Xe khách trá hình đã qua mặt cơ quan chức năng thế nào?

Nhóm PVĐT Thứ tư, ngày 26/04/2017 16:09 PM (GMT+7)
Một số nhà xe đã sử dụng nhiều chiêu trò vận chuyển khách từ Hà Nội - Thanh Hóa và ngược lại dưới hình thức xe hợp đồng để qua mặt cơ quan chức năng. Qua điều tra của PV Dân Việt từ các chuyến xe trá hình, những chiêu trò tinh vi của loại hình vận tải này dần phát lộ.
Bình luận 0

Kỳ 1: Loạn bến “cóc” giữa Thủ đô

Công nhiên lập bến “cóc” tại văn phòng đại diện; công khai bán vé và xác nhận đặt chỗ qua điện thoại cho khách lẻ là một trong những chiêu trò để các doanh nghiệp vận tải lách luật, trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ngang nhiên lập “bến cóc”

img

Những chiếc xe hợp đồng của Công ty Vĩnh Quang để ngay trước cửa văn phòng trên đoạn đường nhỏ hẹp (Ảnh cắt từ clip).

Không khó để có thể tìm một địa chỉ doanh nghiệp vận tải chuyên chạy theo hình thức xe hợp đồng trên mạng. Chỉ với từ khóa “xe hợp đồng Hà Nội – Thanh Hóa” tìm trên công cụ google, sau khoảng 0,53 giây đã có hơn 1 triệu kết quả trả về.

Các nhà xe như Hoa Dũng, nhà xe Vĩnh Quang, Đại Thắng… là những cái tên được xuất hiện với tần suất dày đặc.

Theo tìm hiểu, tại Hà Nội, tình trạng nhà xe ngang nhiên lập bến “cóc” không đúng quy định không phải hiếm. Việc này khiến tình trạng vận tải hành khách và giao thông tại Hà Nội trở nên phức tạp.

Điểm đến đầu tiên của PV là văn phòng đại diện của nhà xe Đại Thắng tại số 243 Giải Phóng (Hà Nội). Theo thông tin được nhà xe công bố, nhà xe này chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa và ngược lại.

Trước cửa văn phòng, chiếc ôtô loại 16 chỗ BKS 36B 013xx đỗ sẵn từ trước, trên xe có khoảng 5 khách đang đợi để xuất hành. Chiếc xe trông hết sức bình thường, không có bất cứ dấu hiệu nào để nhận biết đây là một chiếc xe chở khách của nhà xe Đại Thắng.

Theo ghi nhận, khách đến mua vé, gửi hàng tại đây diễn ra khá nhộn nhịp. Nữ nhân viên trực cho biết, dù chỉ một người trên xe thì đến giờ xuất hành xe vẫn lăn bánh bình thường, không có chuyện bán khách như các nhà xe khác.

img

Những chiếc xe Sedona 7 chỗ mà Công ty Vĩnh Quang dùng để chở khách từ Hà Nội vào Thanh Hóa dưới mác xe hợp đồng mặc dù xe không có dán phù hiệu xe hợp đồng đón khách tại dọc đường di chuyển. Ảnh: HN

Quá trình tìm hiểu, nữ nhân viên này cho biết, nhà xe Đại Thắng bắt đầu hoạt động từ 6h sáng, mỗi chuyến cách nhau 2 giờ, buổi chiều tần xuất chạy xe sẽ cao hơn và đặc biệt, nhà xe chỉ trả khách ở TP.Thanh Hóa chứ không trả khách ở huyện.

Cũng trên đường Giải Phóng, địa chỉ số 34, ngõ 553 là một văn phòng đại diện của Công ty TNHH Vĩnh Quang (nhà xe Vĩnh Quang), một đơn vị chạy xe hợp đồng khá lâu.

Theo tìm hiểu của PV, nhà xe Vĩnh Quang tại Hà Nội đang có 2 văn phòng đại diện tại địa chỉ số 10 Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy) và địa chỉ tại ngõ 553 Giải Phóng trên. Tuy nhiên, thông tin này lại hoàn toàn khác so với thông tin ghi trên một tờ giấy giống vé được ghi là “Hợp đồng vận chuyển hành khách”.

Thông tin trên tờ giấy này ghi rõ, Công ty Vĩnh Quang có các địa chỉ văn phòng là: Hà Nội (571 Giải Phóng); Thanh Hóa (188 Nguyễn Trãi, TP.Thanh Hóa và 67 Lê Lợi, thị xã Sầm Sơn).

Đáng chú ý, văn phòng tại địa chỉ số 34 của Công ty Vĩnh Quang nằm trên một con đường nhỏ, đối diện với sông Sét. Khu vực này luôn được các lái xe hợp đồng tận dụng từng mét vỉa hè, lề đường làm nơi dừng, đỗ, đón, trả khách, mặc dù phương tiện tham gia giao thông tại đây rất đông.

Nhà xe Hoa Dũng cũng là một điển hình về việc lập “bến cóc” ngay tại văn phòng. Ngày trước cửa văn phòng của nhà xe này có biển hiệu ghi “xe hợp đồng khách thăm quan du lịch”.

Tuy nhiên, khi PV vào mua vé thì nhân viên ở đây vẫn công khai bán. Ngoài ra, khi được yêu cầu địa điểm đón thì nhân viên này cho hay, nhà xe không đón khách dọc đường, khách vui lòng đến ba điểm ở Hà Nội như: Văn phòng bến xe Nước Ngầm; Văn phòng 354 Lê Duẩn và Văn phòng ngõ 285 Khuất Duy Tiến.

Bên cạnh đó, nhà xe này còn tinh vi hơn khi sử dụng xe ôtô nhỏ loại từ 5 - 7 chỗ để đưa khách về điểm ở bến xe Nước Ngầm.

Mặc dù những chiếc xe hợp đồng đang được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên, việc vi phạm nhiều quy định vận tải của xe hợp đồng đã gây ra bức xúc trong dư luận, gây ra khó khăn điều hành vận tải, gây ra mất trật tự.

Trao đổi với PV, anh T.T.H, một khách từng đi xe khách trá hình kể lại: Tôi từng đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa trên một chuyến xe hợp đồng của nhà xe HL. Khi tôi vừa lên xe thì đã thấy tên mình tự động được ghi trong danh sách khách hợp đồng. Điều đáng nói, cả đoàn tôi không quen ai cả.

“Đến điểm cuối, tôi yêu cầu lấy vé thì họ lại đưa cho tôi một tờ giấy giống như kiểu phiếu thu. Điều này khiến tôi rất lo lắng cho sự an toàn của bản thân và đã không đi loại xe này nữa” – anh T.T.H chia sẻ.

Xác nhận chỗ qua điện thoại

Trong vai một người khách đang có nhu cầu đi từ Hà Nội tới Thanh Hóa, PV đã liên lạc bằng điện thoại đến số máy bàn của văn phòng Công ty Vĩnh Quang tại địa chỉ số 10 Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).

img

Văn phòng Công ty Vĩnh Quang được mở cạnh Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy (Hà Nội) với diện tích khá khiêm tốn. Ảnh: HN

Sau khi được PV cung cấp những thông tin đầy đủ, người đàn ông trực điện thoại liền xác nhận chuyến đi với PV mà không cần phải đến văn phòng công ty và cũng không thu tiền cước chuyến đi.

Tiếp tục tìm hiểu sự việc, PV đã trực tiếp đến văn phòng  này để mua vé xe di chuyển từ Hà Nội vào Thanh Hóa.

Qua quan sát, văn phòng khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông nằm gần trục đường vành đai 3, sát bên phải Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy. Phía trên biển có ghi tên công ty và dòng chữ “Hợp đồng vận chuyển khách”. PV không nhận thấy một chiếc ô tô nào của doanh nghiệp này đỗ gần đó.

Tại văn phòng lúc này chỉ có 2 người đàn ông đứng tuổi. Khi PV đề cập vấn đề mua vé xe để đi về Thanh Hóa, người đàn ông ngồi gần máy tính liền kiểm tra và báo lịch trình, giờ xuất phát.

img

Khi khách đề nghị lấy vé sau khi thu tiền đặt chỗ của khách, nam nhân viên của Công ty Vĩnh Quang trấn an khách hàng bằng cách chỉ vào màn hình máy tính khẳng định đã đánh dấu thanh toán cho khách. Ảnh: HN

“15h chiều mới có chuyến, hôm nay ngày lễ nên hết xe. Chiều đi xe Sedona (xe ô tô hãng Kia) 7 chỗ” – nhân viên này nói.

Theo lời nhân viên này, giá vé cho 1 người là 200.000 đồng. Khi PV thanh toán và đề nghị có vé xe, nhân viên này nói cứ yên tâm và cho PV xem màn hình máy tính để chứng minh anh này đã đánh dấu thanh toán tiền trên hệ thống, tuy nhiên vẫn không đưa vé cho PV.

Để tận mắt chứng kiến những chiêu trò của nhà xe này, PV đã tiến hành ghi nhận trên nhiều chuyến xe từ Hà Nội vào Thanh Hóa và ngược lại.

(Còn nữa… )

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem