Xâm nhập "chợ" làm giấy tờ, bằng tiến sĩ giả giá 10 triệu đồng

Quang Phương Thứ tư, ngày 14/04/2021 18:58 PM (GMT+7)
Các loại giấy tờ, bằng cấp giả hiện nay được rao bán trên mạng Internet... như một cái chợ. Trong đó, các loại giấy tờ được rao làm giả nhiều tập trung vào bằng ĐH, CĐ, trung cấp, các chứng chỉ nghiệp vụ… với giá rẻ mạt. Trong đó, bằng tiến sĩ giả được rao với giá 10 triệu đồng.
Bình luận 0

Làm bằng tiến sĩ giả giá 10 triệu đồng

Website "lambangdaihoc.com.vn" quảng cáo rầm rộ việc làm bằng cấp các loại. Theo đó, đơn vị này làm các loại bằng cấp từ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp, ngoài ra, còn "nhận làm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ nghề…". PV Dân Việt liên hệ thì được một người tên Đại ra giá "bằng thạc sĩ 7 triệu đồng, bằng tiến sĩ 10 triệu đồng. Vì bảo mật thông tin khách hàng nên không thể chia sẻ những mẫu bằng đã làm sẵn". Tuy nói không chia sẻ, nhưng trên website lại trên đăng tải hàng loạt bằng thạc sĩ, cử nhân…

Đi “chợ” làm giấy tờ, bằng cấp giả qua mạng - Ảnh 1.

Bằng thạc sĩ giả được trang "lambangdaihoc.com" đăng để quảng cáo - Ảnh: Quang Phương.

Còn tại trang "lambanggia.net" thì quảng cáo làm bằng tiến sĩ với những lời có cánh "Làm bằng tiến sĩ không cần đặt cọc giá rẻ phôi gốc thật 100%, mộc đóng và mộc giáp lai giống thật 100%, tem 7 màu 6 cánh của Bộ GD-ĐT, làm xong giao bằng nhận tiền không cần đặt cọc".  Chúng tôi liên hệ, một người tên Lê Minh ra giá: "Bằng tiến sĩ làm giá 8 triệu đồng. Muốn trường nào gửi mẫu làm cho".

Tương tự, tại hàng loạt các trang khác như: "nhanlamgiaytogia.com", "lambanggiare24h.com"… cũng rao nhận làm rất nhiều loại giấy tờ. PV Dân Việt liên hệ qua điện thoại được một người tên Quốc Nam tư vấn: Bằng ĐH có giá 4,5 triệu đồng, làm 4 ngày là có bằng. Để minh chứng, Nam gửi qua Zalo cho chúng tôi một loạt các bằng cấp giả mà Nam đã làm.

Tương tự các loại bằng cấp, các loại giấy tờ nhà đất, giấy chứng minh, giấy ly hôn cũng đang được nhiều đối tượng rao làm giả. Tại website "lamgiayto.net" các đối tượng này giới thiệu đủ các loại giấy tờ như: Sổ đỏ, sổ hồng, giấy đăng ký kết hôn, bằng lái xe ô tô, bằng lái xe máy, chứng minh nhân dân… Liên lạc theo số điện thoại liên lạc trên website, chung tôi được tư vấn: "Chi phí cho một sổ đỏ từ 7 – 9 triệu đồng tùy từng trường hợp. Trong Sài Gòn thì sau 2 ngày sẽ có giấy tờ, ngoại tỉnh thì 4 ngày. Khi làm đặt cọc 500.000 đồng. Phần còn lại kiểm tra hàng rồi thanh toán. Hàng bưu cục sẽ giao tận nhà. Giấy tờ bao công chứng để vay ngân hàng". Đáng chú ý, trang này còn nhận làm cả thẻ đảng viên giả.

Tại hàng loạt các trang web khác như: "dichvulamgiayto247.com",  "chuyengiaytogiare.net", "lamcacloaigiathap.com", "lamsohong"… đều rao nhận làm nhiều loại giấy tờ.

Dùng bằng thật quảng cáo để hút khách hàng làm bằng giả

Để hút khách hàng, các đối tượng làm giả giấy tờ đã dùng bằng cấp thật của nhiều người để đăng quảng cáo cho việc làm giả. Trên trang "nhanlamgiaytogia.com" đăng hình bằng Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng do Trường ĐH Mở TP.HCM cấp vào tháng 10/2014 cho ông N.V.L (SN: 1982). Sau khi kiểm tra đối chiếu số hiệu bằng trong hình và trên hệ thống của Trường ĐH Mở TP.HCM, chúng tôi phát hiệu thông tin trên hình trùng khớp với dữ liệu của trường lưu.

Còn tại trang "muabang.online…" có đăng hình ảnh bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cấp cho ông Đ.Th.Ph. vào tháng 4/2013. Sau khi rà soát số liệu và tra cứu trên hệ thống văn bằng của trường thì những thông tin trên trùng khớp với nhau.

Đi “chợ” làm giấy tờ, bằng cấp giả qua mạng - Ảnh 3.

Bằng tiến sĩ của một tiến sĩ Trường ĐH Y Hà Nội bị các đối tượng lừa đảo dùng để quảng bá làm bằng cấp giả - Ảnh: Quang Phương.

Đáng nói, bằng tiến sĩ thật của nhiều người cũng được các đối tượng làm giả lấy đăng quảng cáo cho việc làm giả giấy tờ. Đơn cử như trường hợp bằng tiến sĩ của bà Qu.Th.Th.L., tiến sĩ chuyên ngành răng hàm mặt Trường ĐH Y Hà Nội được cấp vào tháng 12/2015 đã bị trang "lambanggiare24h.com" đăng tải để quảng bá cho việc làm bằng tiến sĩ.

Coi chừng tiền mất tật mang

Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Hành vi làm giả các loại giấy tờ, bằng cấp, giấy phép để bán cho người khác là phạm tội theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, về tội "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Người có hành vi này, nếu bị phát hiện, khởi tố, sẽ có thể đối mặt với hình phạt tiền từ 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ, đến tù giam từ 6 tháng đến 7 năm, tùy mức độ hành vi phạm tội.

Đi “chợ” làm giấy tờ, bằng cấp giả qua mạng - Ảnh 4.

Hàng trăm bằng cấp giả mà các nhóm làm bằng cấp cấp giả đã cung cấp cho phóng viên để "mời" làm bằng cấp, giấy tờ giả - Ảnh: Quang Phương.

Trường hợp, người có hành vi trên còn dùng giấy tờ, bằng cấp, giấy phép giả để thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, có mức xử phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Nếu chỉ có hành vi bán, nhưng biết rõ người mua sẽ dùng giấy tờ giả để thực hiện hành vi phạm tội, thì người bán cũng đồng phạm đối với hành vi phạm tội mà người mua đã thực hiện.

Đối với người sử dụng các loại giấy tờ giả như nêu trên, luật sư Điền cho biết: Sử dụng giấy tờ giả dù với bất kỳ mục đích gì đều trái pháp luật, có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi. Nếu sử dụng giấy tờ giả vào mục đích lừa đảo hoặc thực hiện hành vi phạm tội khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự cho tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội danh khác cho hành vi đã thực hiện.

"Đối với việc các đối tượng dùng hình ảnh, thông tin cá nhân, bằng cấp của người khác để quảng cáo nói chung và trường hợp quảng cáo cho hoạt động trái pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo. Mức xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng theo điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Đồng thời, người hình ảnh, thông tin bị xâm phạm có thể yêu cầu bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng", luật sư Điền nói.

Không có chuyện bằng giả có hồ sơ gốc!

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Hàng năm có rất nhiều đơn vị gửi công văn đến trường nhờ xác minh văn bằng và trường đã phát hiện một số trường hợp là văn bằng giả. "Việc các đối tượng quảng cáo làm bằng ĐH có hồ sơ gốc tại trường là không thể xảy ra. Việc cấp bằng phải qua hai khâu từ khâu đầu vào do phòng công tác sinh viên quản lý còn khâu đào tạo do phòng đào tạo quản lý. Việc cấp bằng căn cứ vào đầu vào của sinh viên vào năm nào, trong dữ liệu trúng tuyển có hay không…nhiều khâu lắm! Hiện nay, các đối tượng làm bằng giả làm rất tinh vi nhưng không thể nào có hồ sơ gốc trong trường được", tiến sĩ Hạ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem