Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài không được làm nghề massage
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài không được làm nghề massage
Anh Thơ
Thứ năm, ngày 21/05/2020 16:09 PM (GMT+7)
Theo quy định tại dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không được phép làm công việc massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí hoặc công việc phải tiếp xúc với chất nổ, chất độc hại.
Theo đó, trong Phụ lục 1 của dự án luật đã quy định rõ danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm việc ở ngoài ngoài. Cụ thể như sau:
Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.
Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.
Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.
Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.
Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.
Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).
Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Về những quy định này, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu rõ, việc liệt kê một số công việc theo danh mục như dự thảo vừa thừa, vừa thiếu, ví dụ: Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí có phải là ngành nghề bị cấm không, khi trên thực tế hiện nay đây cũng không phải ngành nghề bị cấm ở Việt Nam, trừ công việc trá hình trái pháp luật thì đã bị hạn chế tại các nước.
"Do vậy, đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để quy định cho phù hợp" - bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Theo báo cáo tóm tắt về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế.
Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.
Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.