Xót lòng 13 ngôi mộ liệt sĩ bỗng hóa “mộ gió” sau 3 lần quy tập

Chiến Hoàng Thứ tư, ngày 04/12/2019 10:00 AM (GMT+7)
Khi xảy ra vỡ đập hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, huyện Bạch Thông (sau thuộc về huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đêm 9/8/1968, 13 thanh niên xung phong của đơn vị C933 đã hy sinh. Những người hy sinh được chôn cất, có bản sơ đồ, họ tên đầy đủ, nhưng sau 3 lần quy tập, các ngôi mộ này bỗng hóa thành “mộ gió”.
Bình luận 0

CLIP: Những người chứng kiến vụ vỡ đập hồ thủy lợi Tân Minh khiến 13 nam nữ thanh niên xung phong bị tử nạn đêm 9/8/1968.

"Thủy quái” hồ Khuổi Bá

Ông Tống Văn Minh - nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thanh Vận, Phó chỉ huy công trường thi công công trình thủy lợi hồ Khuổi Bá (sau gọi là hồ Tân Minh), phụ trách nhân lực, là người chứng kiến cảnh tượng hãi hùng vào cái đêm mà hồ Tân Minh vỡ đập. Tiếp chuyện PV Dân Việt, ông vẫn còn nguyên cảm giác đau xót và rợn người khi nhớ lại thời khắc kinh hoàng ấy.

“Khi các công đoạn đã cơ bản, chỉ còn ít ngày nữa là khánh thành, mưa liền tù tì 12 ngày khiến nước hồ Khuổi Bá dâng cao, đập chỉ là đất. Đêm xảy ra vỡ đập, anh em, bà con đang tập văn nghệ để chuẩn bị cho lễ khánh thành, bỗng đâu nghe tiếng ụp rất lớn, nước xối ào ào. Thời điểm ấy, anh em đang tập văn nghệ ở Nhà cải tiến (nhà chỉ huy) tại khu vực thôn Quan Làng. Dọc hai bên suối là lán ở của anh em thanh niên xung phong", ông Minh cho biết.

img

Hồ Tân Minh mùa nước cạn.

Ông Minh nhớ lại: "Nước từ thượng nguồn ào về, lao ầm ầm, anh em chúng tôi hò hét, rồi nổ mười mấy phát súng báo, song vì rừng rậm nên không mấy ai để ý. Tôi cùng anh Bế Ngọc Kim chạy dọc con nước hò hét. Tôi khi đó bị nước cuốn vắng đi, may bám được vào cành cây và được anh Kim kéo lên. Phía dưới Nhà cải tiến có hơn 20 anh em tập văn nghệ, đều trèo cả lên gác để thóc lúa. May phía sau nhà cải tiến có hai bụi tre lớn, nước xô làm gẫy gập hai bụi tre khiến những thân tre phủ qua trên mái nhà nên che chắn, chống đỡ giúp cho nhà không bị trôi sập".

Cũng giống như ông Minh, ông Bế Ngọc Kim (SN 1937) nghẹn giọng: "Tôi với đồng chí Minh đêm đó còn lên hiện trường, hò hét khản cả cổ mà tiếng nước ầm ầm không sao truyền tin được. Nếu không may mắn, tôi với đồng chí Minh cũng đã nằm trong số những người tử nạn đêm đó".

Theo ông Kim, anh em thanh niên xung phong bị nước cuốn trôi là do lao vào con nước cứu lấy dụng cụ, tài sản của công trường. Nước lớn, đêm tối nên không may họ bị cuốn trôi. Con đập này được xây dựng để ngăn dòng lấy nước tưới tiêu cho cả nghìn hecta lúa phía hạ lưu, với kỳ vọng có thể chuyển từ lúa một vụ sang hai vụ, vậy mà…

Ngày 10/8/1968, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, 12 thi thể đã được tìm thấy và thi thể cuối cùng phải mấy hôm mới tìm được. Tất cả được đem về chôn cất tại Pù Nà Coóc, phía sau thôn Quan Làng, xã Thanh Vận.

Ông Tống Văn Minh cho biết, trong những thi thể được tìm thấy, có thi thể mắc lại trên ngọn tre, có thi thể bị vùi sâu dưới đất, tuy có xây xát song đều nhận diện được cả.

“Khi chúng tôi đem lên Pù Nà Coóc để chôn cất, tôi còn vẽ lại sơ đồ, họ tên của từng ngôi mộ. 13 người gặp nạn nhưng chỉ có 12 thi thể được chôn cất trên đó vì có một thi thể là liệt sĩ Hà Văn Kinh được gia đình đưa về địa phương mai táng. Sơ đồ tôi giao lại cho Chỉ huy trưởng công trường”, ông Minh cho biết thêm.

Và những ngôi “mộ gió”, vô danh

Tuy nhiên, những ngôi mộ sau vài lần quy tập bỗng trở thành mộ vô danh. Người thân đến hương khói không biết đâu là mộ thân nhân mình nên đã đề nghị được khai quật để giám định ADN và được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn chấp thuận, tổ chức khai quật. 

Sau khi khai quật, những ngôi mộ không hề có tiểu, sành, chỉ có đất và đá cục được đựng trong các túi nylon khiến các thân nhân liệt sĩ ngỡ ngàng.

Ông Tống Văn Minh cho biết: "Tôi mới biết được sự việc đó. Tôi khẳng định, khi các thi thể được đem chôn cất vẫn có tên, có cả sơ đồ. Việc phát hiện những ngôi mộ của 12 thanh niên xung phong tại nghĩa trang tỉnh không có hài cốt quả thực ngoài sức tưởng tượng của tôi".

img

Ông Tống Văn Minh - nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thanh Vận, Phó Chỉ huy công trường đã vẽ lại sơ đồ có đầy đủ tên các liệt sĩ được chôn cất tại đồi Nà Coóc.

img

Sơ đồ này đã được giao lại cho ông Lường Văn Thóc - Chỉ hủy trưởng công trường. Khi khi ông Thóc chưa mất, ông Minh đã mượn lại photocopy một bản.

"Hồi Nhà nước quy tập 12 ngôi mộ của các thanh niên xung phong về nghĩa trang liệt sĩ huyện, tôi không tham dự nên không biết. Sơ đồ tôi có và tôi đã cung cấp cho ông Lường Văn Thóc - Chỉ huy trưởng công trường rồi. Hồi ông Thóc chưa mất, tôi còn lên lấy về photocopy lại một bản. Sao có chuyện không biết mộ của ai với ai thế nào được", ông Minh rơm rớm.

img

Ông Bế Ngọc Kim khẳng định, các nạn nhân vụ vỡ đập đều tìm thấy xác, việc mộ các liệt sĩ C933 không có hài cốt sau 3 lần quy tập là không thể chấp nhận được.

Về việc này, ông Bế Ngọc Kim - kỹ thuật viên của công trình khẳng định, các nạn nhân đều được tìm thấy xác, và đem chôn cất. Việc khai quật lại để giám định ADN phát hiện không có hài cốt là không thể chấp nhận được. Mộ khi ở Pù Nà Coóc là có thi thể, có sơ đồ và có tên đàng hoàng.

Chưa hết ngỡ ngàng khi khai quật phát hiện mộ không có hài cốt, thân nhân các liệt sỹ lại tiếp tục ngỡ ngàng khi biết Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn không còn giữ được bất cứ tài liệu nào liên quan đến việc quy tập hài cốt liệt sĩ đơn vị C933. Ông Dương Bằng Giang - Phó Giám đốc Sở này trả lời báo chí rằng, có thể do đã lâu nên cốt đã hóa thành đất.

Ông Bế Ngọc Kim nói: "Hài cốt bị mục, hóa đất có màu khác chứ không như đất thịt, còn việc có cả những cục đá to bằng cái ấm trà thì không thể là xương cốt hóa thành được. Những người đã ngã xuống đều đang làm nhiệm vụ, nếu họ chạy người không thì đã không hy sinh. Đây là họ lao vào con nước hung dữ để cứu vớt tài sản Nhà nước nên mới bị cuốn trôi. Xót xa lắm!".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem