“Hạch toán trong xăng dầu phức tạp. Nếu không trong ngành thì chẳng ai hiểu được cơ cấu giá xăng, dù đã có bảng công thức. Các cơ quan quản lý rất dễ bất lực với việc thẩm định giá các ngành có kỹ thuật đặc thù”, một chuyên gia trong lĩnh vực giá nhận định sau khi giá xăng giảm nhỏ giọt 300 đồng/lít.
Hai ngày trước khi giá xăng điều chỉnh giảm 300 đồng/lít, ngày 21.8, Bộ Tài chính tổ chức tọa đàm khoa học với sự tham gia của 15 diễn giả bàn về cách quản lý giá các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp độc quyền chi phối. Dù đưa ra nhiều cách thức để quản lý giá các mặt hàng điện, xăng dầu chẳng hạn như hạn chế can thiệp các biện pháp hành chính, áp giá trần. Tuy nhiên, các ý kiến lại đều có một điểm chung- cần phải ép doanh nghiệp độc quyền, chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường minh bạch, chính xác về số liệu, cơ chế điều hành giá phải linh động chứ không thể cứng nhắc theo công thức.
Doanh nghiệp lãi lớn, nên việc giảm giá xăng dầu giảm như vừa qua là không thoả đáng.
Và câu chuyện giá xăng giảm 300 đồng/lít vừa qua đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang lãi 650 đồng/lít nếu theo giá bình quân 10 ngày thì mức giảm không thỏa đáng.
Trở lại với thời điểm ngày 14.8 vừa qua, các doanh nghiệp xăng dầu báo lãi khác nhau. Cụ thể, theo công thức tính giá cơ sở bình quân 30 ngày, ông Đặng Vinh Sang - Tổng Giám đốc Saigon Petro cho biết giá xăng dầu thế giới giảm nhưng hiện giá cơ sở cao hơn so với giá bán lẻ nên doanh nghiệp vẫn lỗ. Nhưng cũng với công thức này, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra con số đang lãi vài chục đồng với mỗi lít xăng Ron 92. Các doanh nghiệp nói rằng, do cơ cấu hàng nhập khác nhau nên mới có mức lỗ, lãi khác nhau.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, CPI tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7 không gây ngạc nhiên. Động thái giảm giá xăng vừa qua chỉ là "trấn an" xã hội khi CPI sắp được công bố tăng mạnh. Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói: Giá điện tăng không tác động lớn trực tiếp lên CPI nhưng tác động gián tiếp đẩy giá nhiều mặt hàng khác lên là có, ví dụ cước vận tải, dịch vụ hàng hóa... đều đã tăng lên trong tháng 8. Trong khi đó, giá xăng giảm lại chưa tương xứng nên không kỳ vọng tác động nhiều tới giảm CPI.
|
Có 3 cơ sở để đưa ra kết quả kinh doanh khác nhau. Theo thông lệ quốc tế, khi mua hàng thì 1 tháng sau doanh nghiệp mới thanh toán tiền, nên tỷ giá luôn luôn tác động lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai, các giao dịch và ký kết hợp đồng với nhà cung cấp xăng dầu cũng theo tập tục quốc tế, có nhiều công thức tính giá dựa trên tính giá bình quân trong nhiều ngày, có thể là trước hay sau giao hàng chứ không tính một ngày cố định nào đó sẽ có thể rơi vào rủi ro cao vì giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường. Thậm chí có câu chuyện, hàng về bán xong rồi nhưng chưa có giá thực, phải đợi mấy ngày hôm sau có giá bình quân rồi mới báo cho nhau. Do đó mới có việc khi tàu về đến Việt Nam phải làm tờ khai hải quan, có giá tạm tính mà đơn vị nào cũng phải đưa ra. Hải quan cũng tạm kê khai vấn đề phí thuế nhập khẩu bằng giá này. Bản thân giá nhập do hải quan công bố cũng không phản ánh giá thực tế.
Song, 3 cơ sở này đã bị doanh nghiệp lợi dụng. Khi có lãi, doanh nghiệp kêu than mức lãi khác nhau, không cao như tính toán của các chuyên gia và của Bộ Tài chính. Cách tính giá mê hồn trận, trong đó cơ quan quản lý lại không có công cụ kiểm soát cụ thể nên mỗi lần đưa ra phương án điều hành mức giảm luôn thấp hơn kỳ vọng của người dân, trong khi mức tăng lại cao vống!
Chuyên gia kinh tế-TS Nguyễn Thị Hiền cũng khẳng định, nếu như cơ quan quản lý giá không có công cụ giám sát riêng, mà chỉ nghe và tin các báo cáo của doanh nghiệp gửi về thì chỉ có người tiêu dùng thiệt.
CPI tháng 8 có thể tăng 0,7%
Hôm nay (24.8), Tổng cục Thống kê sẽ chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng, mức tăng CPI tháng 8 sẽ tăng cao do tác động của giá xăng dầu, tình trạng mưa bão và giá dịch vụ y tế tại Hà Nội. Việc CPI của Hà Nội tăng tới 3,1% sẽ tác động đáng kể đến CPI cả nước.
Trong khi đó, theo nhận định của các thành viên tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), CPI tháng 8 có thể sẽ tăng ở mức 0,6-0,7%. Như vậy tháng 8, CPI có thể sẽ tăng gấp đôi so với mức dự kiến...
Nguyên nhân là do, trong tháng 8, thị trường hàng hóa chịu tác động của nhiều yếu tố như thời tiết trong mùa mưa bão ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm; tỷ giá tăng, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cao hơn, chuẩn bị vào mùa khai giảng...
Đặc biệt là đợt tăng giá xăng dầu từ 420 - 470 đồng/lít ngày 17.7 đóng góp vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 7 là khoảng 0,1- 0,15%. Chỉ có một số ít mặt hàng do cung cầu trên thị trường không có nhiều đột biến nên tiếp tục trong xu hướng ổn định như lương thực, phân bón, đường... Nếu tính cả từ ngày 1.8, Hà Nội có sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, thì CPI tháng 8 cả nước có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6 - 0,7%.
Mai Hương
|
Hồ Hương - Mai hương (Hồ Hương - Mai hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.