Xếp Hoàng Đức đá tiền đạo, HLV Kim Sang-sik đi vào “vết xe đổ” của HLV Troussier?
Xếp Hoàng Đức đá tiền đạo, HLV Kim Sang-sik đi vào “vết xe đổ” của HLV Troussier?
Trần Oánh
Thứ sáu, ngày 06/09/2024 11:10 AM (GMT+7)
Dưới thời HLV Troussier, đã có lần Hoàng Đức được xếp đá tiền đạo, và như chúng ta đã thấy, anh tỏ ra không hề phù hợp. Có người cho rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn của Hoàng Đức với vị HLV người Pháp này. Phải chăng HLV Kim Sang-sik đang đi vào vết xe đổ của HLV Troussier?
HLV Kim Sang-sik xếp Hoàng Đức đá tiền đạo là sai lầm?
Đầu tiên, việc mời ĐT Nga tham dự Giải Giao hữu quốc tế LP Bank 2024 là một ý tưởng rất hay. Nó không chỉ mang bóng dáng "ngoại giao cây tre" của Việt Nam trong thể thao, mà về mặt chuyên môn, khác với mọi giải AFF Cup trước đây, năm nay, việc thi đấu, cọ sát với 1 đội bóng châu Âu để chuẩn bị cho ASEAN Cup 2024 là phù hợp và cần thiết. Lý do thì như chúng ta đã biết, ĐT Indonesia, rồi cả ĐT Philippines đều có 1 đội hình có rất nhiều cầu thủ đến từ châu Âu. Ít nhiều, lối đá, các miếng đánh của các đội bóng này sẽ mang nhiều dáng dấp của 1 đội bóng châu Âu. Và 1 đặc thù của bóng đá châu Âu đó là tốc độ vào bóng của các cầu thủ rất nhanh, nhanh hơn thói quen xử lý bóng của các cầu thủ Việt Nam. Với việc thi đấu với ĐT Nga, các cầu thủ của chúng ta có cơ hội để điều chỉnh thói quen này.
Đến với trận đấu, ở khâu phòng thủ, trước tốc độ và sức mạnh của các cầu thủ Nga, các pha thoát pressing của ĐT Việt Nam là chưa tốt. Chính các pha chuyền thiếu chính xác của Thanh Bình hay của thủ môn Đặng Văn Lâm ra cánh là thể hiện khả năng di chuyển, phối hợp thoát pressing chưa tốt này của ĐT Việt Nam. Các cầu thủ cũng chưa mạnh dạn dùng kỹ thuật cá nhân qua người trong các tình huống thoát pressing. Điều này dẫn đến họ không có nhiều bóng để chơi.
Các cầu thủ Nga ít tổ chức các pha phối hợp nhỏ, kiểu đập tường trung lộ, họ ưu tiên các pha bóng bổng. Thực tế, đa số các pha bóng nguy hiểm của ĐT Nga trước khung thành của Đặng Văn Lâm là các pha bóng bổng. Điều này làm cho hàng phòng thủ của ĐT Việt Nam dễ chịu hơn, nhưng cũng làm cho chúng ta không được chứng kiến khả năng chống phối hợp nhỏ của hàng thủ ĐT Việt Nam. Có lẽ, chúng ta sẽ kiểm chứng năng lực này của đội bóng trong trận gặp ĐT Thái Lan, đội bóng ưu thích sử dụng các pha phối hợp nhỏ, bật tường tí tách vào khu trung lộ.
Ở khâu tấn công, khả năng pressing tầm cao của các cầu thủ Việt Nam là chưa tốt. Ngoại trừ thời gian cuối hiệp 2, khi đối phương đã chủ động lùi về, còn lại, các cầu thủ Việt Nam không lần nào pressing tầm cao thành công cả. Họ mắc lỗi cả trong việc kích hoạt hệ thống pressing. Chúng ta thấy hơn 1 lần, trong tình huống thuận lợi cho pressing, khi các hậu vệ Nga có bóng trong trạng thái khó xử lý, Vũ Văn Thanh, cầu thủ đứng gần bóng nhất lao vào tranh cướp bóng, đây như là tín hiệu để pressing trigger được kích hoạt. Nhưng như chúng ta chứng kiến, nhiều cầu thủ tấn công của Việt Nam đã không kịp thời hưởng ứng, điều đó khiến nỗ lực pressing thất bại và làm cho Vũ Văn Thanh tỏ thái độ không hài lòng.
Việc ít có bóng để chơi làm cho các cầu thủ Việt Nam không có nhiều cơ hội để thể hiện được năng lực tấn công của mình, đặc biệt là trong hiệp 1. Nhưng cũng có một vài điểm sáng, đó là các pha phối hợp đá phạt trực tiếp của ĐT Việt Nam là sáng tạo, gây bất ngờ cho đối phương. Mặt khác, họ cũng tổ chức được vài đường chuyền dài chính xác, gây khó khăn cho hàng phòng ngự Nga. Nửa cuối hiệp 2, thế trận có vẻ thuận lợi hơn cho ĐT Việt Nam. Nhưng dường như điều này đến từ việc đối phương chủ động lùi về, giảm sức ép, nhiều hơn là do sự thay đổi nhân sự và lối đá của ĐT Việt Nam.
Trong việc chuyển đổi trạng thái, có thể chủ trương của HLV Kim Sang-sik là sau khi cướp được bóng, các cầu thủ phải ưu tiên việc cầm bóng chắc trong chân, đó là lý do chúng ta ít thấy các pha phản công nhanh của ĐT Việt Nam trong trận đấu này. Thực tế, việc liên tục tổ chức phản công nhanh chính là một hình thức đẩy nhanh tốc độ trận đấu, đưa trận đấu vào thế đôi công và đua thể lực, có vẻ điều đó là không khôn ngoan khi phải thi đấu trước 1 đối thủ nhanh hơn, khỏe hơn như ĐT Nga.
Trở lại với vấn đề được nêu ở tiêu đề bài viết, thực tế trên sân, có nhiều khoảng thời gian mà chúng ta thấy tiền vệ Hoàng Đức đứng ở vị trí cao nhất trong đội hình, bất chấp trong sơ đồ thi đấu được ông HLV Kim Sang-sik công bố, anh được xếp đá ở vị trí tiền vệ. Nhiều ý kiến cho rằng điều này lặp lại sai lầm của HLV Troussier trước đây, khi đã thất bại trong thử nghiệm cầu thủ này đá vị trí tiền đạo.
Nhưng chúng ta có thể luận giải vấn đề này theo một cách nhìn khác. Việc Hoàng Đức được HLV Kim Sang-sik xếp đứng cao nhất trên sân trong trạng thái đội bóng không kiểm soát bóng không có nghĩa là cầu thủ này đá tiền đạo cắm. Chúng ta thấy, mặc dù cầu thủ này đứng ở vị trí tiền đạo, nhưng tất cả các pha chủ định xử lý bóng của anh lại không mang đặc điểm của 1 cầu thủ tiền đạo, kiểu như Tiến Linh hay Văn Toàn, đó là từ xoay lưng về phía cầu môn đối phương, tìm cách qua người, dùng tốc độ đột phá vào cấm địa. Dường như HLV Kim Sang-sik xếp cầu thủ này đứng ở vị trí đó như là 1 phương án hỗ trợ để hệ thống phòng thủ thực hiện các pha phối hợp thoát pressing và tổ chức phản công tốt hơn. Với khả năng xoay sở, che chắn, cầm giữ bóng rất tốt của mình, cầu thủ này như 1 địa chỉ chuyền bóng tiềm năng, cách xa khung thành đội nhà, giảm bớt rủi ro mất bóng gần cầu môn trong bối cảnh cả hàng phòng thủ đang rất khó khăn trong việc cầm bóng thoát pressing. Mặt khác, khi anh có bóng ở giữa sân, giúp cho anh phát huy khả năng đưa ra các đường chuyền kiến tạo cho đồng đội. Giống như 1 đường chuyền rất hay của anh tạo điều kiện thuận lợi cho Phan Tuấn Tài trong hiệp 1.
Tóm lại, mặc dù rõ ràng trong trận đấu này, các cầu thủ Việt Nam đá phòng ngự phản công, nhưng ĐT Việt Nam trong tay HLV Kim Sang-sik vẫn mang xu hướng duy trì lối đá kiểm soát. Phòng ngự phản công chỉ là một hình thái chiến thuật khi đội bóng phải đối đầu với Nga, 1 đối thủ mạnh hơn nhiều mà thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.