Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ ngày 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền vào ví điện tử với giá trị từ 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN.
Theo ghi nhận của Dân Việt, 2 ngày sau khi Quyết định 2345 có hiệu lực (từ 1/7), tại các phòng giao dịch của các ngân hàng, nhiều người dân đến thực hiện xác thực sinh trắc học tại quầy.
Một trong những lý do khiến cho việc tự xác thực sinh trắc trên các ứng dụng ngân hàng (App) của khách hàng không thành công là do thiết bị điện thoại thông minh mà nhiều người dân đang sử dụng không có chức năng đọc NFC trên CCCD. Đây là bước quan trọng để xác thực sinh trắc học.
Ngoài ra, việc quá nhiều người cùng xác thực sinh trắc học cũng khiến hệ thống của một số ngân hàng quá tải.
Xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng Vietcombank và VNeID của Bộ Công an. Video Khải Phạm.
Để giải quyết tình trạng người dân khó xác thực sinh trắc học vì những lý do trên, Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên cho phép người dân cập nhật trực tuyến thông qua kết nối App-to-App giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID.
Với cách này, khách hàng chỉ cần đăng nhập ứng dụng VCB Digibank >> Tiện ích >> Cập nhật sinh trắc học >> Lựa chọn "Tài khoản định danh điện tử (VNeID)" và thực hiện theo hướng dẫn trên màn hình.
Thực hiện xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng khi kết nối với VNeID của Bộ Công an khá đơn giản, nhanh chóng. Ảnh Khải Phạm.
Qua trải nghiệm thực tế của Dân Việt, việc thực hiện xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng Vietcombank kết nối VNeID diễn ra rất dễ dàng. Khách hàng sẽ không cần quét NFC, thay vào đó là chụp CCCD 2 mặt, quét mã QR và làm theo hướng dẫn.
Chị Phùng Thị Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch là việc làm cần thiết để gia tăng tính bảo mật cho tài khoản ngân hàng, tránh tình trạng mất tiền không lý do. "Với nhiều người, việc xác thực này khá mất thời gian, không cần thiết. Với bản thân tôi dù ít giao dịch số tiền lớn, nhưng thấy việc này rất an toàn khi chẳng may mất điện thoại cũng không dễ mất tiền vì phải có khuôn mặt mình xác thực".
Cũng theo chị Quỳnh Anh, thời gian đầu người dân đổ xô đi cập nhật nên rất khó nên chị đã không cập nhật ngay, rất may giờ ngân hàng tích hợp với ứng dụng VNeID nên dễ hơn rất nhiều.
"Ngày đầu (1/7/2024 - PV) tôi cũng thử cập nhật trên ứng dụng Vietcombank nhưng không được vì điện thoại không quét được NFC. Sau đó, tôi có ra điểm giao dịch, nhưng đông quá nên chưa vội xác thực. Hôm nay, vào xác thực sinh trắc lại thì thấy liên kết với VNeID nên không cần quét NFC, xác thực chỉ mất 1-2 phút rất tiện lợi", chị này nói.
Được biết, việc đồng bộ dữ liệu trên ứng dụng ngân hàng Vietcombank và VNeID của Bộ Công an được thực hiện theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các ngân hàng được phép khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước công dân gắp chíp và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp.
"Vietcombank là ngân hàng ký hợp đồng sử dụng dịch vụ đầu tiên với RAR để ứng dụng Dịch vụ xác thực điện tử của Bộ Công an vào thu thập, làm sạch thông tin và xác thực Sinh trắc học cho khách hàng trên kênh ngân hàng số, làm cơ sở đáp ứng quy định của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, Vietcombank là ngân hàng duy nhất triển khai xác thực sinh trắc học cho khách hàng bằng phương án này", lãnh đạo Vietcombank cho hay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau 2 ngày thực hiện việc xác thực sinh trắc học trong một số giao dịch trực tuyến theo Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước, đã có hơn 13 triệu khách hàng hoàn thành việc xác thực sinh trắc học khuôn mặt.
NHNN cũng cho biết, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong 2 ngày đầu thực hiện Quyết định 2345/2023 là 8,24%. Các ngân hàng cũng cho biết, giao dịch của khách hàng vẫn được thông suốt và mọi vướng mắc (nếu có, bao gồm khi quét NFC) đang được các nhà băng nỗ lực xử lý, đồng hành cùng khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.