Xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu cuối năm 2020, cả nước có 60% tổng số xã đạt chuẩn
Xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu cuối năm 2020, cả nước có 60% tổng số xã đạt chuẩn
Trang Thảo
Thứ bảy, ngày 30/05/2020 17:22 PM (GMT+7)
Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam tại Hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2020, vừa diễn ra ngày 29/5 tại TP. Đông Hà, Quảng Trị.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, đến nay tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình NTM trong 5 năm (2016-2020) dự kiến khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Vốn này bao gồm ngân sách Trung ương, vốn ngân sách đối ứng của địa phương, vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và các nguồn vốn khác
Giai đoạn 2016-2020 chương trình đã hoàn thành sớm các mục tiêu. Trong đó, có 08/19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới hoàn thành; 37 tỉnh/63 tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng ngày càng được phát triển, nhân rộng. Điều này đã đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó bộ mặt nông thôn đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả những tỉnh vùng còn khó khăn, với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành xây dựng NTM, như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La,….
Đến hết tháng 5/2020, cả nước có 5.177 xã đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; Có 126/664 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, 09 tỉnh thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2018) song đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn cũng đã được nâng cao.
Đến nay, cả nước có 61/63 UBND tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/ Kế hoạch Chương trình OCOP; có 32 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và đã có 1.711 sản phẩm OCOP được công nhận, 986 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.
Cần đẩy mạnh chương trình OCOP để xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Chương trình xây dựng NTM vẫn còn hạn chế. Xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Cả nước vẫn còn 45 huyện thuộc 22 tỉnh thành phố vẫn còn “trắng” xã NTM; 09 tỉnh có số xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 30%.
Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn một số địa phương còn hạn chế; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thấp. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn của một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp.
Nhất là chương trình OCOP khi triển khai trên diện rộng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, có biểu hiện chạy theo phong trào, chưa khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn – ông Tiến cho biết.
Vì vậy, để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu và có tính bền vững trong giai đoạn tới, việc nâng cao thu nhập cho người dân và rà soát lại chỉ tiêu trong xây dựng NTM của các tỉnh là rất cần thiết.
Phát biểu kết luận tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đã đề nghị các tỉnh cần rà soát lại 45 huyện còn trắng xã nông thôn mới xem còn những bất cập gì để tập trung hỗ trợ làm sao hoàn thành chỉ tiêu không còn xã trắng xây dựng NTM ở các huyện.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đặc biệt lưu ý các tỉnh thành không chạy theo số lượng mà phải thực chất. Nếu khả năng đạt được thì mới lập hồ sơ trình thẩm định, còn nếu thấy chưa đạt thì tiếp tục phấn đấu.
Và điều quan trọng nhất của chương trình đó là nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy cần phải chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh chương trình OCOP và chuyển đổi cơ cấu lao động, đòi hỏi ở mỗi địa phương cần có định hướng sản xuất trong thời gian tới. Phấn đấu đến cuối năm 2020, cả nước có 60% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng gần 2% so với hiện nay)- Thứ trưởng Nam nhấn mạnh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.