Xây dựng thành phố không phụ thuộc vào phương tiện cá nhân
Xây dựng thành phố không phụ thuộc vào phương tiện cá nhân
Vũ Khoa
Thứ tư, ngày 17/01/2024 11:29 AM (GMT+7)
Từ ngày 17/1 đến ngày 19/1, các cuộc hội thảo khoa học về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là 2 đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông,...
Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.
Mô hình phát triển đô thị theo định hướng TOD muốn thành công đòi hỏi cần có nghiên cứu bài bản và có một sự chuẩn bị cẩn thận, bao gồm các vấn đề quy hoạch, nền tảng pháp lý và sự hợp tác giữa các sở, ban, ngành để có thể nhanh chóng đổi mới hệ thống pháp luật tương ứng, đầy đủ, hữu hiệu.
Bắt buộc giảm thiểu phụ thuộc vào phương tiện cá nhân
Bên cạnh các tham luận về các vấn đề trong thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia tham dự hội thảo sẽ chia sẻ về mô hình TOD trong phát triển đường sắt đô thị ở góc độ toàn cầu, góc độ các quốc gia, thành phố đã áp dụng rất thành công như: Paris - Pháp; Nhật Bản, Hồng Kông, Quảng Châu, Thâm Quyến - Trung Quốc, Singapore,...
Như tại tham luận của PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, GĐ Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, ĐH Việt Đức trình bày về kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho TP.HCM.
Tham luận đưa ra lộ trình phát triển đô thị, thách thức và sự thay đổi. Trong đó chiến lược thành phố là ưu tiên đầu tư phát triển giao thông công cộng (GTCC), thành phố được thiết kế xung quanh việc sử dụng GTCC.
Thách thức hiện nay của các đô thị là phụ thuộc vào phương tiện xe ôtô, xe máy, vì vậy tiếp cận bền vững là chìa khóa để phát triển bển vững, cần đổi mới tư duy thay đổi ưu tiên cho đi bộ, xe đạp và GTCC.
Ở khía cạnh khác, ông Shin Kimura, Giám đốc Kinh doanh quốc tế, Cơ quan phục hưng đô thị Nhật Bản (UR), nêu lên những đặc trưng của TOD tại Nhật Bản, bao gồm TOD Khu vực Tư nhân, TOD Khu vực Chính phủ, Phát triển quanh Ga, Phát triển quảng trường ga.
Trong đó mục đích xây dựng một thành phố nhỏ gọn, dễ sử dụng phương tiện GTCC và không phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện cá nhân.
Thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn đúc kết trong suốt lịch sử hình thành và phát triển TOD tại những quốc gia, thành phố trên thế giới, các tham luận tại hội thảo đã chỉ ra được chìa khóa thành công trong phát triển theo mô hình TOD. Đồng thời phân tích hiện trạng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra phương hướng, chiến lược để xây dựng, phát triển TOD phù hợp và hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.