Như vậy, kể từ nay, trại trâu Nghĩa Hành đã chính thức bị xóa tên sau 22 năm tồn tại.
Giống trâu Mura lịch sử
Từ món quà của Thủ tướng Ấn Độ- bà Indira Gandhi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau ngày đất nước thống nhất, đàn trâu Mura nhanh chóng phát triển dưới bàn tay cần mẫn và đầy kinh nghiệm của Anh hùng Lao động Hồ Giáo tại trại trâu thuộc Nông trường Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước ngày nay).
|
Anh hùng Hồ Giáo với đàn trâu Mura tại trại Nghĩa Hành. |
Sau đó, năm 1990, ông Hồ Giáo về hưu và trở lại quê nhà tỉnh Quảng Ngãi. Một phần của món quà ấy lại tiếp tục theo chân ông về "định cư" tại xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Cứ tưởng 15 con trâu giống nọ sẽ thành nòng cốt trong việc "Mura hóa" đàn trâu cỏ trong tỉnh, thế nhưng kỳ vọng đó đã không thành hiện thực. Ông Hồ Giáo, một lần nữa lại gắn chặt đời mình với đàn trâu tới 20 năm sau đó (năm 2010). Điều đáng buồn là, số trâu trong trại không những không phát triển, mà ngày một "vơi" dần, để bây giờ chỉ còn 8 con, trong đó có 2 con cũng sắp chết.
Trâu Mura (Murrah) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nó còn có tên là trâu Dehli- trung tâm của giống trâu này. Trâu Mura có khả năng cho sữa tương đối cao, sản lượng sữa trung bình 2.600 - 2.800kg trong chu kỳ vắt 270-300 ngày.
Báo cáo của Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau 22 năm tồn tại, đàn trâu Mura đã sinh sản và chuyển giao về với các hộ dân được 45 con. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, số liệu trên đây cũng cần phải xem lại. Thậm chí, nếu đúng như vậy, thì cũng có nghĩa, mỗi năm giống trâu Mura từ trại trâu Nghĩa Hành chỉ nhân thêm được… 2 con (!?). Một số lượng quá ít ỏi so với kỳ vọng ban đầu.
Vì sao phải xóa sổ trại trâu?
Với kết quả như trên, câu hỏi đặt ra ở đây là, có phải ông Hồ Giáo kém cỏi trong việc nhân giống trâu Mura hay vì những lý do khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Giáo có tiết lộ một chi tiết khá thú vị, nó cắt nghĩa vì sao, suốt 22 năm tồn tại mà đàn trâu Mura vẫn giậm chân tại chỗ, tốn kém cho ngân sách không biết bao nhiêu tiền mà hiệu quả thì chẳng được là bao.
Theo ông Giáo, lúc đàn trâu Mura bắt đầu sinh sản, ông có đề nghị thả số trâu nghé Mura chung với đàn trâu cỏ cùng lứa, nhằm mục đích để trâu cỏ và trâu Mura phối giống lai tạo với sau. Thế nhưng, đề nghị đó của ông Giáo đã không được thực hiện do tỉnh Quảng Ngãi lúc đó không đồng ý.
Hồ Giáo, người đã 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho cùng một công việc là nuôi trâu bò cũng đã "về hưu lần thứ 2" sau 20 năm gắn bó với đàn trâu Mura ở trại trâu Nghĩa Hành. Đợt "chuyển trâu về hộ dân" lần này như là phần chú giải thêm về một câu chuyện mà ai cũng biết trước kết cục của nó. Không thể trách được gì về vị "thủ lĩnh" Hồ Giáo với đàn trâu Mura ở Nghĩa Hành. Nếu có trách, thì cũng là trách cho sự thiếu quyết đoán của các nhà quản lý ở tỉnh Quảng Ngãi là tại sao không "giải tán" sớm đàn trâu không mang nhiều ý nghĩa về kinh tế này chứ không phải đợi đến hôm nay mới "tính sổ" nó?
Trần Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.