Xé đề cương Sử trắng sân trường, học sinh nói gì?

Thứ ba, ngày 09/04/2013 11:03 AM (GMT+7)
"Không có chuyện chúng em rủ nhau cùng xé đề cương môn Sử để đưa lên Facebook. Nói chuyện với thầy cô xong, tụi em nhận ra việc đùa nghịch không hay này nên đã xuống sân trường quét dọn", một học trò cho hay.
Bình luận 0
img
Cơn mưa giấy vụn tại trường THPT Nguyễn Hiền. Ảnh chụp màn hình.

Một nữ sinh lớp 12A5 THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) khẳng định, không phải tất cả học sinh đều xé, ném tài liệu môn Sử mà phần nhiều trong số đó là giấy nháp và các tờ rơi luyện thi đại học.

Theo nữ sinh này, hôm đó sau khi thi xong môn Sử và lại biết năm nay không thi tốt nghiệp môn này nên mọi người rất vui. "Một vài bạn bắt đầu lấy giấy nháp và các tờ rơi xé vụn rồi ném xuống sân trường để ăn mừng. Thấy ai cũng la hét cười đùa nên nhiều bạn khác tham gia", cô chia sẻ.

Nữ sinh cuối cấp cho biết, không phải mọi người chán hay ghét học môn Sử bởi trường Nguyễn Hiền đã có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và Olympic môn học này. "Tuy nhiên, khi biết năm nay không thi tốt nghiệp môn Sử, sẽ không phải học bài nhiều, bạn nào cũng vui nên mới có hành động như vậy. Sau khi được thầy hiệu trưởng phân tích, tụi em cũng nhận ra trò nghịch của mình không đúng", cô nói.

Tương tự, một nam sinh lớp 12A10 tham gia ném giấy xuống sân trường cũng cho rằng "không có ý coi thường môn Sử hay thầy cô dạy Sử". "Không có chuyện chúng em rủ nhau cùng xé đề cương môn Sử để đưa lên Facebook. Nói chuyện với thầy cô xong, tụi em nhận ra việc đùa nghịch không hay này nên đã xuống sân trường quét dọn", cậu học trò cho hay.

img
Dãy lớp học A trường THPT Nguyễn Hiền nơi các học sinh khối 12 ném giấy xuống sân trường.

Ngày 8.4, trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Tân, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hiền cho biết, đây chỉ là trò nghịch ngợm của các học sinh. Mỗi khi Bộ Giáo dục công bố môn thi tốt nghiệp, các em lớp 12 đều reo hò, không cần biết đấy là những môn gì.

Ông Tân cũng nhìn nhận, trường đã không lường trước việc các học sinh nghịch ngợm quá khích đến vậy. "Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm khi lâu nay không giáo dục kỹ năng ứng xử cho các em về các trò đùa nghịch", thầy hiệu trưởng nói và khẳng định, không có học sinh nào bị kỷ luật sau sự việc.

Nói về môn Sử hiện nay, vị hiệu trưởng cho rằng việc học môn này hiện còn khá nặng nề. Trong 2 môn thi xã hội thì môn Địa mang tính tư duy logic, còn môn Sử phải tư duy theo kiểu ghi nhớ nên học sinh phải học khổ hơn.

"Tất nhiên đi học thì phải chịu vất vả chứ không thể chỉ muốn sướng thôi được. Nhưng khi biết được không phải thi Lịch sử, học sinh nào cũng mừng. Người lớn cần phải hiểu và không nên nhìn trò nghịch trẻ con đó của học sinh là một vấn đề lớn", ông Tân nói.

PGS Vũ Duy Mền, Viện Sử học Việt Nam cho rằng, năm nay việc Bộ GD&ĐT bỏ thi tốt nghiệp môn Sử là không nên bởi Lịch sử giáo dục ý thức công dân, là người Việt Nam thì phải biết sử Việt Nam. Còn học sinh xé đề cương ôn tập ném xuống sân trường có thể là hành động bột phát, giải tỏa stress.

"Tôi nghĩ tâm lý học sinh là bỏ môn nào hay môn đấy, và nếu không phải là môn Sử mà là môn khác thì có thể các em cũng làm thế", PGS Mền nói.

Tuy nhiên, nhà sử học này cũng trăn trở, những năm gần đây có rất nhiều điểm 0 môn Sử trong các kỳ thi. Điều đó chứng tỏ một bộ phận giới trẻ đang quay lưng lại với lịch sử, mà lịch sử lại là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Vậy nên, cần phải xem lại từ việc biên soạn sách giáo khoa, chính các nhà trường, đến việc giảng dạy.

"Việc học sinh xé đề cương có thể thông cảm nhưng đó không đơn thuần là trò chơi mà phản ánh thực tế việc dạy và học. Không nên tra tấn học sinh và giáo viên khi 45 phút phải học toàn bộ bối cảnh lịch sử Đông Nam Á. Cần phải chọn lọc nội dung giảng dạy", PGS Mền khẳng định.

Theo Vnexpress
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem