống phải thật tốt. Nhà nước phải đầu tư mạnh hơn cho khâu này để có đủ con giống phục vụ nuôi biển. Con giống phải nhanh lớn, ít bị dịch bệnh, thịt thơm ngon, tỷ lệ sống cao, giá thành sản xuất thấp...
Thứ 2 là cơ sở hạ tầng cần được đầu tư, phải có bến cảng để người dân có thể di chuyển thuận lợi từ bờ ra lồng nuôi chăm sóc cá.
Bên cạnh đó, chi phí làm lồng hiện nay cũng khá lớn. Nếu làm lồng theo công nghệ Na Uy có đường kính trên 30m, chi phí ban đầu hết khoảng hơn 1 tỷ đồng. Còn bà con tự làm lấy bằng chất liệu HDPE, thì chỉ hết trên 400 triệu đồng...
Muốn phát triển tốt nghề nuôi biển, tôi cho rằng bà con ngư dân phải liên kết với nhau. Ví dụ như tại Nhật Bản, người dân nuôi biển rất hiệu quả nhờ thực hiện theo mô hình hợp tác xã. Trong hợp tác xã có nhà máy chế biến. Mỗi tháng, nhà máy đặt hàng sản lượng tới ngư dân, giá thu mua được công khai minh bạch, bà con chỉ việc nuôi theo đúng đơn đặt hàng mà không phải lo khâu đầu ra nên rất nhàn.
Nuôi biển an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường thì không lo bị phạt "thẻ vàng". Vậy vì sao vẫn không phát triển được?
- Rõ ràng nghề nuôi biển rất có ý nghĩa đối với việc phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, chủ động nguyên liệu, giảm đánh bắt tự nhiên, tạo công ăn việc làm cho bà con ngư dân, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Bên cạnh đó, nghề nuôi biển còn tạo sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu, phát huy tiềm năng mặt nước, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Chúng ta xác định nuôi biển là nghề đa mục tiêu, đa lợi ích nên cần có chiến lược phát triển lâu dài.
Hiện nay chúng tôi cũng đang tuyên truyền và xây dựng một số mô hình lồng tròn kiểu mới sử dụng vật liệu HDPE thay cho lồng gỗ, lồng vuông kém hiệu quả. Để giảm chi phí làm lồng, chúng tôi chọn sử dụng vật liệu trong nước với giá thành rẻ hơn lồng nhập khẩu (trung bình hơn 100 triệu đồng/lồng), và áp dụng quy mô nhỏ hơn, đường kính lồng khoảng 10m, thể tích 300m3 rất phù hợp với năng lực của bà con ngư dân.
Khi nuôi nhiều lồng, bà con cũng giảm bớt rủi ro hơn. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, tôi cho rằng nghề nuôi biển sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.