Xem người H’Mông dựng cây nêu cầu phúc giữa Thủ đô

Dương Tùng – Tất Định Thứ bảy, ngày 07/02/2015 18:00 PM (GMT+7)
Cây nêu thẳng tắp, hướng về phía mặt trời, mang ước nguyện của người H’Mông về một năm mới hạnh phúc, bình an.
Bình luận 0

Sáng 7.2, những người H'Mông (Si Ma Cai, Lào Cai) đã tái hiện nghi lễ dựng cây nêu độc đáo trong lễ hội Gầu Tào của dân tộc mình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội).

img

Cây nêu được chọn từ cây tre, gọi theo tiếng Mông là “Sung lùng trử”, vốn là từ gốc Hán, có nghĩa là cây Long Thượng

Anh Giàng A Hải, người dân tộc Mông ở Si Ma Cai, Lào Cai – người dựng cây nêu ở Bảo tàng Dân tộc học ngày 19 tháng Chạp (7.2.2015) cho biết, lễ dựng cây nêu của người Mông có ý nghĩa cầu phúc, cầu mệnh.

Lễ dựng cây nêu không diễn ra thường xuyên, mà chỉ khi có gia đình nào không có con, ít con hoặc sinh con một bề sẽ lên đồi cầu khấn, xin thần linh ban cho con cái theo ước nguyện. Sau khi đứa trẻ được sinh ra, gia đình đó sẽ dựng cây nêu vào dịp tết tại chính quả đồi đó để tạ ơn.

Trường hợp thứ hai, gia đình có người ốm đau, cũng sẽ lên đồi quỳ khấn, xin thần linh cho gia đình mạnh khỏe. Khi mọi tai ương đã hết, người ta sẽ lên quả đồi đó vào ngày đẹp, giáp tết, dựng cây nêu để tạ ơn.

Lễ dựng cây nêu để tạ ơn và cũng là để cầu phúc, cầu mệnh. Theo truyền thuyết, nếu gia đình nào đạt ước nguyện mà không dựng cây nêu sẽ gặp xui xẻo. Nếu dựng cây nêu, càng gặp nhiều may mắn, sức khỏe...

Lễ hội được tổ chức ở quy mô gia đình, mang tính chất là lễ tạ ơn thần linh và được cộng đồng hưởng ứng, đến góp vui. Thông thường, mỗi vùng chỉ có một đến 2 hoặc 3 gia đình dựng cây nêu, và cả vùng sẽ đến đó tham dự.

Những người đến tham dự sẽ trổ tài múa, hát, bắn cung, cưỡi ngựa... góp vui. Theo truyền thống trước đây, ai nổi bật nhất trong lễ hội sẽ được “chủ lễ” tặng chiếc khèn đẹp.

Theo anh Giàng A Hải, nếu trên quả đồi đó dựng 3 cây nêu, lễ hội sẽ diễn ra trong 9 ngày; nếu dựng 2 cây nêu thì lễ hội diễn ra trong 5 ngày; nếu dựng 1 cây thì lễ hội diễn ra trong 3 ngày.

Tiêu chuẩn cây nêu là cây tre (mai, vầu) bánh tẻ, cao thẳng hơn 10 mét, ngọn xum xuê, gốc-thân-ngọn phải cân đối (thể hiện hình tượng quá khứ-hiện tại-tương lai). Cây khi chặt phải đổ theo hướng mặt trời lặn.Khi mang cây nêu đến nơi dựng thì không được ai bước qua hoặc luồn dưới thân cây.

Lễ hội dựng cây nêu gắn liền với niềm tin của người Mông về cầu phúc, cầu mệnh. Đây cũng là môi trường nuôi dưỡng văn hóa, văn nghệ dân gian Mông, gắn kết khối đoàn kết cộng đồng...

Một số hình ảnh trong lễ dựng cây nêu của người H’Mông tại Hà Nội:

img

Cành tre được tỉa hết cành lá, chỉ còn lại thân tre nhẵn nhụi. Trên ngọn tre, để nguyên cành lá, không tỉa

img

Người để cho cây tre đổ hẳn xuống đất, vì vậy, sẽ phải có vài thanh niên đỡ cây tre lên vai. Cây tre được vác từ nơi chặt ra thẳng bãi hội. Khi vác tre, người ta phải vác đằng gốc đi trước, ngọn đi sau. Dẫn đầu đoàn vác tre là chủ lễ, xòe ô che đầu, hát bài vác cây nêu.

img

Hố chôn tre phải tránh không được trùng với các vị trí đã đào hố chôn cây nêu từ những năm trước.

img

img

img

Ông chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu một dải vải lanh màu đen và một dải vải lanh màu đỏ, một bầu rượu, 3 bông lúa nếp và một túm cây trồng “sưi”.

img

Dựng cây nêu, ngọn nêu phải quay về hướng mặt trời mọc

img

Cây nêu được dựng lên trong niềm hân hoan của mọi người

img

img

Những nam thanh, nữ tú dân tộc H’Mông cũng góp mặt trong buổi lễ dựng cây nêu

img

 Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, ông chủ lễ tuyên bố mở màn hội, mọi người tham gia trình diễn và thưởng thức các trò chơi, gồm múa khèn, múa võ.

img

 Theo phong tục của người H’ Mông, các cuộc vui chơi tiếp diễn trong vòng 3 ngày, cây nêu mới được hạ xuống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem