Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường lao động: Sau 5 năm vẫn... tắc

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 29/05/2020 07:00 AM (GMT+7)
Bối cảnh kinh tế và thị trường lao động đang có những chuyển biến nhanh chóng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, lúc này cần phải có cơ sở dữ liệu kết nối để khơi thông thị trường lao động.
Bình luận 0

Thế nhưng, sau 5 năm triển khai, tới nay việc thống kê, cập nhật thông tin cung - cầu thị trường lao động (TTLĐ) vẫn tắc.

Dậm chân tại chỗ?

Năm 2015, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư 27/2015/TT-BLĐTBXH về việc thực hiện hướng dẫn ghi chép, cập nhật thông tin về thị trường lao động. Thế nhưng, sau 5 năm việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu cho lao động vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án đặt ra nhiệm vụ thu thập dữ liệu lao động, dữ liệu cầu lao động cả trong nước và cả với lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mục tiêu nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và phát triển hệ thống thông tin TTLĐ.

xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường lao động: Sau 5 năm vẫn... tắc - Ảnh 1.

xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường lao động: Sau 5 năm vẫn... tắc - Ảnh 2.

Việc thu nhập cơ sở dữ liệu cung - cầu thị trường lao động vẫn còn chậm. (Ảnh: Phiên giao dịch việc làm cho thanh niên tại Hà Nội). Ảnh: T.N

"Các dữ liệu được lưu trữ, quản lý một cách thủ công, thô sơ, gây khó khăn cho việc khai thác, tìm kiếm và sử dụng. Các phiên giao dịch việc làm dành cho lao động nông thôn ở vùng sâu, vùng xa còn ít. Hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được đồng bộ thiếu phân tích".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương -

Chuyên gia lao động

Để triển khai dự án này, Chính phủ đã quyết định dành 1.146,8 tỷ đồng (có thể điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.995 tỷ đồng) để thực hiện. Trong đó nguồn từ ngân sách Trung ương là 606,8 tỷ đồng, nguồn từ ngân sách địa phương 450 tỷ đồng, nguồn từ viện trợ nước ngoài và các nguồn huy động khác 90 tỷ đồng.

Cũng nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, tháng 6 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020. Nội dung trọng tâm của chương trình là "Phát triển TTLĐ và việc làm".

Chương trình mục tiêu có, thông tư hướng dẫn thực hiện có, nhưng qua 5 năm triển khai đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện được cơ sở dữ liệu cung - cầu thị trường lao động. Điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách nhằm duy trì, phát triển lao động nói riêng, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói chung.

Cập nhật online, tại sao không?

Được đầu tư nguồn lực khá nhiều, nhưng do cách thức triển khai chưa phù hợp nên đến nay các cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này đang gây khó khăn cho việc phát triển thị trường lao động, cũng như là thực hiện các chính sách hỗ an sinh xã hội, khiến việc thực hiện chưa trúng.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động, cho rằng, nếu có một cơ sở dữ liệu như vậy, những công việc như chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua sẽ rất thuận lợi. Bà nói: "Nghị quyết số 42 và Quyết định 15 triển khai hỗ trợ đối tượng chịu thiệt hại từ dịch Covid -19 là rất nhân văn nhưng cách làm chưa đúng, chưa trúng nên hiệu quả chưa cao. Chúng ta vẫn bỏ sót đối tượng, nhất là đối tượng hộ kinh doanh, lao động tự do. Đa phần nhóm đó là buôn thúng bán mẹt, làm di cư nội địa nhiều, vậy nhưng cách thức tiếp cận từ chính quyền, từ địa phương là không hẳn đúng".

Mặt khác bà Hương cũng nhấn mạnh, 2 năm nay mặc dù ngành lao động, đặc biệt là Cục Việc làm được giao nhiệm vụ khảo sát, ghi chép, thống kê cung - cầu lao động, cập nhật số liệu lao động nhưng chúng ta vẫn không làm được.

"Tại sao không xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến, qua đó để lao động, doanh nghiệp và các đơn vị cập nhật dữ liệu trực tuyến. Đăng ký trực tuyến cũng hạn chế việc khai gian vì có thể kiểm tra, đối chiếu, giám sát trên hệ thống được. Thậm chí, khi có cơ sở dữ liệu thì 4-5 năm sau còn có thể truy cứu, đánh giá tác động được" - bà Hương nói.

Bà Hương nhấn mạnh, việc xây dựng số liệu gốc có nhiều giá trị, chỉ cần một công mà giải quyết được mấy việc. "Không có khó khăn, vấn đề là có muốn làm hay không thôi, vì bản thân ngành y tế, người ta cũng vừa làm rất tốt thông tin khai báo y tế, lao động không có lý gì lại không làm được" - bà Hương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem