Ông Hiển cho biết: Giá hàng hóa về nguyên tắc vẫn theo quy luật cung cầu nhưng đối với một số mặt hàng thiết yếu cần thiết phải quản lý. Tuy nhiên, xu thế là loại hàng hóa cần bình ổn giá sẽ phải hẹp dần lại và chỉ còn một số hàng hóa hết sức thiết yếu để theo nguyên tắc kinh tế thị trường.
Đối với mặt hàng xăng dầu thì Dự án Luật Giá sẽ quản lý theo hướng nào, thưa ông?
- Xăng dầu là một trong những mặt hàng cần có chính sách bình ổn và biện pháp là dùng quỹ bình ổn giá áp dụng.
Luật Giá được ban hành có chấm dứt được tranh cãi về vấn đề giá xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Công Thương như hiện nay không, thưa ông?
- Có chuyện tranh cãi là xuất phát từ cơ chế hiện nay. Muốn chấm dứt tình trạng này phải công khai, minh bạch, trước hết phải minh bạch từ hệ thống luật pháp từ luật đến nghị định, thông tư. Còn nếu cứ chưa rõ sẽ dẫn đến xung đột giữa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Nếu không có hài hòa ba lợi ích, bên nặng, bên nhẹ xung đột đương nhiên sẽ còn diễn ra.
Để chống độc quyền xăng dầu, dẫn đến sự thao túng về giá thì vấn đề mấu chốt vẫn là chống độc quyền trong phân phối?
- Việt Nam đã có Luật Chống độc quyền để ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, phải hiểu thêm rằng đối với các mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu thì vấn đề điều hành giá, độc quyền, vai trò của Nhà nước… là vấn đề của nhiều nước, kể cả nước kinh tế phát triển. Như Việt Nam có 3, 4 tập đoàn kinh doanh xăng dầu dẫn đến những bức xúc về độc quyền thì lâu dài sẽ phải có cơ chế để chống độc quyền để đảm bảo lợi ích ba phía Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Chi phí trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu dường như chưa được công khai đúng mức, dẫn đến quan điểm trái chiều của Bộ Tài chính và Công Thương ?
- Yêu cầu của Luật Giá là phải giải quyết được vấn đề này. Ủy ban đang yêu cầu làm rõ quy định về định giá để làm rõ khái niệm như thế nào là giá thành hợp lý. Làm rõ những chi phí, cách tính chi phí từ tiền lương, khấu hao… trong Luật.
Hồ Thường (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.