Xế hộp tịch thu phải được đấu giá, sung công quỹ

Vinh Hải Thứ tư, ngày 09/11/2016 12:45 PM (GMT+7)
Một vị nguyên cán bộ CSGT cho rằng nếu cơ quan Nhà nước có “mượn xe” thì cũng chỉ sử dụng thực thi công vụ đột xuất, khẩn cấp chứ không ai mượn đi cả năm cả.
Bình luận 0

Câu chuyện UBND một số tỉnh mượn xế hộp của cơ quan Công an, xe của doanh nghiệp rồi gắn biển xanh sử dụng đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.

Như UBND tỉnh Kiên Giang “mượn” xe Range Rover tiền tỷ của Công an tỉnh Kiên Giang hay UBND tỉnh Thanh Hóa mượn xe của doanh nghiệp sử dụng... Những chiếc xe này sau đó được gắn biển xanh để lưu thông trên đường.

img

Chiếc xế hộp biển xanh tiền tỷ được UBND tỉnh Kiên Giang "mượn" của Công an tỉnh.

Trao đổi với Dân Việt, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng: “Nếu cơ quan Nhà nước lợi dụng việc mượn xe để sử dụng cho mục đích cá nhân thì chắc chắn không được phép. Nhưng có thể sử dụng vào thực thi công vụ, việc cấp thiết như phòng chống lụt bão, thiên tai. Đó là những việc cụ thể, kịp thời mang lại lợi ích cho người dân chứ không có nghĩa là đi mượn cả tháng, cả quý, cả năm”.

Bởi theo ông Quỹ, ví dụ như doanh nghiệp mua để phục vụ nhu cầu sử dụng của họ, chứ không phải họ đầu tư rồi để cho cơ quan Nhà nước mượn.

Đối với việc cấp biển số xanh cho các xe được cơ quan Nhà nước đi “mượn”, ông Nguyễn Văn Quỹ cho rằng cần đối chiếu với Thông tư 15 của Bộ Công an về quy định cấp biển số xe.

Ông Quỹ cho hay: “Trước hết, những xe được cấp biển số phải là xe hợp pháp. Trên cơ sở đó để đăng ký, chứ không có nghĩa rằng, mang phương tiện đó đến là cơ quan công an có thể ký duyệt bất cứ một xe nào được. Trừ những trường hợp đặc biệt, để phục vụ cho công tác điều tra phá án. Còn xe sử dụng thường xuyên được cơ quan công an cấp biển xanh như ở Kiên Giang, tôi thấy rằng cần xem xét lại”.

Cụ thể, theo ông Quỹ, trước hết là nguồn gốc xe. Nếu là tang vật vụ án hoặc liên quan đến vụ việc đang được làm thủ tục tịch thu, xung công quỹ thì không thể đem ra sử dụng được, xe phải được làm thủ tục xong.

Còn trong trường hợp xe đã được hoàn thành thủ tục tịch thu, ông Quỹ cũng cho biết: “Nếu đã quyết định tịch thu thì phải bán đấu giá. Bán đấu giá xong xem ai mua cái đấy, ai trúng thầu cái xe đấy.Trên cơ sở đó, mang đến lập hồ sơ đăng ký biển kiểm soát theo đúng Thông tư 15 của Bộ Công an, chứ không thể gắn biển xanh và sử dụng thường xuyên”.

Ông Nguyễn Văn Quỹ cũng giải thích thêm trường hợp cơ quan Nhà nước “mượn” xe biển trắng của doanh nghiệp rồi lắp biển xanh là không được phép.

“Theo thông tư 15 thì một phương tiện không được lắp hai biển số. Muốn thay đổi biển kiểm soát phải có quyết định bán hoặc hợp đồng mua bán đối với xe Nhà nước hoặc cơ quan. Còn xe đăng ký biển trắng, sau đó lại lắp biển xanh là trái với quy định, trái với thông tư 15 của Bộ Công an” – ông Quỹ cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem