Theo ông Nguyễn Đức Cường, điểm được trước nhất sau 3 năm xây dựng NTM là hệ thống chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM được ban hành khá đồng bộ và kịp thời. Ban chỉ đạo (BCĐ), bộ máy giúp việc BCĐ các cấp, ban quản lý NTM cấp xã tiếp tục được kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực thi Chương trình.
Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa chương trình xây dựng NTM trở thành một cuộc vận động quy mô lớn, huy động cả hệ thống chính trị các cấp tham gia. Nhờ đẩy mạnh chương trình NTM, diện mạo văn hoá - xã hội Quảng Trị có sự chuyển biến tích cực, môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn cơ bản được giữ vững.
Ông có thể cho biết cách làm cụ thể, cũng như kinh nghiệm hay trong huy động nhân dân thực hiện xây dựng NTM ở Quảng Trị?
- Trước hết, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình, về vai trò chủ thể, quyền và trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM. Xác định mục đích cuối cùng của công cuộc xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Chúng tôi cho rằng việc huy động nguồn lực của nhân dân trong xây dựng NTM là cần thiết nhưng chỉ huy động phù hợp với khả năng đóng góp và tinh thần tự nguyện của dân, không huy động quá sức, quá khả năng đóng góp của người dân. Đồng thời, chúng tôi có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với các địa phương, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo và đóng góp thiết thực.
Nhờ vậy, trong 3 năm xây dựng NTM, nhân dân đã rất đồng tình và hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động xây dựng NTM, đặc biệt là việc hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn và hiến kế thực hiện các nội dung xây dựng NTM. Trong 3 năm đóng góp của nhân dân Quảng Trị trong xây dựng NTM quy ra tiền hơn 395 tỷ đồng.
Sau 3 năm triển khai chương trình, Quảng Trị nhận thấy có những bất cập lớn nào về chính sách vĩ mô cần được sửa đổi?
Chính phủ đã có Quyết định 342/QĐ-TTg về việc sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, có 5 tiêu chí đã được sửa đổi là thu nhập, chợ, cơ cấu lao động, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiêu chí chưa phù hợp với từng vùng, miền trong cả nước trong đó có Quảng Trị như giao thông, nhà ở, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện. Về các tiêu chí này, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đề xuất Trung ương xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Ngoài ra, công tác huy động nguồn lực cho xây dựng NTM còn nhiều khó khăn. Hiện nay các địa phương đang rất lúng túng trong việc lồng ghép các nguồn vốn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương.
Bên cạnh đó, Quyết định 800/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc BCĐ các cấp. Hiện tại, mỗi địa phương có một cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc khác nhau, thiếu các văn bản hướng dẫn về biên chế, chế độ, chính sách đãi ngộ do đó rất khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí biên chế cũng như ổn định cơ cấu tổ chức.
Với những bất cập như vậy, quan điểm của chúng tôi là vừa làm vừa điều chỉnh, không chờ đợi phải hoàn chỉnh, thông suốt rồi mới làm. Nhờ vậy, Quảng Trị đạt được nhiều kết quả khả quan. Số xã đạt từ 15-17 tiêu chí có 6 xã (chiếm 5,1%); đạt từ 13-14 tiêu chí có 7 xã (chiếm 5,98%); đạt từ 10-12 tiêu chí có 36 xã (chiếm 30,7%)… Hy vọng năm 2014, Quảng Trị sẽ có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó, xã Vĩnh Thạch là xã được Chủ tịch nước hỗ trợ xây dựng NTM) và không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.
Xin cảm ơn ông!
Ngoài nguồn đầu tư trực tiếp của Trung ương, từ năm 2015 trở đi, mỗi năm ngân sách tỉnh Quảng Trị dành 20 tỷ đồng đầu tư cho NTM. Nguồn vốn này sẽ được ưu tiên tập trung cho các xã đăng ký và phấn đấu về đích giai đoạn 2015-2020, trong đó 3,7 tỷ đồng sẽ tập trung hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh và 16,3 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.