6,8% số HTX nông nghiệp chưa giải thể
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, từ khi Luật HTX năm 2012 chính thức có hiệu lực ngày 1.7.2013, đến nay đã có 2.366 HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa được giải thể, sáp nhập và chuyển sang hình thức sản xuất, kinh doanh mới. Nhiều địa phương đã hoàn thành công tác giải thể, giải quyết dứt điểm các HTX nông nghiệp kém hiệu quả, ngừng hoạt động như Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang…
Sơ chế rau tại HTX rau an toàn Tứ Xã (Phú Thọ). Ảnh: Trịnh Hà
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX yếu kém đã ngừng hoạt động. Theo đó, các địa phương hướng dẫn HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa...
|
Dù vậy, cả nước vẫn còn 795 HTX đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể (chiếm 6,8% tổng số HTX nông nghiệp), tập trung tại 37 tỉnh, thành phố. Trong đó, Bắc Giang là tỉnh có số HTX yếu kém chưa giải thể nhiều nhất (115 HTX), tiếp đến là Hà Nội (53), Hải Phòng (49), Đăk Lăk (49)…
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, thực tế, nhiều HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 song nhiều nơi vẫn còn tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm chưa gắn với nhu cầu của thị trường... Đơn cử như tại Hà Nội, thành phố hiện có 1.284 tổ hợp tác, 1.717 HTX và quỹ tín dụng nhân dân; đã có 1.452 đơn vị chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, chiếm 95%. Tuy nhiên, đa số các HTX quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn hoạt động, khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến công tác giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp gặp khó khăn. Thứ nhất là bất cập trong xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản không chia của các HTX. Thứ hai là xử lý công nợ của các HTX gặp khó khăn do nhiều HTX đã ngừng hoạt động từ lâu. Thứ ba, thiếu một số hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi HTX sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác…
Giải quyết dứt điểm trong tháng 1.2019
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 98/2018 và Quyết định số 461/QĐ-TTg về phát triển 15.000 HTX hoạt động hiệu quả và liên kết sản xuất, trong đó có nội dung tiếp tục xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX yếu kém đã ngừng hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX yếu kém, Bộ NNPTNT vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố. Theo đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NNPTNT các địa phương có giải pháp cụ thể, hướng dẫn các HTX yếu kém và tạm ngừng hoạt động củng cố tổ chức bộ máy và thành viên với quy mô phù hợp; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của HTX; đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ của HTX, trong đó có việc thu hút trí thức trẻ về làm việc.
Bộ NNPTNT cũng đề nghị tạo điều kiện cho HTX tham gia các hoạt động công ích, dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại khu vực nông thôn; thu hút doanh nghiệp để liên kết với HTX cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với 37 tỉnh, thành hiện nay còn HTX nông nghiệp đã ngừng hoạt động lâu ngày, Sở NNPTNT tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tập trung vận động, hỗ trợ và hướng dẫn các HTX này giải thể tự nguyện hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh khác. Trường hợp không thể thực hiện được các hình thức trên thì UBND cấp huyện thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc theo quy trình.
Các tỉnh, thành phố hiện nay còn HTX nông nghiệp đã ngừng hoạt động lâu ngày cần báo cáo kết quả thực hiện giải thể hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh khác đối với các HTX này về Bộ NNPTNT trước ngày 5.1.2019; nếu chưa hoàn thành tiến độ cần nêu rõ lý do, khó khăn vướng mắc và cam kết thời điểm hoàn thành.
Theo ông Ma Quang Trung, hiệu quả của công tác giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc các địa phương có thực sự vào cuộc hay không. Ví dụ, tại Nam Định, một trong số ít địa phương hoàn thành chuyển đổi HTX theo luật và giải thể 100% HTX đã ngừng hoạt động, toàn bộ tài sản cố định của các HTX được chuyển cho UBND xã quản lý, sau đó chuyển thành các công trình dịch vụ công ích cho HTX mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.