“Xóm goá phụ”: Nơi những mảnh đời sống lay lắt

Thứ bảy, ngày 11/01/2014 10:41 AM (GMT+7)
Đó cũng là một xóm bình thường như bao thôn xóm khác, éo le ở chỗ trong xóm ấy có rất nhiều góa phụ. Cuộc đời của những góa phụ ấy vốn truân chuyên về chuyện chồng con, nay lại còn lâm vào hoàn cảnh cơ cực và bần hàn
Bình luận 0
Không có chồng con , anh em họ hàng lại ở xa, họ sống một mình trong những căn nhà nhỏ với vô vàn khổ cực và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Có chồng hờ hững cũng như không”!

Với một người phụ nữ, điều hạnh phúc và tuyệt vời nhất là có một gia đình đầm ấm và một người chồng hết mực yêu thương mình, vậy mà những người phụ nữ ở thôn Thượng Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lại không may mắn có được diễm phúc ấy. Trước đây, cũng có người lấy chồng sinh con, nhưng sau đó chồng đổ bệnh và ra đi, có người thì chung sống vài năm nhưng vì nghèo khổ quá nên chồng cũng bỏ đi biệt tăm, cũng có nhiều trường hợp éo le hơn là vì lỡ “trót dại” và không ai chịu thừa nhận. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng đọng lại trong họ là những nỗi cơ đơn, thường sống trong trạng thái vò võ và lạc lõng với cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Tẻo bên căn nhà nhỏ lụp xụp và tồi tàn
Chị Nguyễn Thị Tẻo bên căn nhà nhỏ lụp xụp và tồi tàn

Đặc điểm chung của họ là rất nghèo, và nợ nần chồng chất. Bởi lẽ có chồng cũng như không. Người chồng thường là người chèo lái gia đình, nhưng chẳng may chồng đổ bệnh phải chữa trị thế là lâm cảnh nợ nần. Nhưng rồi người bệnh cũng không qua khỏi nên nợ chồng lên nợ. Cứ thế họ phải oằn lưng trả nợ và nuôi con, cuộc sống khó khăn vốn dĩ càng khó khăn thêm.

Cũng có nhiều góa phụ khác thì khi lấy chồng gia cảnh đã nghèo khổ từ trước, lấy nhau về, người chồng không chịu khổ được nên bỏ đi biệt không về. Có người ra đi cũng muốn làm ăn kiếm chút vốn quay về nhưng không may đổ bệnh và chết luôn ở trong Nam, thành ra niềm hy vọng về chồng trở nên vô vọng. “Số họ khổ vậy đó chú à!” – một người trong xóm thở dài.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, bí thư chi bộ xóm Thượng Sơn cho biết toàn bộ xóm có 248 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, đa số là trung niên và người già, còn người trẻ thì thường đi học ở xa và sau đó lập nghiệp ở nơi khác chứ ít khi về quê sinh sống. Toàn bộ xóm có tới 12 hộ góa chồng, trong đó có 6 trường hợp dưới 50 tuổi, còn lại thì đều trên 50 tuổi. Ông Thanh cũng thông tin thêm rằng hiện trong xóm có rất nhiều góa phụ có cuộc sống rất khó khăn, phải sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng: “Có người thì sống một mình mấy chục năm nay rồi, có người thì bệnh tật triền miên không ai chăm sóc. "Cũng khổ lắm chú ạ, làng xóm cũng chỉ giúp đỡ được những phần nhất định thôi” – vẫn lời ông Thanh.

Những số phận góa phụ sống lay lắt, cơ cực, bần hàn…!

Mỗi người mỗi cảnh và mỗi nỗi niềm riêng, nhưng chung quy với những người góa phụ ở đây nỗi khổ tâm về cái nghèo đói đeo đẳng, về cuộc sống lay lắt trong những căn nhà nhỏ lụp xụp và tồi tàn là nỗi khổ tâm lớn nhất.

Được sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Hữu Thanh, tôi đã tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Tẻo (50 tuổi), trú tại xóm Thượng Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Gặp tôi, chị Tẻo bảo rằng: “Cha không có, mẹ không có, anh em không có. Tui ở một mình và sống nhờ hàng xóm”. Chị Tẻo có hoàn cảnh và số phận rất éo le, khi mới lọt lòng chị đã bị dị tật đi lại không được phải chống gậy. Căn nhà chị sống là một cái “lều” lụp xụp đủ để chị đi ra đi vào, năm nay đã 50 tuổi thế nhưng chưa hề được nếm trải hạnh phúc chồng con. Do ngoại hình của chị không được như bạn bè cùng trang lứa, đã vậy trong người mang bệnh tật nên ai cũng “ngại” đến với chị, thành ra đến bây giờ chị vẫn một mình lẻ bóng. Chị Tẻo tâm sự rằng: “Nằm một mình buồn lắm!”. Đi lại thì khó khăn, ốm đau không có ai chăm sóc, có nhiều lúc chị ngẫm rằng sao số phận lại trớ trêu và bất công với mình đến vậy.

Rời nhà chị Tẻo, ông Thanh dẫn tôi đến nhà của một góa phụ khác ở xóm Thượng Sơn, đó là nhà bà Đặng Thị Nghị (75 tuổi). Khi tôi hỏi chuyện bà Nghị không giấu được vẻ buồn bã, bà Nghị cho biết rằng bà lấy chồng năm 22 tuổi, bà và chồng sống hạnh phúc và lần lượt sinh ra 3 người con, nhưng chồng và hai con lớn lần lượt ra đi bỏ lại mình bà với đứa con gái út trong căn nhà nhỏ tồi tàn. Từ đó bà một mình nuôi con khôn lớn. Bây giờ con gái bà đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn nên không thể giúp đỡ, thành ra đã 75 tuổi rồi bà vẫn phải một mình bươn chải.
Cô Nguyễn Thị Từ đầy trầm tư khi kể về cuộc đời của mình
Cô Nguyễn Thị Từ đầy trầm tư khi kể về cuộc đời của mình

Với thân già còm cõi sống một mình như vậy nhưng đã bao nhiêu năm qua bà Nghị không hề được hưởng bất cứ trợ cấp gì từ phía xã hội. Cách đây khoảng mười năm, còn sức khỏe, bà Nghị làm ruộng, giờ sức khỏe đã yếu, bà cho người khác thuê đến mùa lấy vài cân gạo để làm bữa ăn hằng ngày. Đôi lúc hàng xóm thấy thương tình mua cho bà ít thức ăn. Cứ thế, bà một mình sống cực khổ về vật chất cũng như giày vò về nỗi đau tinh thần. Nói về cái duyên chồng con của mình, bà thở dài, bà bảo nhiều khi cứ ngồi ở cửa nhà nhìn ra và trông ngóng: “Số tui có con, có chồng mà cũng như không vậy đó chú. Giờ tui chỉ mong sao đứa con của mình sống vui vẻ, hạnh phúc, và số phận đừng có éo le như tui là được” – bà Nghị trầm ngâm.

Cách nhà bà Nghị không bao xa là nhà chị Nguyễn Thị Từ (55 tuổi), vào nhà chị Từ và nghe những tâm sự của chị, tôi mới thấy được sự tréo ngoe của những phận đời góa phụ. Chị Từ kể rằng nhà chị rất nghèo, chị lấy chồng từ năm 21 tuổi, những tưởng khi có chồng cuộc sống của chị sẽ bớt nghèo khổ đi và hạnh phúc sẽ mỉm cười với chị. Nào ngờ sự đời lại oái oăm, lấy chồng được 1 năm thì chị sinh con nhưng đứa con sớm mất đi. Thấy vậy, người chồng đã đuổi chị về nhà mẹ, đến khi mẹ chị mất, chị sống một mình từ ngày đó đến bây giờ.

Điều đáng nói hơn là chị Từ hiện đang mang trong người rất nhiều chứng bệnh, chị có tiền sử bị bệnh tim và hiện tại thì chị đang mắc bệnh tiểu đường, cộng thêm tuổi đã cao nên dường như chị không thể lao động sản xuất để kiếm thêm thu nhập. Hằng tháng chị chỉ được khoản trợ cấp xã hội 180.000 đồng của xã để lo chạy thuốc thang. Còn lại chị chỉ biết trông mong vào sự giúp đỡ của làng xóm để sống cho qua ngày đoạn tháng. Nỗi khổ tâm nhất với chị là không có con cái và họ hàng thân thích, chị bảo rằng nhiều khi chị buồn và cô đơn lắm: “Người ta khi ốm đau bệnh tật có con cái chăm sóc, mình thì…!” - chị Từ gạt nước mắt.

Họ có một điểm chung là rất mau nước mắt khi tâm sự về cuộc đời mình, về những éo le duyên phận, về nỗi bất hạnh khi không có con cái. Chị Từ bảo rằng nhiều đêm chị nằm mà không ngủ được, nghĩ tới cảnh người ta có vợ chồng con cái sum vầy mà lòng chị nghẹn đắng, hai hàng nước mắt chị cứ thế tuôn trào. Riêng bà Nghị thì bà bảo bà không còn nước mắt để khóc, đôi mắt bà đã mờ dần, mỗi khi nghĩ tới phận mình bà lại nghe trong lòng đau như cắt, trước mắt là một bóng mờ, mờ mịt như những tháng ngày sắp sửa đi qua cuộc đời còn lại của bà.
Rời xóm Thượng Sơn, tôi chợt nhớ tới câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Hai câu thơ này cũng bao quát được số phận của những góa phụ nơi đây, họ nghèo khó, truân chuyên và đa đoan về chồng con, thế nhưng họ không hề buông xuôi trước số phận, vẫn cố gắng sống tốt với những nghiệt ngã và bất công của cuộc đời. Đó là một điều rất đáng quý và đáng khâm phục ở họ!
Đức Hùng (Dòng Đời) (Đức Hùng (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem