Nghệ nhân kể tích trò
Về xã Xuân Trường (Thọ Xuân, Thanh Hóa) - cái nôi của trò Xuân Phả, chúng tôi được ông Bùi Văn Hùng - Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, kể về tích trò Xuân Phả.
Một trong những trò múa Xuân Phả tại hội làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: H.Đ
Giờ đây, công tác bảo tồn trò Xuân Phả đã được triển khai mạnh mẽ. Tại các thôn, làng trong xã Xuân Trường, đã hình thành các đội múa. Từ năm 2009 đến nay, xã đã mở các lớp truyền dạy trò múa Xuân Phả cho học sinh THCS, mỗi lớp có từ 120-150 em. Đặc biệt, ngày 16.9.2016 vừa qua, trò Xuân Phả đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện Thọ Xuân, chính quyền và nhân dân xã Xuân Trường đang chuẩn bị cho lễ đón nhận quyết định quan trọng này vào đúng ngày Lễ hội Xuân Phả (10.2 Đinh Dậu).
|
Nghệ nhân Bùi Văn Hùng bảo: “Nguồn gốc trò Xuân Phả có từ thuở xa xưa, cho đến nay chưa tìm thấy tài liệu chữ viết nào ghi chép một cách đầy đủ về sự ra đời của nó. Các nhà nghiên cứu âm nhạc, văn học nghệ thuật, văn hoá dân gian cũng đã dày công tìm tòi, nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức có sức thuyết phục nhất”.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng; Theo truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân làng Xuân Phả, hệ thống trò Xuân Phả có từ thời Đinh. Truyện kể lại rằng: trong lần vua Đinh Tiên Hoàng dẫn quân đi dẹp giặc quấy nhiễu biên thùy phía Nam, “vua nghỉ chân tại bãi tha ma có miếu thờ, vị thần (làng Xuân Phổ, sau đổi thành Xuân Phả) có lời khẩn cầu. Đêm, vua mộng thấy thần báo sẽ sẵn sàng bảo hộ cho. Ngày sau, vua tiến đánh giặc, quả nhiên thắng trận. Vua báo ơn bằng cách cho lập đền thờ và ban cho thần làng các trò múa hát gọi là trò “Lân bang ngũ quốc đồ tiến cống”, rồi sau truyền cho dân làng. Cứ mỗi năm ngày mùng 10.2 âm lịch lại diễn như cũ. Ngũ quốc - năm xứ tức là 5 kiểu trò, gồm: Hoa Lang đồ tiến cống, Ao Lao đồ tiến cống, Ngô Quốc đồ tiến cống, Chiêm Thành đồ tiến cống, Lục Hồn (hay còn gọi là Tú Huần) đồ tiến cống.
“Các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, âm nhạc... cho rằng, hệ thống trò Xuân Phả ra đời vào thế kỷ XV, nên đó là “Tàn tích của khúc múa chư hầu lai triều là điệu múa Xuân Phả ở Thọ Xuân gần Lam Sơn”. Hoặc “Cũng chỉ còn là vang bóng khúc diễn xướng Bình Ngô phá trận và Chư hầu lai triều”. Thế nhưng, đó chỉ là những giả thuyết mà thôi. Còn theo lời truyền tụng của các cụ cao niên trong làng, thì tích trò Xuân Phả không thể đưa về “Chư hầu lai triều” được. Bởi lẽ, trong lễ hội Xuân Phả có 5 điệu múa, trong đó có màn kéo hội, gồm 2 cánh quân tả, hữu tiến vào sân tế. Khi vào bằng chữ Á, khi ra bằng chữ Ất. Hai cánh quân này có mang theo cờ lau, có hình dáng tập trận của 12 sứ quân” - Nghệ nhân Bùi Văn Hùng khẳng định.
Trò Xuân Phả là một điệu múa hát riêng của làng Xuân Phả ở Thanh Hoá, chỉ diễn ra hàng năm vào ngày 10 và 11.2 âm lịch, trong dịp tế Thành hoàng làng Xuân Phả, theo một hệ thống và qui định chặt chẽ. Trò Xuân Phả được gọi là trò, đó là cách gọi trong dân gian, còn thực tế thì nó là các điệu múa hát, mang tính chất độc đáo không giống các điệu múa hát thông thường.
Di sản văn hóa quốc gia
Từ xưa, tên làng Xuân Phả đã nức tiếng xứ Thanh và còn vang tận ra nước ngoài, vì có lễ hội múa hát trò Xuân Phả. Tuy nhiên, trải qua thời gian và gặp bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử… nên trò Xuân Phả dần dần bị mai một.
Theo sử làng Xuân Phả chép, thì từ những năm 30 (thế kỷ XX), trò Xuân Phả đã được mời đi trình diễn ở nhiều nơi, kể cả biểu diễn tại cung đình Huế. Vào năm 1935, trò Xuân Phả trình diễn tại Hội chợ nông sản huyện Thọ Xuân, có các quan đầu tỉnh người Việt và người Pháp đến dự, còn được giới thiệu nội dung “Điệu múa Xuân Phả”. Đến năm 1936, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả đi diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế, sau đó được đưa đi biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội. Rồi vào năm 1939, một nhà nhà hoạt động nghệ thuật người Pháp xin đầu tư để đưa trò diễn Xuân Phả sang biểu diễn tại Mỹ, đã được triều đình Bảo Đại cho phép, nhưng cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, nên việc không thành. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trò diễn Xuân Phả đã đi phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp…
Theo các nghệ nhân cao tuổi làng Xuân Phả, lần tổ chức hội làng và diễn trò lần cuối cùng vào năm 1948. Đến năm 1967, ngôi nghè của làng bị phá, không còn nơi tổ chức hội làng, nên từ đó hình thành đội múa trò đi phục vụ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ mà thôi. Mãi tới năm 1990, địa phương lại mới bắt đầu tìm tòi, khôi phục và phát huy từ những “mảnh ghép” rời rạc, dần dần thành trò Xuân Phả gần như đầy đủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.