Xóm đảo chơi vơi nơi cửa biển Sào Lưới, ai nhìn thấy cũng phải chạnh lòng

Chúc Ly Thứ hai, ngày 04/01/2021 09:00 AM (GMT+7)
Với vị thế 2 mặt giáp sông, một mặt giáp rừng phòng hộ và biển, “xóm đảo” nằm chơi vơi nơi cửa biển Sào Lưới (thuộc ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau). Đây là xóm nhà hình thành và tồn tại hơn 30 năm nay.
Bình luận 0

Bếp bênh "xóm đảo"

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp quay trở lại "xóm đảo" này sau 3 năm. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn vậy, thiếu thốn và bấp bênh. Vẫn những gương mặt quen nhưng cằn cỗi hơn vì gió biển đón chúng tôi.
Nếu có khác chỉ là cây cầu gỗ nối liền các ngôi nhà trước đây nay được thay bằng cầu bê tông.

Theo những người đầu tiên ra ở đây, "xóm đảo" này trước kia dài hơn 300m, qua thời gian, sóng biển xâm thực, nay chỉ còn hơn 100m. Toàn xóm có khoảng 22 hộ với khoảng 90 nhân khẩu, nhưng một nửa là hộ nghèo và cận nghèo.

Xóm đảo nơi cuối đất những ngày cuối năm - Ảnh 1.

“Xóm đảo” của những năm trước. Ảnh: Chúc Ly

Giờ đây, ngoài chuyện lo tìm nước sinh hoạt hay canh nước biển dâng thì bà con "xóm đảo" còn râm ran câu chuyện "tái định cư". Chuyện đi hay ở giờ đã không còn nhiều suy tính, bởi người ta quan niệm rằng "cứ an toàn" rồi tính tiếp.

Ai đặt chân đến "xóm đảo" cũng phải chạnh lòng, bởi cảm giác đầu tiên đó chính là sự bấp bênh. Hàng chục năm nay, bà con nơi đây sống trong cảnh không đường sá, không nơi vui chơi cho trẻ em và biệt lập với các khu vực dân cư khác. Gần như nhà ở của người dân nơi đây đều phải làm nhà sàn, từ nhà này nhà sang nhà khác chỉ có một cây cầu duy nhất.

Chỉ tay vào đàn vịt gần chục con chen chúc nhau trong chiếc chuồng trước ngôi nhà sàn, bà Lý Thị Sáu (63 tuổi), một trong những người đầu tiên ra ở "xóm đảo" chia sẻ: "Bao nhiêu đó là để dành ăn tết đó cô. Thấy vậy chứ nuôi cực lắm, mấy chục con vịt chết lần hồi, bây giờ còn nhiêu đó. Ở nhà một mình cũng buồn nên tôi kiếm chuyện làm".

Bà Sáu hiện đang sống cùng chồng và đứa con trai. Bà cũng như nhiều hộ khác ở đây, ảnh hưởng của cơn bão số 5 (năm 1997) khiến gia đình bà mất nhà, lại không có đất sản xuất nên ra "xóm đảo" tìm nơi cất nhà sinh sống.

Xóm đảo nơi cuối đất những ngày cuối năm - Ảnh 3.

Những căn nhà sàn tạm bợ sẽ khó lòng chống chọi với sóng to, gió lớn. Ảnh: Chúc Ly

Chị Thái Thị Xưa (30 tuổi) quê gốc ở tận TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu theo chồng về đây từ hồi mới lớn. Chị kể: "Giờ đã là mẹ 2 con rồi, đứa nhỏ cũng đã học lớp 2. Ở đây điện thì xài kiểu chia hơi (kéo nhờ người khác); còn nước thì cũng chia luôn. Nhà nào có môtơ bơm nước thì chia lại cho các hộ khác trong xóm. Gọi là chia lại để lấy tiền trả tiền điện, chứ không có bán chác gì, vì ai cũng khổ. Nước có vị hơi mặn nhẹ chứ không ngọt như chỗ khác, dùng sinh hoạt thì được còn nước uống phải đổi nước bình".

Tại đây, trẻ em muốn đi học cũng cách trở đủ đường. Những năm trước, bọn trẻ phải đi bằng xuồng. Nay nhờ đường sá được xây dựng nhiều, trẻ con chỉ cần dùng xuồng bơi khoảng 20m sang bờ đối diện, sẽ có thể đến trường bằng xe đạp.

Giữa "xóm đảo" và các khu dân cư khác giờ cách nhau không quá xa. Tuy vậy, trẻ con không có điều kiện tiếp cận đến các khu vui chơi giải trí. Trò chơi thường thấy của các em là tụm lại rồi mò ốc, mò cua.

Xóm đảo nơi cuối đất những ngày cuối năm - Ảnh 4.

Nằm cách biệt với các khu dân cư khác khiến trẻ em “xóm đảo” thiếu thốn đủ điều. Ảnh: Chúc Ly

Xóm đảo nơi cuối đất những ngày cuối năm - Ảnh 5.

Đánh bắt thủy sản gần bờ là nghề chính của bà con “xóm đảo”. Ảnh: Chúc Ly

Ngoài điều kiện sống thiếu thốn, các hộ dân ở đây còn đang bị đe dọa bởi nước biển dâng.

Bà Tô Thị Mai (60 tuổi), cho biết: "Lúc trước gia đình tôi có vuông, nhưng rồi làm ăn thất bát. Tới hồi bão số 5 thì nhà sập, gia đình buộc phải gồng gánh nhau ra đây cất nhà ở. Hồi đó, khu này vẫn còn đất nhiều chứ không như bây giờ. 

Những năm sau này, khi cất nhà mới thì hầu như hộ nào cũng phải nâng sàn, nếu không nước ngập hết. Có người đang ngủ thì giữa đêm nước lên ngập tới lưng. Còn chuyện gió thổi tốc nóc nhà thì như cơm bữa, riết rồi ai cũng quen với điều đó".

Chỉ tay vào dấu nước còn in trên vách nhà, ông Nguyễn Văn Đông (56 tuổi) cho biết: "Không hiểu sao vài năm nay nước lên cao quá. Như nhà tôi đây, tính đầu năm tới nay đã bị ngập 3 lần. Cứ đà này qua tết này phải kiếm tiền để nâng cái nền nhà mới ở nổi".

Chật vật mưu sinh

Ông Đông cũng như hầu hết đàn ông ở "xóm đảo" là lao động chính cho gia đình với nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. Những người khá giả một chút thì có ghe riêng, còn phần đông thì đi làm thuê cho các ghe cá. Mấy năm nay, nguồn lợi thủy sản bị giảm sút nên thu nhập ngày càng giảm.

"Nghề đi biển ở đây cũng bấp bênh lắm. Một năm, tính đi tính lại thì chỉ đi được mấy tháng biển êm. Đến chuyến biển thì hầu hết đàn ông trong xóm đều đi làm, mỗi lần đi như vậy chừng 4-5 ngày. Mỗi chuyến như vậy kiếm được vài triệu đồng. Có đi biển được thì mới có cái ăn, còn không thì khổ"- ông Đông chia sẻ.

Nếu trước đây, khi hỏi rằng các hộ có muốn di dời đi chỗ khác, thì đa số đều trả lời là "lên trên thì lấy gì mà sống", bởi biển chính là nguồn sống của họ.
Còn bây giờ, cảm nhận được thay đổi của thiên nhiên, những hiểm nguy rình rập, các hộ ở đây bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn đến sự an toàn của gia đình.

"Di dời cũng được, nhưng chúng tôi mong muốn được ở chỗ nào thuận tiện cho nghề biển, có nơi neo đậu ghe, xuồng. Bởi nếu bỏ nghề biển thì chúng tôi biết lấy gì để sống"- bà Quách Thị Thứa (45 tuổi) bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Bắc - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: "Xã cũng đã hình thành được 2 khu tái định cư, sẵn sàng hỗ trợ người dân của "xóm đảo" đến ở. Trong quy hoạch tái định cư, chúng tôi cũng tính đến việc sắp xếp chỗ neo đậu phương tiện đánh bắt của người dân. Tái định cư phải gắn với sinh kế thì mới giữ chân được người dân". n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem