Tự tìm kinh phí để hoạt động
Được thành lập từ năm 2006, CLB Dân ca thôn Liêm Bắc (xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) có 15 thành viên, người lớn tuổi nhất cũng đã quá lục tuần, người trẻ nhất cũng đã 30 tuổi. Họ là những người đàn ông suốt cuộc đời gắn bó với mặn mòi biển cả, là những người phụ nữ gắn chặt đời mình với gánh gồng mưu sinh của nghề biển bãi ngang... Thế nhưng, tự sâu thẳm trong tâm hồn của những ngư dân ấy là tình yêu ca hát và nỗi niềm đau đáu giữ lấy những làn điệu dân ca quê nhà.
Tự mày mò, tìm hiểu nhưng các thành viên CLB đều biết chơi nhạc cụ. Phan Phương
Chúng tôi tìm về vùng biển bãi ngang Ngư Thủy Nam đúng vào ngày CLB có buổi sinh hoạt định kỳ (15 và 30 âm lịch hàng tháng). Có một điều rất lạ, khi những con người tưởng chỉ biết “ăn sóng nuốt gió” ấy cất lên lời hát thì giọng ca lại ngọt ngào, da diết đến mê say lòng người. Họ hát thuần thục nhịp điệu của dân ca Bình Trị Thiên, nhất là hò khoan Lệ Thủy như thể những làn điệu quê hương ấy đã ăn sâu vào máu thịt, tâm hồn mình.
Chỉ là những người ngư dân suốt đời gắn mình với vùng biển quê nhà và cũng không được học qua một lớp nhạc lý nào nhưng trong CLB, loại nhạc cụ nào cũng có đủ cả, từ sáo, trống, đến đàn nhị, đàn nguyệt, mandolin... Đó là kết quả của sự mày mò tìm hiểu và tự học hỏi lẫn nhau của các thành viên CLB.
Đến giờ thì hội diễn cấp xã, cấp huyện nào cũng có sự tham gia của CLB dân ca nơi vùng biển bãi ngang Ngư Thủy Nam này. Năm nào họ cũng được mời tham gia biểu diễn tại Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Đồng Hới (Quảng Bình).
Ông Nguyễn Hữu Tiềng - Chủ nhiệm CLB cho biết, để có thể duy trì hoạt động, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn, thành viên CLB đã phải tìm mọi cách để tạo nguồn kinh phí. Các thành viên CLB đã tự nguyện hiến đất và xin thêm đất của địa phương để ươm cây giống, trồng kiệu và sản xuất kiệu muối đem bán để có kinh phí hoạt động. Ngoài công việc mưu sinh hàng ngày, những ngày không biểu diễn, các thành viên CLB lại cùng chăm sóc cây, ươm giống, bán cây… Nhờ số tiền tự làm được mà CLB đã duy trì tốt hoạt động của mình.
Cuộc sống vốn đã vất vả bởi gánh nặng mưu sinh nay lại càng bận rộn hơn bởi công việc “vác tù và hàng tổng” ấy, nhưng với những con người đam mê ca hát ở miền quê cát trắng này, đó là niềm vui khôn tả. Trong số những con người đang say mê với điệu hát, câu hò hôm nay, có không ít những người đã từng là người lính, là những nữ pháo binh Ngư Thủy anh dũng ngày nào. Xưa, họ chắc tay súng để giữ yên biển trời quê hương, thì nay, khi mái tóc đã bạc màu quá nửa, họ lại làm cho quê mình đẹp hơn bởi điệu hò, tiếng hát…
Giữ gìn cho đời sau
Hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa quý báu mà bao nhiêu thế hệ người con của mảnh đất bên dòng sông Kiến Giang này đã tích lũy, sáng tạo và chắt chiu gìn giữ. Mái hò khơi và hò nậu xăm là 2 trong 9 mái hò của hò khoan Lệ Thủy, là điệu hò đặc trưng của cư dân vùng biển bãi ngang Ngư Thủy. Hai mái hò độc đáo này ra đời và được sử dụng trong lao động chèo thuyền đường trường và kéo khép xăm (lưới kéo) thu hoạch cá. Giữa biển cả mênh mông, giọng hò cất lên như lời động viên, khích lệ để những người ngư dân vững tay chèo thuyền, kéo lưới. Khi thuyền máy ra đời, hai mái hò này cũng tưởng như mai một đi theo những chiếc thuyền chèo tay ngày trước, nhưng người dân vùng biển Lệ Thủy vẫn quyết tâm giữ lấy nét văn hóa nghệ thuật mang đậm hồn vía của quê hương mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Thiếu- thành viên CLB Dân ca thôn Liêm Bắc thì hai mái hò khơi và hò nậu xăm này cũng chi phối bởi tiết nhịp 4/4. Hò khơi gần giống như hò mái nhì Huế nhưng khỏe khoắn hơn, dứt khoát hơn khi dồn lực đẩy mái chèo. CLB chủ yếu tập luyện và biểu diễn hai mái hò đặc trưng vùng biển này để góp phần níu giữ lại nét văn hóa quê hương đang có nguy cơ mai một.
Thời gian qua, CLB Dân ca thôn Liêm Bắc còn tham gia hướng dẫn, dạy hò khoan Lệ Thủy cho học sinh trường tiểu học và THCS trên địa bàn. “Chúng tôi sợ một ngày không xa nữa, lớp trẻ sẽ quay lưng lại với chính những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có làn điệu hò khoan quê nhà, nên tham gia biểu diễn vừa là cách để thỏa mãn đam mê, vừa để con cháu biết đến và thấm dần điệu hò khơi, hò nậu xăm” – ông Thiếu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.