Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Thứ bảy, ngày 15/04/2023 16:15 PM (GMT+7)
Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 trong toàn thể các cấp Hội do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 13/4 tại Khánh Hòa.
Với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu, Hội nghị đã biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; nâng cao nhận thức, năng lực của các cấp Hội trong quản lý, chỉ đạo báo chí và hoạt động Hội; hướng dẫn các cấp Hội triển khai công tác hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023.
Các cấp Hội thảo luận, thống nhất, rút kinh nghiệm và đề ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư; Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Hướng dẫn 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Bộ tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo…
LÀM TỐT VAI TRÒ XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN TƯ TƯỞNG, THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, những năm qua, Báo chí cách mạng đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn; cung cấp nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, hoàn thiện lý luận, hoạch định chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đi đầu trong việc lan toả thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hoà bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thực hiện thành công đường lối, chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Qua báo cáo của Hội nhà báo, Phó Thủ tướng cho rằng, Hội nhà báo Trung ương và địa phương đã tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo. Phương thức hoạt động của hội có nhiều đổi mới, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ; đặc biệt là bám sát xu thế toàn cầu để tuyên truyền, hưởng ứng quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát triển nội dung số trong hoạt động báo chí.
Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm,… Nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các giải pháp thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Công tác truyền thông chính sách được triển khai chủ động, hiệu quả.
ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ, ĐA DẠNG HÓA THỊ TRƯỜNG, ĐA DẠNG HÓA NGUỒN THU
Biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp hội trong năm 2022, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của cả nước, Phó Thủ tướng cũng nêu những khó khăn, tồn tại, hạn chế hiện nay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Các cấp hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, báo chí cần thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí, đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.
Đối với Hội Nhà báo Việt Nam phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Nhắc lại lợi căn dặn của Bác Hồ với các nhà báo: “Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lời dạy của Người càng đúng trong xã hội có sự phân hóa cảm thụ, tiếp nhận thông tin, nhất là giới trẻ.
Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương tiện truyền thông. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi.
“Có như vậy báo chí chính thống mới huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ. Từ đó đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu nâng cao mức sống cho người làm báo”, Phó Thủ tướng nói.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về chiến lược chuyển đổi số báo chí để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Cùng với đó đã ban hành Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam với nhiều điểm mới để tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, chuyển đổi số, đảm bảo đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị, trước đó, ngày 12/4 đã diễn ra Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI. Hội nghị bầu bổ sung 5 nhân sự vào Ban Chấp hành Hội khoá XI gồm ông Trần Thanh Lâm- Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung Ương; ông Nguyễn Thanh Lâm- Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông; Bà Đỗ Thị Thu Hằng- Trưởng ban Nghiệp vụ Hội; bà Vũ Thu Hà- Trưởng ban Công tác Hội; ông Lê Trần Nguyên Huy- Phó Tổng biên tập phụ trách báo Nhà báo và Công luận.
Hội nghị cũng bầu ông Trần Thanh Lâm, ông Nguyễn Thanh Lâm và bà Đỗ Thị Thu Hằng vào Ban Thường vụ Hội khoá XI.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.