Xe đạp công cộng TP.HCM bị "ngó lơ", chủ đầu tư than khó
Xe đạp công cộng TP.HCM bị "ngó lơ", chủ đầu tư than khó
Diệu Bình
Thứ năm, ngày 07/11/2024 12:03 PM (GMT+7)
Sau gần 3 năm triển khai, xe đạp công cộng tại TP.HCM nằm "phơi nắng, dầm mưa" chờ khách thuê. Chủ đầu tư cho rằng, thành phố cần có chính sách ưu đãi để mô hình này đi vào thực tế hơn.
Ghi nhận của PV Dân Việt, sau gần 3 năm triển khai, xe đạp công cộng ở TP.HCM không còn được người dân và du khách ưa chuộng. Tại đa số các trạm xe công cộng trên địa bàn quận 1, TP.HCM thưa vắng người sử dụng, xe để ngoài không có khu vực che chắn, dễ hư hỏng.
Theo quan sát, mỗi trạm được bố trí từ 10-12 chiếc xe có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 3G, 4G hoặc bluetooth trên điện thoại di động.
Để sử dụng dịch vụ này, người dân bắt buộc phải tải miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó, họ dùng chính ứng dụng này để quét mã code mở khóa xe sử dụng.
Chị Nguyễn Quỳnh (trú quận 1) cho hay, thời gian đầu, chị thường sử dung xe đạp công cộng để di chuyển nhưng gần đây chị đã không còn sử dụng phương tiện này vì còn nhiều bất cập.
"Thời gian đầu người dân và du khách cũng rất thích thú mô hình xe đạp công cộng này nhưng đến nay còn rất ít người sử dụng vì không phù hợp. Chi phí thuê xe đạp là 10.000 đồng cho 1 giờ, sau đó cứ 15 phút là trả thêm 3.000 đồng. Điều đáng nói là quá trình mở ứng dụng lấy xe và trả xe tốn khá nhiều thời gian", chị Quỳnh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, so với xe buýt và tàu điện, xe đạp công cộng còn nhiều điểm thiếu hấp dẫn về giá vé, cách sử dụng còn hạn chế. Hiện tại, xe đạp công cộng sẽ chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng và hợp đi chơi, trải nghiệm chứ khó để trở thành phương tiện đi lại chính để đi học, đi làm.
"Đi làm bằng xe đạp công cộng rất bất tiện vì trạm xe đạp xa nơi làm việc. Chỉ thích hợp để du khách đi tham quan, ngắm cảnh", anh Đình Ý (trú quận Tân Bình) ý kiến.
Chủ đầu tư kêu khó
Cuối năm 2021, 43 trạm với 388 xe đạp công cộng được TP.HCM đưa vào hoạt động thu hút nhiều người đến trải nghiệm, mang đến hình ảnh mới cho giao thông thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dịch vụ này đang "ế" vì còn nhiều bất cập, hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam (chủ đầu tư) cho hay, mảng dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM có tiềm năng rất lớn. Sau gần 3 năm hoạt động dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM có khoảng 250 nghìn tài khoản đăng ký.
"Thống kê cho thấy so với năm đầu tiên thì thời điểm này số người đăng ký sử dụng xe đạp công cộng giảm khoảng 70 - 80%. Nguyên nhân có thể do giai đoạn đầu người dân còn hào hứng muốn trải nghiệm dịch vụ, còn bây giờ nhu cầu thực tế người dân nếu cần thì mới sử dụng. Hơn nữa phương tiện công cộng này đang hoạt động trong phạm vi rất nhỏ nên số lượng người sử dụng chưa được nhiều, cần phải mở rộng ra nhiều quận", đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam nói.
Cũng theo vị đại diện này, cần phải có chính sách ưu đãi dành cho xe đạp công cộng.
"Hiện tại, dịch vụ xe đạp công cộng đang trong giai đoạn thí điểm và được TP.HCM hỗ trợ không thu phí vỉa hè ở các trạm xe. Trong thời gian tới TP đang có chủ trương thu phí vỉa hè của các trạm xe thì đây sẽ là vật cản cực lớn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, giá của phương tiện này không thể như những xe dịch vụ công cộng đơn thuần, mà cần phải đảm bảo giá rẻ như chúng tôi đã đặt ra. Đặc biệt, quy mô dịch vụ này cần được mở rộng ra các quận lân cận", đại diện Công ty cổ phần dịch vụ Vận tải số Trí Nam kiến nghị thêm.
Trước đó, tại Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam cũng đã thí điểm hơn 700 xe đạp (88 trạm ở 6 quận) với hơn 208 nghìn lượt khách đăng ký. Đáng nói, dù xe đạp công cộng cũng được miễn phí sử dụng vỉa hè, nhưng dịch vụ xe này vẫn chưa thể có lãi, chi phí để đầu tư cho việc thí điểm là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu đến nay chỉ đạt 3,7 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.