Xem phim "lậu" tại nước ngoài phải chịu hình phạt thế nào?
Xem phim "lậu" tại nước ngoài phải chịu hình phạt thế nào?
Thứ năm, ngày 25/06/2020 16:06 PM (GMT+7)
Nhằm nâng cao ý thức người dùng Internet về bản quyền trí tuệ, một số quốc gia trên thế giới đặt ra mức phạt tiền, thậm chí tù giam, cho hành vi phát tán hoặc xem phim "lậu".
Xem phim “lậu” không chỉ là vấn nạn tại riêng Việt Nam, mà vẫn xảy ra trên toàn thế giới. Trên các diễn đàn quốc tế, nhiều khán giả vẫn không biết được vì sao xem phim miễn phí là sai.
Vấn đề nằm ở chỗ, khi một bộ phim hay bài hát được sản xuất và đem bán ra thị trường, những người tham gia vào khâu sản xuất đều có quyền hưởng lợi nhuận từ thành phẩm. Cho nên, phim hay nhạc đều được bảo vệ bởi pháp luật để không thể sao chép, bán lại khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Do đó, khi khán giả xem phim không phải từ chính nhà sản xuất, đó là điều bất hợp pháp. Tương tự, kể cả khi người dùng tải bài hát hay tệp tài liệu miễn phí không rõ nguồn gốc cũng là điều không đúng.
Câu chuyện muôn thuở
Vừa qua, một website xem phim "lậu" nổi tiếng ở Việt Nam bất ngờ bị chặn truy cập, khiến cư dân mạng xôn xao. Bởi từ rất lâu, việc truy cập vào các trang web "lậu" để xem phim miễn phí là thói quen đối với nhiều khán giả. Vấn đề liệu có hay không những chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi cho những nhà làm phim lại được đem ra mổ xẻ.
Sử dụng những câu lệnh đơn giản trên Google, khán giả có thể dễ dàng tìm ra những nguồn chiếu phim "lậu". Nhưng chính hành động này đã khiến cho các nhà sản xuất phải chịu tổn thất doanh thu nặng nề.
Thay vào đó, các trang web chiếu phim "lậu" có thể thu về hàng trăm triệu USD dù không phải trả một xu để sản xuất hay mua bản quyền. Theo số liệu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA), hiện có 710 triệu bộ phim và truyền hình được chia sẻ trên các web một cách phi pháp, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Theo báo cáo của Văn phòng Bản quyền Mỹ, việc phát tán phim, nhạc hoặc tải tài liệu mà không được sự cho phép là điều bất hợp pháp. Người đăng tải hay xem lại nội dung đều bị xem là phạm pháp vì đã xâm phạm quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.
Thống kê từ trang All Connect, Game of Thrones là phim bị tải “lậu” và phát tán trên mạng Internet nhiều nhất. Đã có hơn 78,5 tỷ lượt truy cập để tải phim vào năm 2015. Trong số đó, 23% người nói rằng họ không biết việc tải phim là bất hợp pháp, còn 32% cho rằng họ không muốn trả phí để xem phim nên phải truy cập “lậu”, theo một nghiên cứu của Business Insider.
Ông Jim Gibson - Giám đốc Viện sở hữu trí tuệ tại trường Đại học Richmond - giải thích: “Khi người dùng tải xuống một phần hay cả tệp thì được gọi là "giả phát trực tiếp". Điều này được xem là bản sao của tài liệu có bản quyền. Như vậy là bất hợp pháp. Và khi người dùng truyền tải nội dung đó đến người khác sẽ cấu thành hành vi vi phạm bản quyền”.
Còn theo như nghiên cứu của Envision Ltd, Ấn Độ là một trong năm quốc gia đứng đầu về nạn xem và tải phim “lậu”. Như Udta Punjab, Mohalla Assi, Paanch hay Tera Kya Hoga Johnny bị rò rỉ trên mạng trước khi phát hành, thậm chí là bản HD.
Giá xem phim cao, mức thu nhập thấp, mức sống cao là những yếu tố dẫn đến việc vi phạm bản quyền. Cho nên từ lâu, Ấn Độ đã xem vi phạm bản quyền là một thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.
Các nước xử lý vi phạm thế nào?
Nói về tình trạng trên, luật sư Matt Huppertz cho biết: “Nếu bạn bị bắt vì tội chia sẻ phim trên các trang web, bạn có thể đối mặt với mức phạt từ 750 USD trở lên”. Theo USA Today, vào tháng 8/2019, FBI đã buộc tội 8 người đàn ông với tội danh vi phạm bản quyền bằng cách sao chép và phát tán phim trên các website cá nhân.
Đối với người dùng, khi click vào trang web xem phim miễn phí, họ có thể thay đổi VPN. Nhưng điều này không có nghĩa cảnh sát công nghệ sẽ mất dấu truy cập.
Ông Huppertz chia sẻ thêm: “Các cơ quan liên bang vẫn có thể sử dụng địa chỉ IP của họ để theo dõi. Nhà cung cấp Internet có thể xác định được thiết bị nào đang truy cập web "lậu"để xem phim. Điều đó sẽ khiến người dùng hầu tòa”.
Nhà báo Nelson Granados của Forbes cho biết: “Nếu ngành công nghiệp và chính phủ phối hợp hiệu quả với nhau, tình trạng này có thể bị chặn đứng tuyệt đối. Hoặc các nhà an ninh mạng hãy chặn các trang web có nội dung bất hợp pháp để hạn chế tình trạng này”.
Để giải quyết nạn phát tán và xem phim “lậu”, Chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế dịch vụ để từ đó giảm giá vé xem phim. Điều này cho thấy Ấn Độ xem trọng đến sự sáng tạo nghệ thuật, quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất. Các nhà làm phim gọi đây là một bước tiến lớn để đẩy lùi nạn phim “lậu” tràn lan trên các website.
Không chỉ đơn giản vậy, người dùng ở Ấn Độ thậm chí phải ngồi tù nếu như cố tình truy cập hoặc phát tán phim trên nền tảng Internet khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Tùy theo từng mức án, người truy cập sẽ đối mặt với các mức án từ hành chính đến phạt tù. Trong lần vi phạm đầu tiên, người dùng có thể bị ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm, phạt từ 50.000 đến 200.000 rupee (tương đương 655 đến 2.600 USD).
Nếu vẫn còn tiếp tục vi phạm, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Ngược lại, nếu người dùng chứng minh được hành vi vi phạm không mang tính chất thương mại (chỉ sử dụng với mục đích cá nhân thay vì phát tán, bán hoặc cho thuê), mức phạt sẽ nhẹ hơn.
Để xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet, câu chuyện không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ , mà còn là ý thức của mỗi người. Nếu không có “cầu” sẽ không thể “cung”. Chẳng ai bán một món đồ nếu cả thế giới đều không dùng tới. Nhưng, để nâng cao trách nhiệm của người thiếu ý thức là điều không hề dễ dàng.
Còn việc xem phim “lậu” có sai phạm về mặt đạo đức hay không? Điều này lại là một vấn đề khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.