GS. TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam
Bắt đầu từ năm học 2016-2017, ĐH Bách khoa Hà Nội được phép tuyển sinh thạc sĩ bằng hình thức xét tuyển. Trước thông tin này, có ý kiến bày tỏ không đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nên để Đại học Bách Khoa làm thử.
Khó nâng cao chất lượng
Chia sẻ với phóng viên, GS. TSKH Phùng Đắc Cam, Phó Hiệu trưởng đại học Thành Đô nói: “Theo tôi, ĐH Bách khoa Hà Nội không nên xét tuyển thạc sĩ bởi như thế chất lượng sẽ kém lắm”.
GS. Cam lý giải, nếu không qua thi cử thì tính chủ quan rất lớn. Trong khi xã hội đang hô hào nâng cao chất lượng giáo dục mà xét tuyển thạc sĩ thì chất lượng sẽ không tốt. Muốn nâng cao chất lượng mà không thi, “chỉ cử” thì không được. Do đó, nếu xét tuyển thạc sĩ thì khó chọn được người tài.
Cũng theo GS. TSKH Phùng Đắc Cam, một số ngành được phép xét tuyển thạc sĩ mà các ngành khác lại không được phép xét tuyển là không công bằng. Bởi ngành nào không cần có người giỏi. Trong một cỗ máy của xã hội, mỗi người giỏi một chút mới tạo nên được một xã hội tốt.
“Cho phép đào tạo thạc sĩ như thế là hồ đồ, không chuẩn. Cần phải có quy chuẩn, nếu Bộ làm thế thì chủ quan quá. Hậu quả, làm cho guồng máy xã hội bị yếu, cán bộ yếu, đất nước phát triển chậm là vì thế”, ông Cam cho hay.
GS. TSKH Phùng Đắc Cam cho rằng, hiện nay đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ quá dễ dãi. Ở cấp trường, viện cũng cấp được bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Đó là lỗi của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT đã hạ thấp tiêu chuẩn xuống khiến các luận án, luận văn tiến sĩ, thạc sĩ hiện nay rất yếu về mặt nội dung. Bằng thạc sĩ, tiến sĩ tính ứng dụng, không giúp ích gì cho xã hội, không đem lại hiệu quả.
“Bản thân tôi chấm rất nhiều đề tài thạc sĩ, tiến sĩ nhưng chưa bao giờ thỏa mãn”. ông Cam nói.
GS. TSKH Phùng Đắc Cam đề xuất, Bộ GD-ĐT nên chú trọng hơn về chất lượng đào tạo sau đại học. Bộ GD-ĐT không nên giao đào tạo sau đại học cho cấp trường hay cấp Viện quản lí và cấp bằng. Vì hội đồng ở trường hay ở Viện cũng vẫn sẽ có sự nể nang, thân thuộc nhau, hàng ngày va chạm, làm việc với nhau, còn lên Bộ sẽ khó hơn.
GS.TSKH Phạm Tất Dong đề xuất Bộ GD-ĐT nên xem lại quy trình đào tạo thạc sĩ trong nhà trường
Cần xem lại quy trình đào tạo
Trong khi đó, GS.TSKH. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, đầu vào xét tuyển hay thi tuyển không quan trọng mà cốt lõi vẫn là chất lượng đào tạo.
“Tôi cũng muốn ĐH Bách Khoa Hà Nội thử nghiệm hình thức xét tuyển thạc sĩ xem chất lượng có tốt hơn thi thạc sĩ như hiện nay không’, ông Dong nói.
Theo GS.TSKH. Phạm Tất Dong, hiện nay đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam thời gian đang “lạm phát”, không có kế hoạch dài hạn về đào tạo, chưa thống kê được từ nay đến năm 2020 mỗi ngành cần bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ.
“Ngành giáo dục đào tạo dở nhiều nên dư luận bức xúc. Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nhưng trình độ không đúng tầm. Có nghĩa là đào tạo nhưng không dùng được”, ông Dong cho hay.
GS.TSKH. Phạm Tất Dong cho biết, thực tế nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH, trình độ kém, không có việc làm, làm luôn thạc sĩ thì chất lượng không tốt cũng đúng. Một số có việc làm nhưng muốn lên cương vị nào đó thì làm thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, nó trở thành một thị trường lớn, và với các cơ sở đào tạo, còn chỉ tiêu thì cứ tuyển.
Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, một số thầy quá dễ dãi, nhiều đề cương không đạt cũng không bị loại. Do đó, để nâng cao chất lượng thạc sĩ, ông Dong cho rằng, Bộ GD-ĐT nên xem lại quy trình đào tạo thạc sĩ ở trường, học viện.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, để cho phép trường ĐH Bách Khoa Hà Nội xét tuyển thạc sĩ, Bộ GD-ĐT đã xem báo cáo thống kê về điểm thi cao học của số sinh viên tốt nghiệp của trường.
Bà Phụng khẳng định: “Chất lượng đào tạo của ĐH Bách Khoa chắc chắn sẽ được nâng cao theo hình thức xét tuyển thạc sĩ”.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sau Đại học Bách Khoa Hà Nội, các trường Đại học muốn được tuyển sinh thạc sĩ bằng xét tuyển phải xây dựng đề án, đảm bảo các điều kiện về chất lượng, trương tự như ĐH Bách Khoa Hà Nội.
“Bộ với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra, siết chặt đầu ta. Đầu ra đại học kiểm soát tốt thì đầu vào thạc sĩ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa”, bà Phụng cho hay.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.