Xoay xở liên kết vùng để giảm kẹt xe

Nguyễn Hữu Thứ tư, ngày 29/03/2017 06:25 AM (GMT+7)
Theo Sở GTVT TP.HCM, những năm qua, nhiều dự án giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh thành trong khu vực đã được thực hiện. Có thể kể đến, như: Dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (kết nối thành phố với các tỉnh miền Tây); Dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (kết nối TP.HCM với các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và một số tỉnh thành trong khu vực).
Bình luận 0

Năm 2016, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm thống nhất rà soát hệ thống giao thông trong vùng. Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đưa ra đề án kết nối hệ thống trục chính của TP.HCM với các tỉnh lân cận. Trong đó, đề xuất kéo dài đoạn kết nối vành đai 2 - vành đai 3, nâng cấp ĐT743C kết nối đường vòng cung Tây Bắc qua cầu Phú Long; xây dựng tuyến nối tắt ĐT741 từ khu vực Tân Lập - Bình Phước đến khu vực đầu đường QL51 - Đồng Nai…

img

  Nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị quá tải và thường xuyên ùn tắc giao thông.  Ảnh: N.H 

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, việc liên kết giao thông trong vùng chưa theo kịp tốc độ phát triển. Kết nối giao thông trong khu vực chưa được đầu tư đúng mức khiến việc đi lại phải kéo dài hành trình. Đại diện Sở GTVT TP.HCM đánh giá, quy hoạch giao thông kết nối giữa TP.HCM với khu vực có khá sớm nhưng do thiếu nguồn lực nên việc kết nối còn chậm. “Để kết nối giao thông thuận tiện trong khu vực, Sở GTVT TP.HCM đã làm việc với lãnh đạo sở GTVT các tỉnh trong vùng để cùng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Công tác này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới” - vị đại diện này cho biết.  

Hiện dân số tại TP.HCM đã vượt 10 triệu người, lượng phương tiện do TP.HCM quản lý gần 8 triệu. Ngoài ra, hàng ngày các tuyến đường thành phố còn “cõng” hàng triệu phương tiện mang biển số các tỉnh khác. GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhìn nhận, hạ tầng đô thị đang quá tải và thành phố đang loay hoay tìm cách giải quyết. Với thực trạng này, thành phố chỉ có thể “cứu” được mình nếu thực hiện được liên kết vùng. Thành phố không thể “ôm” 10 triệu dân bởi đây là sức ép rất lớn mà cần phát triển hạ tầng giao thông,  giãn dân ra ngoại thành, ra các tỉnh lân cận. “Chỉ có liên kết vùng mới cứu được thành phố nhưng làm điều đó cần có sự vào cuộc của T.Ư” - ông Hòa nói.

Ông Nguyễn Kim Lăng - nguyên Phó Tổng Giám đốc TEDI cho rằng, việc giãn dân ra các tỉnh trong vùng là đúng. Khi đó giao thông sẽ quyết định mức độ giãn như thế nào. Theo phân tích của ông, trong bán kính 15km tính từ trung tâm thì cần có hệ thống giao thông nội đô hoàn chỉnh. Còn từ 30km trở lên thì cần hệ thống giao thông vành đai, giao thông có khối lượng chuyên chở lớn, tốc độ cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem