Nhìn ra vườn thấy quê hươngNeudau thuộc huyện Hartberg, phía Nam nước Áo, có hơn 20 gia đình người Việt sinh sống. Phát âm chuẩn tiếng Đức, Neudau phải đọc là: “Noi đau”, nhưng người Việt mình lại gọi là: “Noi Tàu”. Và Neudau là một thị tứ hiện đại, nhưng không hiểu sao, bà con mình lại gọi là làng? Tôi bảo Tuấn (người bạn Việt kiều tại Áo), các ông nói ngọng. Tuấn cười lớn giải thích, gọi như vậy để kiêng chữ “đau”. Còn vì sao gọi là làng thì anh cứ đến “Noi Tàu” khắc biết.
Neudau là thị tứ hiện đại nhưng người Việt gọi bằng cái tên trìu mến, thân thương: “Làng Noi Tàu”.
Theo lời hẹn, Tuấn đưa xe ô tô đón tôi xuống Neudau. Neudau chỉ có hơn một nghìn dân, lại sát biên giới, nhưng đẹp như một bức tranh phong cảnh châu Âu mà tôi vẫn thấy trong những ngôi nhà sang trọng ở Việt Nam.
Ngồi trên xe Tuấn bảo, đến Neudau, không cần hỏi thăm, anh cứ nhìn ra vườn sẽ nhận ra nhà người Việt. Đúng như Tuấn nói, trong vô số những ngôi biệt thự nằm vắt vẻo trên sườn đồi phía trước, nối lên một vườn rau muống, nằm xen giữa những ô cỏ được cắt tỉa công phu… Lâu lắm rồi không nhìn thấy cảnh này, tôi bật lên như reo: Nhà người Việt mình rồi.
Chủ ngôi biệt thự ấy là vợ chồng Hải, họ đã sống ở đây hơn 20 năm. Vừa xuống xe, chưa kịp để Tuấn giới thiệu, Hải đã cầm tay tôi lôi tuột vào nhà, ấn tôi ngồi xuống ghế rồi bảo: Bác ngồi chơi, em đi pha nước. Bên chén trà tỏa hương thơm ngát, Hải oang oang, “Tân Cương xịn đấy bác nhé”. Nhấp ngụm trà, như chợt nhớ ra, Hải nói, em là Hải, còn bác tên gì?
Sau mấy tuần trà, Hải giục Hà (vợ Hải) “em điện cho mấy chú đến nhậu với bác cho vui”. Trong lúc vợ chồng Hải chuẩn bị cơm nước, Tuấn đưa tôi ra vườn. Khu vườn nhà Hải khiến tôi ngỡ ngàng. Từ bầu, bí, cải canh đến, tỏi, ớt… đủ hết, mà lạ là cây nào cũng xanh tốt, mượt mà. Vui nhất là lúc ngồi vào mâm rượu, nào chả quế, nem rán, gà luộc rắc lá chanh, cá chép hấp sả... Ăn những món này, tôi thấy mình như đang ở quê nhà.
Tan tiệc, Tuấn đưa tôi đi thăm những nhà người Việt khác. Khác với nhà Tây, trong khuôn viên chỉ có thảm cỏ và hoa, thì người Việt, nhà nào cũng có vườn rau Việt và tôi được mời chào như những người thân lâu ngày gặp mặt. Thấy Nguyệt đang lúi húi nhặt cỏ cho luống rau muống, tôi đùa, trông cô như nông dân. Nở nụ cười tươi rói, Nguyệt bảo, em là con nhà nông, khi còn ở Việt Nam em làm ruộng mà…
“Người Việt phải nói tiếng Việt”Chúng tôi đến nhà Hiệp thì trời đã nhá nhem, có lẽ nhìn điệu bộ “lớ ngớ” của tôi nên Hiệp đoán ra, hỏi ngay, bác mới ở Việt Nam sang à? Ngồi chưa ấm chỗ, Hiệp lôi ra chai rượu Tây mời, tôi từ chối bảo, có ấm trà thì tốt. Tưởng gì chứ chè thì thiếu gì, bọn em ở đây sinh hoạt như ở Việt Nam thôi – Hiệp nói. Đang tán chuyện tào lao thì cậu con trai Hiệp về. Thấy tôi nó chào một câu bằng tiếng Đức: Guten abend! Hiệp liếc mắt lườm nó. Tôi không hiểu vì sao.
Anh Tuấn trong vườn rau nhà anh Hải.
Tối đó, tôi ngủ lại nhà Hiệp. Hiệp kể, quê ở Hà Nam, bố là liệt sĩ nên được ưu tiên đi học nghề ở Tiệp Khắc. Khi các nước đông Âu khủng hoảng, phiêu bạt sang Áo và định cư ở Neudau... Trong lúc anh em hàn huyên thì bọn trẻ nô đùa ngoài sân. Chúng líu ríu với nhau toàn tiếng Đức. Hiệp chạy ra quát: Thế Anh, bố dặn mày thế nào. Bọn trẻ im bặt, thỉnh thoảng lại rúc ríc, thì thầm với nhau. Tôi bảo Hiệp, cứ để chúng nó chơi. Hiệp giải thích, nào em có cấm đâu nhưng bọn em bắt chúng nó phải nói bằng tiếng Việt.
Rồi Hiệp tâm sự, bọn trẻ suốt ngày đi học, toàn nói tiếng Tây, mình không rèn thì nó quên tiếng Việt – quên tiếng Việt là quên mất gốc của mình. Hiệp kể, Nhài (bạn Hiệp ở Đức), có chồng công tác tại một cơ quan ở Việt Nam. Sinh con được 3 năm, Nhài mới đưa con về Việt Nam thăm gia đình. Mới đầu nó còn sà vào lòng bố, nhưng nó nói gì, đòi gì bố không hiểu. Ngược lại bố nói chuyện, vuốt ve con, nó cũng không hiểu. Được một lúc nó khóc, bám lấy mẹ, luôn mồm mè nheo: Ich will nach hause (con muốn về nhà). Trừ Nhài, cả nhà dở khóc, dở cười chẳng ai biết nó nói gì.
“Làng Noi Tàu” bọn em quy định, bọn trẻ ở nhà phải nói tiếng Việt. Chỉ tiếc, ở đây không có lớp dạy tiếng Việt. Được học hành bài bản bọn trẻ mới hiểu về văn hóa, lịch sử… Nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên…Việt Nam anh hùng lắm chứ, tự hào lắm chứ phải không anh- Hiệp nói.
Nhà nào cũng lập bàn thờ gia tiên!Tối đó là ngày rằm, trên ban thờ của nhà Hiệp không chỉ có hoa quả, mà còn có cả xôi, gà. Vừa thắp hương, Hiệp vừa gọi: Thế Anh, lấy cho bố chén nước đặt lên bàn thờ. Không biết Hiệp cầu khấn những gì, nhưng nhìn Hiệp đứng chắp tay khấn vái bên cạnh cậu con trai, rất thành kính, tôn nghiêm. Mùi hương nếp thơm lừng, quyện khói hương nghi ngút… chao ơi! chỉ quê Việt mình mới có.
Neudau thuộc huyện Hartberg, phía nam nước Áo, có hơn 20 gia đình người Việt sinh sống. “Làng Noi Tàu” như một biểu tượng truyền thống văn hóa Việt. Và trở thành điểm tựa tinh thần của người Việt tại Áo mỗi lúc nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.
|
Lúc cả nhà quây quần ngồi thụ lộc, tôi khen cô chú chu đáo quá, vẫn nhớ phong tục quê mình. Vân - vợ Hiệp bảo, ở đây nhà nào cũng có ban thờ gia tiên. Lễ, tết, tuần tiết không ai bỏ. Ông xã nhà em, khi thắp hương còn gọi thằng đích tôn vào đứng cạnh. Hiệp ngắt lời, mình làm thế để mai sau “khuất núi”, nó mới biết nguồn gốc, phong tục Việt Nam.
Thoáng một nỗi buồn, Hiệp thủ thỉ, làng “Noi Tàu” có mấy người Việt đâu anh, bọn em coi nhau như một nhà… thôi thì thế hệ mình cố giữ, không biết sau này con cái còn nhớ !!...
Đến Neudau, tôi đã gặp nguyên mẫu những người nông dân cần cù, chất phác. Tôi đã được sống trong không khí nồng hậu, thấm đẫm tình người và không gian quê Việt; được nói tiếng Việt, ăn cơm Việt; được tận hưởng mùi xôi nếp thơm lừng, và khói hương ngào ngạt trước bàn thờ gia tiên linh thiêng, uy nghi…
Cảm ơn những người bạn Việt ở Neudau đã làm nên “Làng Noi Tàu” như một biểu tượng truyền thống văn hóa Việt. Và trở thành điểm tựa tinh thần của người Việt tại Áo mỗi lúc nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.
Lê Chiên (Lê Chiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.