Ai cũng muốn có phần nhiều nhất ở nguồn dầu lửa của Libya và giành về hợp đồng béo bở nhất trong quá trình tái thiết đất nước này. Đương nhiên, những ai hăng hái nhất trong việc phát động và tiến hành cuộc chiến tranh thì cũng nhanh chân xí phần nhất và to tiếng đòi phần lớn nhất. Như Pháp và Anh.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron là những động lực chính trong cuộc chiến tranh ở Libya và vì thế cũng đã vội vàng đến ngay thủ đô Tripoli của Libya sau khi lực lượng nổi dậy làm chủ được thủ đô, chứ không để cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đến đó trước.
Đúng là cái gì cũng có giá của nó và hiện tại đến lúc phe nổi dậy ở Libya phải trả giá cho sự hậu thuẫn về chính trị, quân sự và tài chính của Anh, Pháp và NATO. Không có sự hậu thuẫn này, phe nổi dậy làm sao có thể đánh bại được chính thể của ông Gadhafi ở Libya.
Cái kim để lâu ngày trong bọc cuối cùng cũng lòi ra. Việc bên ngoài xí phần, tranh phần và chia phần thời hậu chiến ở Libya cho thấy mục đích và ý đồ chính của họ khi lợi dụng Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ để tiến hành chiến tranh ở Libya. Họ đều muốn gây dựng vai trò trong việc lật đổ ông Gadhafi để được công nhận có vai trò và vị thế trong thời kỳ chính trị mới ở Libya.
Vậy là chiến tranh được sử dụng làm công cụ để thực hiện lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài ở Libya. Việc ông Sarkozy và ông Cameron cùng đến Tripoli cho thấy ngay đến cả Anh và Pháp cũng không chịu nhường nhau. Xí phần như thế cũng còn là cách áp đặt sự lệ thuộc của phe nổi dậy vào các quốc gia này. NATO, Anh và Pháp đã giúp họ đâu có vô tư và vô điều kiện.
Triệu Anh Túc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.