Xét tuyển NV2 tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014: Vẫn có trúng tuyển “rác”

Quốc Hải - Tùng Anh Thứ ba, ngày 16/09/2014 15:46 PM (GMT+7)
Mặc dù đến 31.10 mới là hạn cuối cùng kết thúc việc xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, nhưng thời điểm này nhiều trường công lập đã hoàn tất công việc với điểm chuẩn trúng tuyển cao chót vót. Trong khi đó, nhiều trường phải chật vật để có thí sinh.
Bình luận 0

Điểm trúng tuyển tăng “chóng mặt”

Lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung (NV2) cao gấp 5 - 10 lần chỉ tiêu khiến điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường ĐH công lập tại TP.HCM được đẩy cao chót vót. Theo ghi nhận của phóng viên, điểm chuẩn NV2 ở nhiều trường đều tăng từ 1 - 3 điểm so với điểm NV1; thậm chí có nhiều trường tăng đến 6 - 7 điểm.

Chẳng hạn, tại Trường ĐH Sài Gòn, mức điểm trúng tuyển NV2 tất cả các ngành hệ ĐH, CĐ đều tăng từ 2-3 điểm so với điểm trúng tuyển NV1. Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mức điểm trúng tuyển NV bổ sung các ngành đều tăng 2 - 6,5 điểm so với mức điểm sàn nguyện vọng bổ sung đã công bố trước đó. Cụ thể: ngành Văn học có điểm sàn nhận hồ sơ là 16 nhưng điểm trúng tuyển là 19; ngành Vật lý điểm sàn là 16 nhưng điểm trúng tuyển là 20,5... Cá biệt có ngành Ngôn ngữ Nhật điểm sàn là 21 nhưng điểm trúng tuyển lên tới 27,5.

Một số trường ĐH khác như ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM… dù chưa công bố điểm chuẩn trúng tuyển NV2 nhưng theo dự kiến, nhiều khả năng sẽ tăng từ 1 - 3 điểm so với điểm trúng tuyển NV1. Cá biệt, Trường ĐH Y Dược TP.HCM dù chỉ xét tuyển 100 chỉ tiêu hệ CĐ ngành Dược với điểm nhận hồ sơ là 14 điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà trường cho biết nếu thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 20 điểm (đã gồm điểm ưu tiên) thì không nên nộp hồ sơ vì không có khả năng trúng tuyển.

Tương tự, nhiều trường ĐH phía Bắc điểm chuẩn NV2 cũng khá cao. Cụ thể, điểm trúng tuyển NV2 của ĐH Ngoại thương cơ sở Quảng Ninh dao động từ 18,5 - 19,5 cho 3 chuyên ngành: Kế toán, Quản trị du lịch và khách sạn, Kinh doanh quốc tế. Trường ĐH Thương mại cũng có điểm trúng tuyển tăng hơn nhiều so với điểm sàn xét tuyển. Cụ thể, chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại và Quản trị thương hiệu ở mức điểm 21,5; Quản trị hệ thống thông tin 19,5 và Tiếng Pháp thương mại 17,5...

Chật vật kiếm thí sinh

Trong khi các trường “top” trên phải tăng điểm trúng tuyển gấp nhiều lần vì hồ sơ đăng ký quá nhiều thì không ít trường hạng trung phải chật vật kiếm thí sinh.

Trường ĐH Kinh tế tài chính mới tuyển được 200 sinh viên. Lãnh đạo trường này cho biết sắp tới dự kiến phải tuyển thêm 700 chỉ tiêu các ngành học với điểm… bằng sàn. Ông Nguyễn Quốc Anh – Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Chỉ tiêu của trường là 2.700 nhưng hiện tại hồ sơ vẫn chưa đủ, không có “chọi”. Dự kiến như mọi năm tỷ lệ đến nhập học chỉ đạt 60 – 70 % nên trường sẽ rất khó khăn để tuyển đủ”.

Để có thí sinh, một số trường đã tìm cách “lách luật”. Cụ thể, giữa tháng 8.2014, em Bùi Văn Đức (Phú Xuân, TP.Thái Bình) đã nhận được giấy thông báo của Học viện Công nghệ Bưu chínhViễn thông về việc gửi hồ sơ trúng tuyển mặc dù năm nay Đức không thi tuyển bất kỳ một trường ĐH, CĐ nào (!?). Đức cho biết: “Đã xác định không thi ĐH để học nghề vậy mà chẳng hiểu sao lại có giấy thông báo gọi nộp hồ sơ, làm em rất băn khoăn, không biết có nên nộp hồ sơ đi học không?”.

Được biết, trong thông báo mà Đức nhận được, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông không nói là em trúng tuyển mà “mập mờ” khi viết: “Chúc mừng anh/chị đã đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển và trúng tuyển vào hệ CĐ thực hành của trường”. Đặc biệt, không nói trúng tuyển nhưng trường này yêu cầu thí sinh khi nộp hồ sơ xét tuyển ngoài phiếu đăng ký dự tuyển; công chứng bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận tạm thời, giấy khai sinh, học bạ… còn mang theo học phí học kỳ 1 là 4,5 triệu đồng. Hình thức gọi này không khác gì gọi thí sinh trúng tuyển nhập học.

Khi gọi điện đến Văn phòng Tư vấn tuyển sinh của trường này để hỏi về hình thức đào tạo, chuyên viên của văn phòng này cho biết: “Địa chỉ nhận hồ sơ trúng tuyển là Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông thuộc Học viện. Trung tâm này đào tạo theo hình thức học nghề, bằng do Bộ LĐTBXH cấp chứ không phải bằng của Bộ GDĐT cấp”.

   Ngay khi bắt đầu xét tuyển NV2, Bộ GDĐT đã có văn bản cảnh báo, nghiêm cấm các trường ĐH-CĐ không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển “rác” cho những thí sinh không dự thi ĐH-CĐ vào trường đó. Nếu vi phạm Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh hiện hành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem