Xóa bỏ cách ngăn
Trong Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, “Những đứa con của làng” là 1 trong 2 ứng cử viên phim Việt tranh giải phim hay nhất. Đoàn phim cũng chọn ngày thứ hai của liên hoan phim để chiếu ra mắt bộ phim này. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kiêm Giám đốc sản xuất phim cho biết: “Phim vừa mới hoàn thành hậu kỳ, có thể nói là một sản phẩm còn “nóng hổi” để đưa đến chiếu trong liên hoan lần này nên chúng tôi rất hy vọng sẽ đón nhận được các ý kiến đóng góp thẳng thắn, công tâm từ khán giả”.
Cảnh trong phim “Những đứa con của làng”. T.L
Buổi chiếu ra mắt phim ngoài sự có mặt của các thành viên Ban giám khảo còn có sự hiện diện của khá nhiều nghệ sĩ trong giới điện ảnh cho thấy sự quan tâm của mọi người với bộ phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam đi thi đấu ở Liên hoan Phim quốc tế. Nếu xét một cách công bằng, “Những đứa con của làng” là một đại diện xứng đáng cho điện ảnh Việt Nam tại liên hoan phim lần này trong mặt bằng chung của rất nhiều phim thuộc dòng giải trí khác.
Câu chuyện kể về một ngôi làng nhỏ ở miền Trung, sau vụ thảm sát vào năm 1965, 104 người dân bị tên trưởng làng dẫn giặc về giết hại. Những người còn sống sau thảm họa ấy, đại diện là ông Thập- trưởng làng mới đã không quên được mối thù này. Hàng năm cứ đến ngày giỗ làng, họ lại tập trung lại, xếp hàng lần lượt dùng gậy quật lên mồ của tên trưởng làng cũ như một cách trả thù. Cây cầu nối ngôi làng với các vùng khác thì dở dang, huyện cấp tiền nhưng bị chủ tịch xã ăn chặn, người dân khốn khó khi phải đi lại bằng đò, đứa con trai của trưởng làng cũ xin về bốc mộ cha mình đem đi khỏi làng, đề nghị đổi lại bằng việc hoàn thành cây cầu, nhưng ông Thập không đồng ý.
Một cuộc đấu tranh trong chính ngôi làng đã nổ ra giữa một bên là ông Thập, một bên là anh Bè- người đàn ông lập dị có tấm lòng cao cả cần mẫn dựng một chiếc cầu phao cho làng, cô Bưởi - con gái ông Thập, Nam- đứa cháu trai mồ côi mới lên 8 tuổi của ông Thập… để xóa đi trong ông những hận thù với quá khứ. Cuối cùng, ông Thập đã cởi bỏ được hết hận thù, chấp nhận hàn gắn và tha thứ cho cha con trưởng làng cũ.
Có thể nói kịch bản của “Những đứa con của làng” đậm tính nhân văn, tuy nhiên cách kể và kết cấu của câu chuyện lại hơi đơn giản, dễ đoán, bởi mọi tình tiết, khúc mắc trong bộ phim đều dẫn người xem đến một kết thúc không thể khác được: Ông Thập phải nhìn ra sự cố chấp của mình và thay đổi nó, cây cầu sẽ phải hoàn thành để nối ngôi làng với phần còn lại của thế giới. Ẩn ý của tác giả vì thế mà thành ra hơi bị “lộ” và khá dễ hiểu với khán giả.
Tất cả vì bộ phim
Chia sẻ
Tôi rất thích nhân vật ông Thập vì sự cực đoan đến tận cùng của nhân vật có khá nhiều đất diễn”.
Phải ghi nhận sự cố gắng của đoàn phim để có được một bộ phim chỉn chu, sạch sẽ, hầu như không bị những lỗi ngớ ngẩn thường gặp trong phim Việt. Giọng lồng tiếng miền Trung cho toàn bộ các nhân vật trong phim không quá khó nghe, bối cảnh phim rất đẹp với nhiều cảnh quay nên thơ. Diễn xuất của diễn viên rất tốt, từ vai chính là ông Thập (NSƯT Trung Anh) đến các vai anh Bè (Huy Cường), cô Bưởi (Thúy Hằng), Đông (Trần Bảo Sơn)- con trai ông Đồng trưởng làng cũ, cậu bé Nam (Bảo Nam)… các diễn viên đều làm rất tròn vai, khắc họa được tính cách nhân vật.
Nghệ sĩ Trung Anh cho biết: “Tôi rất thích nhân vật ông Thập vì sự cực đoan đến tận cùng của nhân vật có khá nhiều đất diễn. Khi biết phim quay ở Quảng Trị, tôi có đề nghị được vào trước một tuần để thâm nhập thực tế. Thời gian quay phim tôi đã hoàn toàn thay đổi cách sống hàng ngày của mình. Tôi tập trung thời gian tối đa để suy nghĩ về nhân vật, kể cả những lúc nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại luôn giữ tác phong của ông Thập 75 tuổi. Tôi vốn dĩ không béo nhưng vẫn thích nhân vật phải trông phải khắc khổ, gầy nhỏ nên tôi ăn uống rất chừng mực, cố gắng giảm thêm 2kg nữa, thậm chí còn không dám ăn đêm trong suốt thời gian quay”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.