Xét công nhận GS,PGS: Loại bỏ tạp chí dỏm

Thứ bảy, ngày 22/06/2024 08:50 AM (GMT+7)
Năm nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có quy định mới liên quan tạp chí khoa học trong nước được tính điểm trong hồ sơ khoa học của các ứng viên xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Bình luận 0

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) có văn bản gửi các tạp chí khoa học Việt Nam về việc đề xuất khung điểm trong danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024. Đề xuất này sẽ là căn cứ để HĐGSNN quy định danh mục tạp chí khoa học của Việt Nam được tính điểm năm 2025.

Từ đó, công trình khoa học mà ứng viên khai trong hồ sơ xét PGS, GS đăng ở tạp chí nào thì sẽ được hội đồng xét cho mức điểm nằm trong khung của tạp chí đó mà HĐGSNN quy định trong danh mục. Một điểm mới của năm nay là HĐGSNN yêu cầu các tạp chí khoa học Việt Nam muốn vào danh mục tạp chí được tính điểm năm 2024 phải có bản sao minh chứng phản biện các bài báo khoa học trong các số năm 2023.

Xét công nhận GS,PGS: Loại bỏ tạp chí dỏm- Ảnh 1.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 28 Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kì 2024 – 2029

Khi nhận được văn bản của HĐGSNN, một số nhà khoa học băn khoăn vì yêu cầu nộp minh chứng phản biện là vi phạm tự do học thuật. Đại diện một tạp chí về công nghệ và quản lí chia sẻ, hồ sơ đề xuất đã nộp lên HĐGS ngành/liên ngành. Vị này cho rằng quy định của HĐGSNN có phần hơi quá vì phản biện là phần riêng tư của mỗi tạp chí.

hưng mặt khác, quy định này cũng đặt ra yêu cầu làm việc nghiêm túc đối với người làm công việc phản biện tại các tạp chí khoa học muốn được tính điểm trong xét, công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hằng năm. Từ trước đến nay, phản biện chỉ đọc bài báo của các tác giả thuần túy để đánh giá chất lượng. Giờ yêu cầu phải cung cấp minh chứng phản biện, người phản biện sẽ phải đánh giá nghiêm túc bằng cách phải đọc rất nhiều bài, rồi kiểm tra trùng lặp, đạo văn, quy trình.

Theo quy định của HĐGSNN, mỗi ứng viên PGS chỉ cần ít nhất là tác giả chính/liên hệ của 3 bài báo quốc tế trên tạp chí có uy tín. Trong khi đó, ghi nhận qua hồ sơ đăng kí của các ứng viên thời gian qua cho thấy, họ lấy điểm từ các tạp chí trong nước là chủ yếu, với số lượng đăng bài của các ứng viên rất lớn.

Gần đây giới khoa học trong nước bày tỏ sự quan tâm tới việc một số tạp chí uy tín của các nhà xuất bản lớn bị rút khỏi danh sách lõi của Web of Science hay Scopus như một số tạp chí của nhà xuất bản MDPI, Frontiers. Hay gần đây là việc Nhà xuất bản Hindawi (đây là nhà xuất bản rất nhiều tác giả người Việt Nam đăng bài) sau khi đóng cửa một loạt tạp chí thì được tập đoàn xuất bản Wiley của Mỹ mua lại và Wiley đã xoá sổ hoàn toàn thương hiệu Hindawi.

Tránh vàng thau lẫn lộn

PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGSNN cho hay sở dĩ HĐGSNN yêu cầu các tạp chí phải nộp bản sao minh chứng phản biện (2 chiều, 1 chiều...) là để có căn cứ đánh giá chất lượng tạp chí. Việt Nam hiện có rất nhiều tạp chí khoa học với chất lượng rất khác nhau. Nhiều tạp chí công bố là có quy trình phản biện nhưng thực tế không thực hiện đúng như vậy. Nếu không yêu cầu cung cấp minh chứng là trong quy trình xuất bản có việc phản biện hay không thì hội đồng các cấp không có đủ cơ sở để đánh giá được chất lượng tạp chí.

3 nhà xuất bản Hindawi, MDPI và Frontiers thường bị một số quốc gia và cơ sở nghiên cứu đưa vào danh sách đen. Năm 2023, một số trường đại học trong nước công bố cập nhật danh sách các nhà xuất bản đen không được công nhận tài trợ, trong đó có 3 nhà xuất bản này.

Theo PGS Tuấn, cũng có ý kiến cho rằng các hệ thống ISI, Scopus (hệ thống xếp loại tạp chí quốc tế) vẫn đánh giá, xếp hạng tạp chí mà không bắt các tạp chí nộp minh chứng về việc phản biện. Nhưng do hệ thống tạp chí của Việt Nam chưa đạt đến chuẩn mực quốc tế nên đánh giá chất lượng tương đối khó khăn. Thực tế cho thấy các tạp chí khoa học để được chỉ mục (index) trong các danh mục tạp chí quốc tế uy tín thì đã qua quá trình kiểm tra, đánh giá gắt gao về chất lượng. Nhưng ở Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá chất lượng tạp chí như vậy. Đến như hệ thống chỉ mục tạp chí khoa học của Đông Nam Á (Asean Citation Index - ACI) Việt Nam cũng chỉ có trên 20 tạp chí vào được.

Ông Tuấn cho hay, nếu chỉ tính điểm một số tạp chí đã được index quốc tế hay khu vực thì không phù hợp thực tiễn, mà cần có cả các tạp chí khoa học Việt Nam trong danh mục tạp chí được tính điểm của HĐGSNN. Những tạp chí Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế và khu vực thì đương nhiên được vào danh mục với khung tính điểm tạp chí quốc tế. Yêu cầu trên chỉ dành cho tạp chí trong nước.

Tuy nhiên, HĐGSNN sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học xung quanh vấn đề đánh giá, cho điểm các tạp chí trong nước nhằm cải tiến quy trình đánh giá chất lượng tạp chí khoa học hằng năm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng và phù hợp với thực tiễn.

Theo Nghiêm Huê (tienphong.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem