Xóm trọ 15.000 đồng giữa Thủ đô của ông Hiệp “khùng”

Thu Hương Thứ tư, ngày 06/06/2018 12:06 PM (GMT+7)
Giữa cái nóng oi bức, ông Nguyễn Thế Hiệp (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn xắn tay áo, lau dọn những căn phòng trọ của người nhà bệnh nhân và nói đùa rằng: "Ngoài kia, nhiều người gọi tôi là lão khùng". 
Bình luận 0

“Nhiều người gọi tôi là lão khùng”

Những ngày cuối tháng năm, từng trận nắng như đổ lửa dội thẳng xuống đường phố khiến ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi. Còn trong Bệnh viện Nhi Trung ương, làn gió yếu ớt từ chiếc quạt giấy cũ mèm của người nhà bệnh nhân càng làm không khí xung quanh thêm phần bức bối, tiếng trẻ nhỏ gào khóc vì bệnh tật, vì đau đớn như xé nát cả dãy hành lang chật cứng toàn người là người. 

Họ đều là các bậc làm cha mẹ, lặn lội đưa con cái từ tỉnh xa xuống thủ đô chữa bệnh. Đa phần đều khó khăn trăm bề nên đành thức thâu đêm suốt sáng, ăn chờ ở trực trong viện nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt và thuê mướn phòng trọ.

"Giá phòng trọ đắt đỏ, rẻ nhất cũng gần trăm ngàn một ngày. Chúng tôi xác định đưa con lên chữa bệnh dài ngày, vậy lấy đâu ra tiền để thuê mướn chỗ ở tử tế - trong khi viện phí cho con phải vay mượn khắp nơi mà vẫn thiếu", chị Lan (quê Thanh Hoá) cho biết. 

Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi) đã quyết định dành riêng dãy phòng trọ với tổng cộng 4 khu, có sức chứa khoảng hơn 120 người một lúc ngay gần Bệnh viện Nhi Trung ương để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

img

Chân dung ông Hiệp "khùng". (Ảnh: Thu Hương)

Ngoài ra, ông cũng lấy mức giá cho thuê rất rẻ, chỉ 15.000 đồng/ngày đêm/ người, lại đầy đủ cả điều hoà cùng các tiện nghi sinh hoạt khác như ti vi, wifi, truyền hình cáp, nồi cơm điện, quạt, giường ngủ, chăn, gối.

"Tôi luôn quan niệm rằng, dẫu cuộc sống trở nên vất vả hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng điều đó cũng giúp mọi thứ đẹp đẽ và hạnh phúc hơn rất nhiều!", ông Hiệp cho biết.

Trải qua hơn chục năm tồn tại, tiếng lành đồn xa nên quanh khu vực Bệnh viện Nhi Trung ương, chẳng có ai là không biết tới lão Hiệp “khùng” – người vẫn miệt mài ghé tới từng khoa khám chữa bệnh mỗi ngày để phát giấy giới thiệu về dãy nhà trọ giá rẻ của mình.

img

Con ngõ nhỏ vào khu nhà trọ của ông Hiệp "khùng". (Ảnh: T.Hương)

Anh Nguyễn Văn Thanh (quê Lào Cai) tâm sự: Ban đầu, anh cũng nửa ngờ nửa vực trước lời mời của bác Hiệp. Anh từng nghĩ làm gì có ông chủ nào lại dầm mưa dãi nắng, bất kể ngày hè hay ngày đông giá rét chạy vào viện hỏi han từng người như vậy.

“Nhưng sau hơn hai tháng đưa con lên Hà Nội chữa bệnh và thuê phòng trọ nhà bác ấy, tôi lại quyết gắn bó với nơi này cho tới khi con tôi hồi phục hẳn. Gia đình tôi thực sự trân trọng điều tử tế mà bác Hiệp đang làm”, anh Thanh tâm sự.

Nhiều lúc ông Hiệp còn nói rằng: “Ngoài kia bao nhiêu người gọi tôi là lão khùng, nhưng nếu xã hội toàn người khùng như tôi thì xã hội lại càng tốt đẹp”. Mà đúng thật, lúc nào gặp những hoàn cảnh khó khăn quá, ví như bệnh nhân mắc chứng ung thư đang phải điều trị dài ngày ở các bệnh viện tuyến trên thì ông luôn giảm giá thuê phòng xuống còn 10.000 đồng/ngày, hoặc miễn phí hoàn toàn”.

Đáng quý hơn, nhiều khi ông còn bỏ tiền túi của mình để giúp khách thuê trọ chi trả các khoản lớn nhỏ - dù chỉ mới gặp dăm ba lần trong lúc họ đang mướt mồ hôi chạy từ bệnh viện về phòng giữa đêm muộn.

img

Mọi người ngồi xem tivi ở sân sinh hoạt chung trong xóm trọ 15.000 của ông Hiệp "khùng". (Ảnh: T.Hương)

Cứ lần nào dân lao động ghé qua khu nhà trọ của ông là lại thấy một bóng dáng cao gầy, ăn mặc như nông dân thứ thiệt đang khom lưng quét dọn sân sinh hoạt chung, rồi leo lên tầng trên để phơi phóng đồ ướt và thu gom quần áo khô cho hàng chục vị khách.

Sau đó, ông tiếp tục ghé qua từng phòng để thăm hỏi sức khỏe của các bệnh nhi đang chờ cha mẹ đưa vào viện thăm khám, xếp lại đống giày dép lộn xộn thành hàng dài thẳng tắp y như trong quân ngũ. Thấy rác bẩn hay cái gì bừa bộn, ông cũng tiện tay dọn dẹp luôn mà chẳng hề ca thán lấy nửa câu.  

Cho thuê phòng với mức giá rẻ mạt, lời lãi chẳng được bao nhiêu, song cứ có đồng nào chưa dùng tới là ông lại đem giúp các bệnh nhân nghèo – hoặc có người thân đang thuê trọ ở khu nhà mình mà không cần bất kỳ loại giấy tờ thế chấp nào.

Còn đâu, ông dốc hết vốn liếng để tu sửa cơ sở vật chất cho khang trang hơn. Ông cũng chưa bao giờ xài riêng món đồ tiện ích nào, từ máy lọc nước hai chiều, máy giặt, bình nóng lạnh, dây phơi, móc treo đồ, bát đũa, bếp ga,… đều chia sẻ cho tất mọi người cùng sử dụng.

"Tôi đã sắm sửa hết mọi thứ cần thiết, họ chỉ việc chuyển đồ tới ở thôi. Mọi chi phí khác ngoài tiền thuê phòng hoàn toàn không có, miễn sao biết giữ gìn tài sản chung để những người tới sau được hưởng đầy đủ mọi tiện nghi là được”, ông Hiệp kể.

img

Ông Hiệp tranh thủ chỉnh lại TV. (Ảnh: T.Hương)

Bởi ngoài làm đủ thứ việc không tên, ông còn sẵn sàng tư vấn cho người bệnh về cách chọn phương tiện di chuyển với mức giá rẻ nhất, hướng dẫn làm thủ tục nhập viện và tìm kiếm nguồn giúp đỡ từ thiện cho các trường hợp không có khả năng chi trả viện phí.

Gia đình chị Lò Thị Biên (quê Hà Giang) nhớ lại: “Con gái tôi từng được ông Hiệp giúp đăng kí tham gia chương trình ‘Trái tim cho em’. Ông ấy nghiên cứu rất kĩ mọi quy trình, thậm chí chuẩn bị sẵn cả bộ hồ sơ để khi có ai cần là ghi thông tin luôn. Kể từ ngày thuê trọ ở đây, tôi chẳng muốn rời đi nơi khác. Cứ mỗi lần đưa con gái lên Hà Nội chữa bệnh là tôi lại ghé vào nhà ông Hiệp tá túc, coi như nhà mình vậy”.

Trong ánh chiều vàng vọt, ông Hiệp vẫn nở nụ cười hồn hậu với mọi thành viên trong gia đình thứ hai của mình – những người đang sống chung trong khu phòng trọ nằm cuối con ngõ nhỏ gần Bệnh viện nhi Trung ương.

“Đến với nhau vì cái duyên, làm sao mà đành lòng không giúp đỡ cho được. Như tôi còn sướng chán, đủ sức khỏe lo cho thiên hạ, đủ sức khỏe để ‘khùng’ chứ cứ nằm viện, rồi vào trông nom bệnh nhân như họ là biết mặt nhau ngay”, ông Hiệp hồn nhiên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem