Xài lại vật tư y tế: Lợi ai, hại ai?

Thứ sáu, ngày 28/03/2014 19:31 PM (GMT+7)
Ngày 28.2, BHXH TP.HCM gửi công văn đến các cơ sở y tế hướng dẫn thanh toán chi phí vật tư y tế khó định lượng, tái sử dụng nhiều lần. Công văn này đã gây tranh cãi trong giới điều trị can thiệp tim mạch, đặc biệt lĩnh vực nhi khoa.
Bình luận 0
Tại Phòng Can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP.HCM, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Phó khoa Tim mạch, cầm quả bóng nong van động mạch chủ đã dùng qua đưa tôi xem: “Quả bóng nhỏ xíu, nhưng rất “lợi hại”. Để điều trị bệnh hẹp van động mạch chủ, bác sĩ luồn quả bóng vào cơ thể trẻ em qua đường động mạch, đến van tim tổn thương rồi bơm phồng lên để nong chỗ hẹp, thay vì phải qua một cuộc phẫu thuật tim kéo dài như trước đây. Nhà sản xuất khuyến cáo không tái sử dụng bóng, không hiểu sao ở nước ta người ta bất chấp khuyến cáo đó”.

Độ trong suốt của bóng nong van động mạch chủ đã qua sử dụng giảm hẳn so với bóng nguyên thuỷ, chưa kể còn dính thuốc cản quang bên trong bóng. Sử dụng vật tư y tế kém chất lượng cho  trẻ em là thật sự nguy hiểm. Ảnh: Tuân Nguyễn
Độ trong suốt của bóng nong van động mạch chủ đã qua sử dụng giảm hẳn so với bóng nguyên thuỷ, chưa kể còn dính thuốc cản quang bên trong bóng. Sử dụng vật tư y tế kém chất lượng cho trẻ em là thật sự nguy hiểm. Ảnh: Tuân Nguyễn

Quả vậy, mặt sau catalogue bóng nong van Tyshak II của nhà sản xuất NuMED có chục ký hiệu hướng dẫn sử dụng, trong đó ngay dòng đầu tiên là ký hiệu số 2 nằm trong vòng tròn với đường gạch chéo qua và dòng chữ bên cạnh: “Do Not Reuse” (Không tái sử dụng). Nhưng BHXH yêu cầu dùng lại bốn lần. Không chỉ bóng nong van, bóng nong vách liên nhĩ (dùng để xé vách liên nhĩ trong điều trị các bệnh tim bẩm sinh tím tái phức tạp) cũng được yêu cầu dùng bốn lần, bất chấp khuyến cáo không dùng lại của nhà sản xuất.

“Tinh thần tiết kiệm” có phải do bóng nong vách liên nhĩ 10 triệu đồng/cái, bóng nong van 15 triệu đồng/cái? Theo quy định, BHXH chỉ thanh toán 1/4 giá cho mỗi lần sử dụng.

“Những quy định của BHXH Việt Nam là chung chung, nếu bệnh viện sử dụng những vật tư y tế có tính đặc thù riêng cho trẻ dưới 6 tuổi, bệnh viện cần báo lên để chúng tôi và họ ngồi lại bàn giải pháp tháo gỡ. Trước đây BHXH cũng đề nghị chung “bóng nong sử dụng bốn lần”, nhưng thực tế điều này chỉ đúng cho bóng nong van làm bằng caosu, còn bóng nong vành chỉ dùng một lần, vì khi bơm lên rồi xẹp xuống là không dùng lại được nữa. Sau khi chúng tôi đề xuất thay đổi, BHXH Việt Nam cũng điều chỉnh”.


BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM

Nguy cơ và không công bằng BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết BHXH TP.HCM chỉ làm theo tinh thần của BHXH Việt Nam. Bà Huyền nói: “Thật ra chúng tôi cũng đã “đấu tranh” để kéo số lần sử dụng xuống thấp, chứ như ban đầu BHXH Việt Nam còn quy định số lần tái sử dụng nhiều hơn bây giờ”.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực can thiệp tim mạch nhi khoa, BS Tín phân tích: “Khi bóng luồn vào mạch máu, người ta phải bơm thuốc cản quang để nhìn thấy đường đi của nó. Khi rút bóng ra, bóng sẽ dính thuốc cản quang, và khi khô thuốc có thể đọng thành tinh thể bám đầy trong bóng, không cách nào làm sạch được. Nếu dùng lại và chẳng may bóng bể ra, tinh thể thuốc cản quang có thể xâm nhập vào máu đi đến những bộ phận khác, đến não gây thuyên tắc não, đến phổi gây thuyên tắc phổi, lúc này bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất lớn”.

Nhưng vấn đề còn ở chỗ kỹ thuật. Quả bóng nguyên thuỷ được xếp bằng máy gọn gàng, đúng cách để luồn được vào những mạch máu rất nhỏ của trẻ em. Dùng lại bóng, phải xếp bằng tay, không thể gọn gàng như xếp bằng máy. “Bác sĩ dùng bóng được lần hai đã cực khéo. Nếu dùng đến lần thứ tư, người đó thật sự là bậc thầy trong nghề”, BS Tín nhận định.

Thực tế, nếu tái sử dụng vật tư y tế (VTYT) kiểu này, nhân viên y tế phải ngâm thuốc sát khuẩn trước khi đưa đi hấp tiệt khuẩn. Tuy nhiên, cũng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cách đây vài năm khoa Chống nhiễm khuẩn, nơi có nhiệm vụ tiệt khuẩn dụng cụ y tế đã qua sử dụng, đã phát hiện vi sinh vật trong một số VTYT tinh xảo sau xử lý, từ đó khoa không chấp nhận hấp tiệt khuẩn những VTYT như bóng nong van động mạch.

Nếu dùng lại VTYT nhiều lần như bóng can thiệp tim mạch, vấn đề còn đặt ra là sự công bằng cho bệnh nhân. Nghĩa là, bệnh nhân đầu tiên hưởng lợi nhiều nhất vì được sử dụng bóng “xịn”. Lợi ích cho bệnh nhân thứ hai giảm phần nào vì bóng đã qua sử dụng một lần. Càng về sau, lợi ích của bệnh nhân càng giảm, nhưng họ phải trả tiền bằng người đầu tiên!

Biết chuyện, một bác sĩ trong lĩnh vực tim mạch can thiệp cắc cớ thắc mắc: “Nếu gặp tổn thương tim mạch khó khăn, bác sĩ can thiệp làm bể bóng ngay lần sử dụng đầu tiên thì trường hợp đó tính tiền thế nào: Bác sĩ bỏ tiền ra đền hoặc tính bù lại cho bóng thứ hai, sử dụng bảy lần thay vì bốn lần?”.
Phan Sơn (Thế giới Tiếp thị) (Phan Sơn (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem