Trước đó, Dân Việt có loạt bài về 13 ngôi mộ liệt sĩ bỗng hóa thành “mộ gió” sau 3 lần quy tập ở Bắc Kạn.
Ông Tống Văn Minh (bên phải) kể lại sự việc vỡ đập hồ Tân Minh vào đêm 9/8/1968.
Đoàn công tác do ông Phạm Duy Hưng (thứ 2 bên trái) làm trưởng đoàn, gặp gỡ nhân chứng, thu thập thông tin liên quan đến 13 ngôi mộ liệt sĩ tại hồ Tân Minh.
Về lịch sử, 13 liệt sĩ này thuộc đơn vị Thanh niên xung phong C933, hy sinh đêm 9/8/1968 do vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh. 13 liệt sĩ được chôn cất tại đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng, xã Thanh Vận (Chợ Mới), sau được quy tập vào nghĩa trang Phủ Thông cũ (vào khoảng trước những năm 1980).
Năm 1990, khi nghĩa trang được nâng cấp, các mộ tại đây được quy tập sang nghĩa trang liệt sĩ mới. Trên sơ đồ nghĩa trang Phủ Thông mới được tỉnh Bắc Thái lập có ghi khu mộ của 13 liệt sĩ hy sinh tại hồ Tân Minh, sơ đồ này hiện đang lưu giữ tại Phòng LĐTBXH huyện Bạch Thông.
Nhân chứng - ông Tống Văn Minh, Nguyên Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Vận, Phó Chỉ huy công trường thi công công trình thủy lợi hồ Tân Minh, người đã trực tiếp khâm liệm các liệt sĩ tại đồi Nà Coóc - khẳng định, tất cả 13 liệt sĩ khi hy sinh do vỡ đập thủy lợi đều được tìm thấy xác. Có một liệt sĩ được gia đình xin mang thi thể về khâm liệm tại địa phương.
"Tôi đã vẽ lại sơ đồ ngay khi khâm liệm, tôi thật sự bất ngờ khi sau vài lần quy tập, những ngôi mộ này chỉ có đất và đá cục bên trong", ông Minh cho biết.
Sự việc 13 ngôi mộ liệt sĩ hóa “mộ gió” ở Bắc Kạn không chỉ khiến thân nhân các liệt sĩ ngỡ ngàng mà còn gây xôn xao dư luận. Trước sự bất thường đó, tỉnh Bắc Kạn đã vào cuộc nhằm làm sáng tỏ sự việc và nỗ lực tìm lại hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh vào đêm 9/8/1968 tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn).
Theo ông Vũ Tiến Trì, Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bắc Kạn thì công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn vì đã hơn 50 năm xảy vụ vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh.
Anh Tạ Viết Đoạt (thân nhân liệt sĩ Đoàn Thị Nga) khẳng định mộ trên nghĩa trang bây giờ không phải của dì anh vì gia đình đã mang dì về an táng tại địa phương từ năm 1973.
Tổ công tác tìm kiếm được thành lập, lên kế hoạch, phương án, tuy nhiên công việc đi tìm sự thật về các ngôi mộ liệt sĩ gặp nhiều khó khăn. Trước đó, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, các thông tin còn khá mông lung, tuy nhiên địa phương quyết tâm xác định lại và cố gắng tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh đêm 9/8/1968 do vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh.
Ngày 13/12, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Thông báo số 288/TB – TCT Thông báo kết luận cuộc họp triển khai kế hoạch tìm kiếm thông tin quy tập mộ liệt sĩ TNXP hy sinh tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn, qua đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của tổ công tác.
Sau hơn 1 tháng ra Thông báo và tiến hành thực hiện, ngày 16/1, trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Duy Hưng cho biết, các nhân chứng được trực tiếp chuyển mộ từ nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới hiện còn 4 người. Các nhân chứng khẳng định: “Có như nào thì chuyển như thế, có mộ có tiểu, có mộ không tiểu, tổng 110 ngôi, còn về 13 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh tại hồ Tân Minh thì không nhớ rõ”.
"Huyện Bạch Thông đã gặp gỡ nhân chứng, tôi cũng cho phía công an gặp gỡ, và đều có câu trả lời “có nguyên trạng thế nào, chuyển như thế, không thêm, không bớt”, nên về cơ bản, lời khai nhân chứng là tin tưởng được. Số mộ trên nghĩa trang là 13 nhưng số mộ ở dưới Nà Coóc chỉ có 8, chúng tôi đặt câu hỏi lúc chuyển lần một có chuẩn không?", ông Hưng thông tin.
Khu vực này là nơi tổ chức lễ truy điệu các liệt sĩ đã hy sinh đêm 9/8/1968.
Sơ đồ nơi chôn cất các mộ phần liệt sĩ tại đồi Nà Coóc do ông Tống Văn Minh vẽ.
Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, sơ đồ ông Tống Văn Minh cung cấp là tin tưởng được.
"Trước bước khai quật lại tại Nà Coóc (nơi chôn cất đầu tiên) theo kế hoạch, chúng tôi cũng đã đi khảo sát. Qua tìm hiểu từ nhân chứng, chỉ còn 8 mộ chứ không phải 13 mộ, sơ đồ ông Tống Văn Minh cung cấp trùng khớp với những ngôi mộ đã bốc, nên sơ đồ đó là tin tưởng được", ông Hưng khẳng định.
Ông Hưng cho biết thêm, tỉnh đã gặp gỡ các gia đình, có định hướng rõ, các gia đình cũng yên tâm. Tuy nhiên để triển khai được phải có ngày, giờ phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, do đó qua Tết mới tiến hành khai quật lại tại đồi Nà Coóc, dự kiến, theo phong tục tập quán là qua tháng 3 âm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.