Xét tuyển đại học năm 2019: Phá đáy điểm sàn “vét” thí sinh

Việt Phương - Thuận Hải Thứ sáu, ngày 26/07/2019 06:24 AM (GMT+7)
Được tự chủ quyết định điểm sàn, mùa tuyển sinh năm nay, một số trường đã đưa ra mức điểm đầu vào “phá đáy” sàn của Bộ GDĐT những năm về trước. Theo đó, có trường quy định, thí sinh chỉ cần đạt hơn 3 điểm mỗi môn là có cơ hội trúng tuyển đại học (ĐH). Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đầu vào của các trường ĐH.
Bình luận 0

Khó chọn nguyện vọng vì điểm sàn… thấp

Chỉ còn ít ngày nữa thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển kỳ tuyển sinh năm 2019 dành cho thí sinh sẽ kết thúc. Theo lịch do Bộ GDĐT công bố, Từ ngày 22– 29/7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến, đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng tại điểm thu nhận hồ sơ sẽ được kéo dài tới ngày 31/7.

Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã công khai điểm sàn xét tuyển. Theo phân tích từ phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2019, số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên ở các khối xét tuyển ĐH, CĐ truyền thống đều tăng cao. Cụ thể như ở khối A, số thí sinh đạt được từ trên 15 điểm/3 môn trở lên năm nay là 225.649 em, tăng 12.000 lượt so với năm 2018. Ở khối D, gần 56% thí sinh có tổng điểm thi 3 môn từ trên 15 điểm trở lên, con số này ở khối C là 45% tổng số thí sinh.

Về logic, điểm thi THPT cao thì điểm xét tuyển của các trường cũng sẽ phải cao hơn. Nhưng đáng ngạc nhiên, nhiều trường ĐH lại công bố điểm sàn xét tuyển rất thấp, thậm chí chỉ cần hơn 3 điểm một môn cũng có thể trúng tuyển. Chính việc này đã gây ra tâm lý hoang mang, rối loạn trong việc chọn nguyện vọng xét tuyển với nhiều thí sinh.

Trường ĐH Bạc Liêu thông báo nhận hồ sơ từ 13 điểm trở lên với tất cả ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Hai ngành bảo vệ thực vật và chăn nuôi cùng có mức sàn là 12 điểm. Tương tự, Trường ĐH Cửu Long cũng có thông báo điểm sàn của 21 ngành, trong đó có tới 19 ngành lấy điểm sàn mức 12,5 điểm (tổng điểm 3 môn gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).

ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc) thông báo điểm chuẩn  đợt 1 của trường với điểm chuẩn 4 ngành kế toán, quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng và luật kinh tế của trường là 13,5 điểm/tổ hợp 3 môn ngành.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. (ảnh: internet)

Mức điểm chuẩn này áp dụng với thí sinh khu vực 3, do đó, nếu thí sinh ở khu vực 1 (cộng 0,75 điểm) và nhóm ưu tiên (cộng 2 điểm), thí sinh sẽ được cộng 2,75 điểm, tức là chỉ cần 10,75 điểm/3 môn là thí sinh đã trúng tuyển vào 1 trong 4 ngành của Trường ĐH Trưng Vương. Tính ra mỗi môn chỉ hơn 3,5 điểm là thí sinh đã có thể trúng tuyển.

Tất cả các ngành của Trường ĐH Nông lâm và Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) đều xét 13 điểm theo kết quả thi. Tương tự, 13 điểm cũng là điểm sàn của nhiều ngành tại Trường ĐH Quảng Nam như: Lịch sử, Việt Nam học, ngôn ngữ Anh, văn học, bảo vệ thực vật, công nghệ thông tin, vật lý học. Trường ĐH Xây dựng miền Trung cũng thông báo rõ trong quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bậc ĐH theo kết quả thi năm 2019 là xét tổng điểm 3 môn đạt từ 13 trở lên (điểm từng môn trong tổ hợp phải lớn hơn 1 điểm).

 Em Hoàng Ngọc Mai (THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết em đang rất băn khoăn trước thông tin nhiều trường ĐH đưa điểm xét tuyển đầu vào khá thấp: “Năm 2018, nhiều trường ĐH đưa ra mức điểm sàn xét tuyển khá thấp nhưng khi công bố điểm trúng tuyển thì lại cao đột biến. Điều này khiến em vô cùng lo lắng nếu nộp nguyện vọng xét tuyển vào các trường ở mức điểm của mình”.

Điểm sàn thấp để “vét” thí sinh?

Việc đặt mức điểm sàn thấp khiến nhiều người lo ngại rằng các trường ĐH đang cố “vơ vét” thí sinh để đủ chỉ tiêu tuyển sinh, bất chấp chất lượng đầu vào. Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng không phải tất cả các trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng bởi còn phụ thuộc vào sở thích ngành nghề của thí sinh. “Nhưng cần xác định giáo dục ĐH là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào, các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển” – bà Phụng nhận định. 

Nhiều trường nâng điểm sàn sau khi Bộ yêu cầu giải trìnhChiều 25/7, sau khi Bộ GDĐT chỉ đạo các trường ĐH lấy điểm sàn dưới 14 điểm phải có giải trình, nhiều trường ĐH đã tăng điểm sàn. Cụ thể, Đại học Đà Nẵng điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào Phân hiệu Kon Tum từ 12,5 điểm trước đó lên 14 điểm đối với tất cả các ngành (trừ ngành Giáo dục tiểu học: 18 điểm)Trường ĐH Phú Yên cũng điều chỉnh mức điểm sàn từ 13 điểm trước đó lên 14 điểm tất cả các ngành (trừ các ngành đào tạo sư phạm).Trường ĐH Đồng Tháp đã thay đổi thành 14 điểm đối với các ngành ngoài sư phạm, thay vì 13,5 điểm như thông báo trước đó

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, một số ít trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Đối với những trường hợp này, Bộ GDĐT trao đổi với lãnh đạo nhà trường những thông tin chung về nguồn tuyển, phổ điểm, đánh giá chất lượng của từng ngưỡng xét tuyển… để khuyến cáo các trường cân nhắc trong việc quyết định chính sách chất lượng của trường mình.

“Nếu xác định điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng thấp của mình trong hệ thống. Bộ GDĐT sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo của các trường này để đưa ra khuyến cáo kịp thời” – bà Phụng khẳng định.

PGS-TS Hoàng Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra lời khuyên thí sinh đừng vì điểm sàn thấp mà xáo trộn tâm lý, nhanh chóng thay đổi. Thực tế các trường ĐH đều xét nguyện vọng 1 của thí sinh rồi sau đó sẽ xem xét tới các nguyện vọng còn lại.

Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng, khi các trường được quyền tự chủ sẽ cho trường được nhiều “quyền” hơn, trong đó có việc tự xác định điểm sàn. Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn thu các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào học phí, việc tuyển đủ chỉ tiêu có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển của trường.

“Không thể vì chỉ tiêu hay đảm bảo nguồn thu cho nhà trường mà hạ điểm sàn, sau đó là hạ điểm chuẩn để “vét” thí sinh. Bộ GDĐT đang ưu tiên phát triển giáo dục dạy nghề song song với giáo dục ĐH, những học sinh phù hợp với học nghề hơn thì khuyến khích các em học nghề thay vì cố kéo các em vào đại học”- vị này phân tích. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem