Thi vào lớp 10 công lập – trượt thì đã sao?

Nguyễn Thiêm Thứ bảy, ngày 22/06/2024 08:23 AM (GMT+7)
Những ngày này, có lẽ thông tin "hot" nhất, từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên truyền thông không phải là cháy nhà, chết người, bắt bớ, tai nạn giao thông… mà chính là "điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 công lập".
Bình luận 0

Không biết từ bao giờ kỳ thi vào lớp 10 công lập lại trở thành một kỳ thi "nóng" đến như vậy?

Hãy nhìn từ Hà Nội, năm nay, thành phố có hơn 105.000 học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 61% các em trong số này có suất vào các trường THPT công lập, số còn lại học sinh sẽ phải học các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Tỷ lệ chọi này đã khiến nhiều gia đình coi kỳ thi vào lớp 10 công lập là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí, nó còn được ví như "cuộc chiến" chứ không phải một kỳ thi.

Áp lực từ "cuộc chiến" này không chỉ khiến nhiều đứa trẻ trong tuổi ăn tuổi lớn phải phờ phạc, đờ đẫn, lê thân từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác ròng rã cả năm trời, mà còn khiến không ít bậc cha mẹ phải bạc đầu vì tính toán nguyện vọng, phương án xét tuyển và khả năng tài chính để cho con có "vé" vào trường như ý.

Trong điều kiện hệ thống trường công ở nhiều thành phố lớn hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 60 – 70% người dân, có người sẽ nói việc học sinh phải cạnh tranh là hết sức bình thường. Thế nhưng, bắt những đứa trẻ độ tuổi 14 – 15 phải tham gia vào một cuộc cạnh tranh sống - còn để giành cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản lại là một điều không hề bình thường. Bởi lẽ, nó đã và đang tạo ra những áp lực âm thầm gặm nhấm hạnh phúc của nhiều gia đình trẻ…

Thi vào lớp 10 công lập – trượt thì đã sao?- Ảnh 1.

Một thí sinh vui sướng ôm chầm lấy mẹ sau khi hoàn thành bài thi môn Văn vào lớp 10 tại điểm thi trường THCS Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 8/6 vừa . Ảnh: Gia Khiêm

Bạn tôi có con đang học cấp 2 công lập tại một trường trên địa bàn Hà Nội. Vì sức học của con chỉ ở mức trung bình nên ngay từ đầu, bạn đã chỉ mong con được đến trường, có một tuổi thơ bình thường và vui vẻ.

Nhưng thật "không may", trường con cô ấy tới đây phấn đấu để thành trường chất lượng cao. Và một trong những tiêu chí là phải có tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập rất cao. Để có được con số tỷ lệ đẹp lung linh, trường bắt đầu "lọc" học sinh từ học kỳ 2 lớp 6. Những học sinh có điểm thi dưới trung bình các khối được xếp vào "danh sách đen". Một mặt trường sẽ kèm cặp để các em tiến bộ, mặt khác, cũng bắt đầu "đánh tiếng" cho phụ huynh nếu con không cải thiện điểm số, sẽ phải chuyển trường.

Vậy là suốt các năm lớp 6, lớp 7, đứa trẻ 12 – 13 tuổi phải điên cuồng học thêm hết lớp này đến lớp khác. Con đường duy nhất để con có thể ở lại trường là phải cải thiện điểm số. Thế nhưng, quyết tâm có thể vô hạn còn sức người chỉ có hạn. 

Thấy con luôn trong tình trạng stress, tâm trạng ủ dột vì bị phân biệt đối xử ở trường, còn gia đình luôn căng như dây đàn, người bạn ấy đã phải gặp hiệu trưởng để "ngầm cam kết" sẽ không cho con thi lớp 10 công lập và xin cho con… đúp nếu không vượt qua các kỳ thi.

Tôi dám chắc, câu chuyện này không hề hiếm gặp. Năm nào đến mùa tuyển sinh đầu cấp cũng ồn ào chuyện trường này, trường kia "ép" học sinh có học lực chưa tốt không được đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Do bệnh thành tích, không ít nhà trường, giáo viên đã biến chủ trương tư vấn định hướng nghề nghiệp tốt đẹp thành chuyện áp đặt gắt gao dưới nhiều hình thức, can thiệp vào quyền tự do tiếp cận giáo dục của học sinh.

Con tôi năm nay cũng vào lớp 8. Cháu say mê lập trình, có thể sáng tạo game từ lớp 1, code ra phần mềm học tập từ lớp 5 và tạo được sản phẩm app hữu ích từ lớp 6. Cháu học toán tốt và tiếng Anh, có thể tự học online lấy các chứng chỉ chuyên ngành lập trình từ các trường đại học trên thế giới.

Nhưng… cháu lại học văn rất kém. Cháu thường sử dụng Chat GPT để làm văn. Rồi do môn Văn phải học thuộc nên chưa bao giờ cháu được học sinh khá, giỏi, kể cả khi bằng khen, giấy khen của các kỳ thi tin học treo đầy nhà. Cô giáo văn cũng thường xuyên phải "vớt" để con không bị điểm dưới trung bình. Và với sức học như thế chắc chắn con tôi sẽ trượt kỳ thi lớp 10 công lập 2 năm tới khi mà điểm trung bình để đỗ những năm vừa qua đã lên tới trên 8 điểm/môn (điều đó cũng có nghĩa là không có môn nào được phép dưới điểm 5 hoặc 6).

Nhưng, thi trượt lớp 10 công lập thì đã sao?

Những người bạn cấp 3 học giỏi nhất, đỗ điểm cao nhất của các bậc phụ huynh hiện có phải là những người thành công nhất, giàu có nhất và hạnh phúc nhất không?

Vào lớp 10 công lập được coi là cánh cửa đầu tiên cho những bước đi dễ dàng và an toàn tiến vào đại học, nhưng đó không phải là con đường duy nhất đến tương lai. Chúng ta vẫn có con đường thứ 2, thứ 3, những con đường tắt thậm chí là cả đường vòng... Và đi đường nào cũng được, miễn là trên hành trình đó con của chúng ta hạnh phúc.

Trượt một kỳ thi vào lớp 10 công lập, hay trượt hẳn một kỳ thi đại học vì thế cũng không nên là vấn đề gì đó quá to tát cả. Bởi kết quả của những kỳ thi đó không quyết định thành công và hạnh phúc của các con sau này. Điều quan trọng nhất là các con của chúng ta không ngừng học hỏi mỗi ngày. Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ không ngừng động viên để con tiến về phía trước.

Thế nhưng, nói đi thì cũng phải nhìn lại, việc nhiều phụ huynh, học sinh "sống chết" phải tìm đường vào trường công lập, từ chối trường tư thục, trường nghề là có lý do.

Trường tư thục đang có mức học phí quá cách biệt so với trường công lập trong khi chất lượng thì vẫn chưa được đánh giá ngang bằng. Không phải gia đình nào cũng có thể chi 9-10 triệu/tháng học phí cho con và mức đó sẽ nhân đôi, nhân 3 nếu nhà có 2-3 đứa trẻ.

Còn học nghề? Các bậc phụ huynh với tư duy bao bọc thuần Á Đông hiện vẫn chưa thể chấp nhận việc để một đứa trẻ phải bước vào đời khi tuổi còn quá nhỏ. Sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường còn thất nghiệp đầy, huống gì học sinh cấp 3? Có lẽ vài chục năm sau tư duy này sẽ khác đi, phụ huynh sẽ nhận ra rằng vào cấp 3 công lập không phải là con đường tốt nhất… vẫn còn những con đường khác dễ đi hơn?

Thi vào lớp 10 công lập – trượt thì đã sao?- Ảnh 4.

Tác giả bài báo, nhà báo Nguyễn Thiêm. Ảnh: DV

Nhưng cũng có thể vài chục năm tới thi vào lớp 10 công lập sẽ không khó đến mức như bây giờ. Khi đó các thành phố lớn không phải dọn mặt bằng, nhường đất đẹp để xây chung cư, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại… mà là chọn đất vàng để xây nhiều hơn trường học, bệnh viện...

Khi đó nhiều trẻ mầm non không phải học ở nhóm lớp tư thục, mở chui và nơm nớp lo bị bạo hành; phụ huynh có con vào lớp 1, lớp 6 cũng không phải thức xuyên đêm, đạp đổ cổng trường xin học cho con; còn học sinh lớp 10 sẽ có nhiều cơ hội hơn được học tập trong những ngôi trường công lập với mức học phí dễ chịu.

Khi đó, việc phổ cập giáo dục bắt buộc không chỉ dừng lại ở cấp THCS mà phải lên tới bậc THPT. Đó sẽ là khi kỳ thi vào lớp 10 công lập không còn bị gán những mỹ từ to tát và áp lực như "cuộc chiến cam go"; "cột mốc cuộc đời"; "cánh cửa tương lai"…

Đó cũng là lúc những đứa trẻ 14 – 15 tuổi có đủ thời gian để… dậy thì thành công và hoàn thiện nhân cách của mình. Nhưng đó có lẽ là câu chuyện của vài chục năm tới và có thể lâu hơn…

Để kết bài tôi xin mượn lại câu nhắn gửi của thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận Dương Kinh, TP.Hải Phòng trong bài chia sẻ rất tâm huyết của thầy trên Facebook cá nhân  sau khi có điểm thi kỳ thi vào 10 THPT năm 2024-2025 tại Hải Phòng: 

"Đừng để gánh nặng danh dự, kỳ vọng, niềm vui của cha mẹ dồn lên đôi vai của một đứa trẻ. Hãy để con trẻ là chính mình và dần tự chịu trách nhiệm về cuộc sống".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem