Chứng minh thư 3 trong 1
Theo văn bản trả lời của Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nghệ An với Công ty CP Xây dựng Nhân lực Gia Vi (Cty Gia Vi) thì người có tên là Vương Thị Hoài Thu đã xuất cảnh ngày 11.8.2016 qua cửa khẩu sân bay Nội Bài, chưa có thông tin nhập cảnh.
Người mang hộ chiếu có tên “Vương Thị Hoài Thu” thực chất là bà Trần Thị Bình – người đã được đi xuất khẩu lao động thông qua Cty Gia Vi.
Ảnh photo hai giấy chứng minh nhân dân có ảnh của bà Trần Thị Bình, nhưng một chứng minh lại mang tên Vương Thị Hoài Thu, với số chứng minh của một người khác. VH
Cuốn hộ chiếu được bà Bình nộp trong hồ sơ có ghi số chứng minh nhân dân là 182165399. Theo tìm hiểu của Dân Việt, bà Bình ngoài chứng minh nhân dân mang tên Trần Thị Bình, cũng có một chứng minh nhân dân khác mang tên “Vương Thị Hoài Thu”.
Tuy nhiên, theo xác minh của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An thì trong Tàng thư căn cước công dân không thấy tài liệu của công dân “Vương Thị Hoài Thu” có số chứng minh 182165399.
Số chứng minh nhân dân kể trên đã được cấp ngày 30.11.1995 cho người có tên là Võ Như Hồng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Như vậy, chiếc chứng minh thư bà Trần Thị Bình nộp trong hồ sơ đi xuất khẩu lao động mang tên Vương Thị Hoài Thu nhưng số chứng minh lại là của một người khác.
Từ chứng minh thư này, bà Trần Thị Bình đã có sổ hộ chiếu mang số C1490788 mang tên Vương Thị Hoài Thu.
Trong khi đó trao đổi với PV Dân Việt, Thượng tá Tô Hữu Trí – Phó phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Theo quy định, khi làm thủ tục, hồ sơ cho một người lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, người lao động phải đến trực tiếp chụp ảnh tại đơn vị, phải xuất trình giấy CMND bản gốc.
Trước đây lãnh đạo Công ty CP xây dựng Nhân lực Gia Vi có vào làm việc với chúng tôi, vì không làm hồ sơ cho người lao động nên hồ sơ lưu tại đơn vị không có. Có thể hồ sơ của người lao động do công ty môi dưới làm ở ngoài Hà Nội”.
Về nhân thân người được bà Bình “mượn tên” trong sổ hộ chiếu, ông Đậu Khắc Hà – Trưởng Công an xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho hay: “Chúng tôi xác định chị Vương Thị Hoài Thu là công dân ở xã. Tuy nhiên từ năm 2015, chị Thu đã chuyển hộ khẩu thường trú ra xã Gia Đông, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), lâu nay chị Thu không về địa phương.
Do chị Thu đã chuyển hộ khẩu tại địa phương nên mọi hồ sơ thủ tục chính quyền xã không hề ký và hoàn tất hồ sơ như sơ yếu lý lịch, hộ khẩu cho chị Vương Thị Hoài Thu”
Ông Hà cho biết thêm, chị Thu là con của ông Vương Đức Minh, trước đây ông Minh là người môi giới xuất khẩu lao động tại địa phương. Tuy nhiên mấy năm qua ông Minh cũng không xuất hiện ở địa phương.
Còn ông Nguyễn Đình Cường – Trưởng Công an xã Hưng Lộc, TP. Vinh, nơi bà Bình đăng ký hộ khẩu thường trú, cho rằng không biết đến trường hợp bà Bình đi xuất khẩu lao động.
“Mọi hồ sơ thủ tục cho công dân Trần Thị Bình (SN 1963, trú tại xã Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc) để đi xuất khẩu lao động chúng tôi không hề biết và ký tá gì hết. Bỡi bà Bình khi đi XKLĐ đi lấy tên chị Vương Thị Hoài Thu” – ông Cường nói.
Có đường dây làm giấy tờ giả?
Làm việc với PV Dân Việt, ông Nguyễn Anh Xuân – Phó Tổng giám đốc Công ty Gia Vi cho rằng đơn vị này “rất bối rối” khi phát hiện ra thông tin về nhân thân của người đi xuất khẩu lao động không chính xác.
Ông Xuân cũng thừa nhận khi cán bộ công ty nhận hồ sơ của người lao động đã không tìm hiểu, kiểm tra và nhận thấy “hồ sơ hợp lệ” nên đã bố trí làm thủ tục để bà Trần Thị Bình đi xuất khẩu lao động dưới tên Vương Thị Hoài Thu.
Về vấn đề bà Bình vừa quá tuổi, vừa có bệnh lý trong người, đại diện Công ty Gia Vi cho rằng cán bộ khi tiếp nhận hồ sơ thấy người lao động “bình thường”. Còn việc đi khám sức khỏe do người lao động tự đến bệnh viện được chỉ định để khám, công ty không tham gia.
Đại diện Công ty Gia Vi cũng thừa nhận với tuổi và tình trạng sức khỏe của bà Bình, thì chắc chắn người lao động này không đủ điều kiện để đi xuất khẩu lao động.
Trao đổi với Dân Việt, anh Đinh Văn Chính – con trai bà Trần Thị Bình cho rằng Cty Gia Vi không thể vô can trong việc khám sức khỏe đối với bà Bình được. Vì đơn vị này là nơi kiểm tra, xác minh hồ sơ, giấy tờ, sức khỏe của người lao động trước khi gửi đến đối tác ở Ả rập Xê út.
“Tôi cũng cho rằng một mình mẹ tôi không thể tự làm nổi các giấy tờ mang tên người khác như vậy được. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ có đường dây làm giấy tờ giả đứng sau việc tuyển dụng đi xuất khẩu lao động hay không? Cụ thể là trường hợp của mẹ tôi, để đến bây giờ dù đã tử vong nhiều tháng nhưng vẫn chưa được đưa về nước” – anh Chính đề nghị.
Như Dân Việt đã phản ánh, bà Trần Thị Bình (SN 1963) trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP. Vinh bị viêm tắc tĩnh mạch gây lở loét 2 chân, được xác nhận dạng khuyết tật: Tâm thần nhưng vẫn được đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út.
Chưa hết, bà Bình đi xuất khẩu lao động dưới tên Vương Thị Hoài Thu (SN 1977) - một người phụ nữ trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Trong thời gian đi làm việc ở nước ngoài bà Trần Thị Bình đã bị tử vong mà gia đình chưa rõ nguyên nhân. Đã hơn 300 ngày, gia đình vẫn hàng ngày mong ngóng nhận được thi thể bà Trần Thị Bình.
Đại diện Công ty Gia Vi cho biết đang cố gắng hoàn tất thủ tục để có thể đưa thi hài bà Trần Thị Bình về trước 30 Tết nguyên đán. Công ty cũng sẽ trao đổi với gia đình về lộ trình làm việc.
Tuy nhiên, sáng 7.2 trao đổi với Dân Việt, anh Đinh Văn Chính – con trai bà Bình khẳng định chưa nhận được bất kỳ thông tin nào mới từ phía Công ty Gia Vi.
PV cũng đã liên hệ và gửi câu hỏi liên quan đến vụ việc tới Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.