Bỏ đèn sách lên xe hoa
Đến thôn 1, xã An Trung thuộc huyện miền núi An Lão (Bình Định), hỏi nhà ông Đinh Văn Ch., người dân địa phương không ai là không biết. Họ biết, vì gia đình ông Ch. có đến 2 thầy giáo (ông Ch. và con trai), những người mang đến cho dân làng cái chữ.
Rồi từ cái chữ, dân làng học được cách làm cây lúa nước, học được kỹ thuật trồng những loại cây cho nhiều tiền, học được cách nuôi con heo nhanh lớn. Họ nể trọng lắm. Thế nhưng trong thời gian đây, dân làng lại rỉ tai nhau chuyện nhà ông giáo Ch. vướng vào chuyện tảo hôn, nói về đứa con gái út của gia đình ông chưa đầy 16 tuổi mà đã làm mẹ.
|
Có những bà mẹ trẻ đến mức không biết chăm sóc cho con |
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Ch. tỏ ra ngại ngùng, chừng như không muốn nhắc lại nỗi buồn trong bụng mình. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp vợ chồng đứa con gái út, ông Ch. nói bằng giọng buồn hiu: “Vợ chồng nó đi lên rẫy hết rồi, mặt trời xuống núi mới về”.
Im lặng một lát, sau khi rít hơi thuốc dài, ông Ch. nói thêm như trút lòng: “Tội nghiệp nó, hồi mới biết đọc biết viết nó đã thích cái chữ. Nó thường xin ông trời cho nó học giỏi để sau này làm nhà giáo như tui và anh trai nó. Nhưng cuối cùng chính nó làm chết ước mơ của nó. Không biết nó buồn bao nhiêu chứ trong bụng tui thì buồn nhiều, cái đầu cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng chuyện đã rồi, gỡ không được”.
Rồi ông Ch. chậm rải kể. Con gái út của ông, Đinh Thị L., sinh năm 1996. Đang học lớp 9 trường THCS Đinh Nỉ thì có chàng trai Đinh Văn V. (ở tổ 6 thôn An Trung) để mắt mỗi khi L. đi học. Ông Ch. biết chuyện, khuyên giải con đủ điều. Thậm chí, khi thấy cái “bùa yêu” đã ngấm vào con gái vì biết chúng hay lén lút đi lại với nhau, ông tìm mọi cách ngăn cản nhưng vô hiệu.
Một hôm, cô con gái bỗng dưng bỏ lớp học về nhà nửa chừng với gương mặt tái xanh đầy lo lắng, vợ ông Ch. (bà Đinh Thị D.) dò hỏi thì cô gái chỉ trả lời 1 câu: “Con không muốn đi học nữa”. Sau đó thì 2 vợ chồng ông Ch. biết đứa con gái út của mình đã sắp làm mẹ. Khi gặp phải chuyện đã rồi, 2 bên gia đình đành làm lễ cưới cho 2 đứa trẻ, và Đinh Văn V. về ở rể nhà ông Ch.
“Lần đầu làm mẹ mà nó đã gặp trắc trở. Ngày nó gần sinh, 2 vợ chồng nó chở nhau xuống bệnh viện huyện khám thai thì họ bảo còn lâu mới sinh. Vậy mà trên đường đi về nhà, con bé bỗng dưng đau bụng dữ dội, thằng chồng nó chưa kịp xoay xở thì con vợ đã đẻ rớt dọc đường. Cũng may là con gái tui và con nó (thằng Huy) vẫn bình an”, ông Ch. nói.
Sau một hồi trầm ngâm, ông Ch. chậm rãi nói thêm: “Không biết Nhà nước có phạt vợ chồng nó không nữa, mà có phạt thì cũng đành chịu chứ biết sao”. Có lẽ ông giáo già nghĩ đến những việc làm sai trái của 2 đứa trẻ và cảm thấy buồn bã. Buồn vì con gái không biết nghe lời mình để giờ lâm cảnh lao đao. Từ khi trong nhà có người sinh, thêm miệng ăn của thằng rể mà vợ chồng ông Ch. đã già không làm ra tiền, nên từ 1 hộ khá trong xã giờ đã trở thành hộ nghèo.
|
Bà mẹ trẻ người Bana nhớ lễ hội, bồng con nhỏ đi xem |
“Để kiếm cái ăn, vợ chồng nó phải suốt ngày bám nương bám rẫy. Vợ tui chăm cu Huy, còn tui thì lo cơm nước. Thằng chồng nó vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, chỉ mai mốt là lên đường nhập ngũ. Rồi đây con L. sẽ phải 1 mình lo kiếm miếng ăn cho gia đình, vừa nuôi con nhỏ. Nếu cái bụng nó cứ lo học hành thì đâu cơ cực đến vậy”, ông Ch. than thở.
Trường hợp của Đinh Thị L. không phải là cá biệt. Ở xã An Dũng cũng có 4 trường hợp học sinh bỏ dở đèn sách nửa chừng để đi lấy chồng.
Ông Đinh Văn X., một phụ huynh có nỗi đau tương tự ông Đinh Văn Ch., kể: “Con gái tui (Đinh Thị X) đang học lớp 11 tại trường PTTH Trung Hưng. Nó học nội trú. Bỗng dưng có 1 thời gian nó thường dắt bạn trai theo mỗi khi về thăm nhà. Ban đầu tui nghĩ chắc tụi nó là bạn học với nhau, không có gì mà cái bụng phải lo.
Sau đó, cậu con trai ấy thường xuyên đến nhà hơn rồi ở lại nhà tui luôn. Khi ấy con gái tui mới nói là nó không muốn đi học nữa, muốn ở nhà có chồng. Tui khuyên răn thế nào cũng không được, đành tổ chức lễ cưới”.
Ông Đinh Văn Xoa, cán bộ tư pháp xã An Dũng, bày tỏ: “Những trường hợp học sinh quan hệ với nhau khi đang ngồi ghế nhà trường như cháu Đinh Thị X., đích thân chúng tôi đã đến làm việc với nhà trường và gia đình để khuyên bảo, phân tích điều hay lẽ phải nhưng các cháu vẫn không nghe, nhất định phải lấy nhau”.
Có một điều rất chắc chắn là khi quyết định lấy nhau, các cô gái bé bỏng ở vùng đất đại ngàn An Lão này không bao giờ nghĩ đến viễn cảnh mà cô gái trẻ Đinh Thị K. đang gặp. Tại Lễ hội Văn hóa -Thể thao xã An Nghĩa lần thứ 4, chúng tôi thấy K., ở thôn 5 cứ bế con trên tay, đứng nhìn mọi người vui chơi ngoài sân với đôi mắt buồn rười rượi.
Chúng tôi hỏi: “Sao cô không tham gia với mọi người?”. K. cười buồn: “Tay bận con nhỏ mà, ai giữ nó đâu mà mình chơi?”. Đinh Thị K. cũng lấy chồng khi chưa đủ tuổi và ắt hẳn giờ đây cô đang hối tiếc vì cái “tuổi mộng tuổi mơ” của mình đã sớm bị chuyện chồng con ràng buộc.
Trong số 15 trường hợp tảo hôn mà huyện An Lão thống kê được từ đầu năm 2012 đến nay, con số nhiều nhất rơi vào xã An Dũng (5 trường hợp), còn lại là xã An Hưng 3 trường hợp, An Trung 2, số còn lại xay ra tại các xã An Nghĩa, An Vinh... Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều là học sinh đang theo học tập trung tại các trường nội trú.
Ông Đinh Văn Xoa lý giải: “Nạn tảo hôn phần lớn rơi vào học sinh nội trú. Trong môi trường này, các em có dịp ở gần bên nhau nên nảy sinh tình cảm, "lửa gần rơm" mà. Trong khi đó lại không có gia đình ở bên cạnh nên chúng dễ đi đến mật thiết, rồi tiến tới làm “chuyện người lớn”. Khi cha mẹ biết được thì chuyện đã rồi”.
Con dại cái mang
Có nhiều trường hợp, sau khi dựng vợ gả chồng cho con mình, sau đó cái bụng của các bậc cha mẹ cứ buồn triền miên, ví như ông giáo già Đinh Văn Ch. ở xã An Trung. Còn hơn cả buồn, có những trường hợp vì chuyện “đốt giai đoạn” trong hôn nhân của con mình mà các phụ huynh bị ảnh hưởng uy tín.
Ông Phạm Minh Xây, Trưởng phòng Tư Pháp huyện An Lão, đưa ra dẫn chứng: “Vào năm 2009, có một chị đương là Chủ tịch Hội phụ nữ xã tổ chức đám cưới cho con mình trong khi cháu chưa đủ tuổi kết hôn. Sau đám cưới, chị ấy bị cách chức và phải chịu kỷ luật Đảng”.
Rồi ông Xây cho biết thêm: “Trước đây, chuyện tảo hôn xảy ra thường xuyên trên địa bàn huyện An Lão, hầu hết các trường hợp đều rơi vào những hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, ở huyện An Lão có hơn 26.000 dân thì đã có đến hơn 1/3 là đồng bào Bana và Hrê, nên chúng tôi rất khó khăn trong việc ngăn chặn việc này.
"Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn tiếp diễn, huyện đã chỉ đạo cho các ngành liên quan ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức trong dân, còn phải đi về tận cơ sở cùng ăn cùng ở với đồng bào để tìm hiểu và phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, để từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn", ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão.
Có nhiều trường hợp đám cưới diễn ra xong, sự việc mới được chính quyền cơ sở báo lên. Với nhận thức của đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số, họ không biết con trai con gái đến bao nhiêu tuổi thì mới được kết hôn. Hễ thấy con mình “to xác” là nghĩ đã có thể dựng vợ gả chồng cho chúng. Có những bà mẹ trẻ đến mức không biết chăm sóc cho con”.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện An Lão, chia sẻ: “Việc các em kết hôn sớm trước tuổi làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khỏe của chính các em và đặc biệt là ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Đó là chưa kể đến chuyện vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện cùng và các ban ngành đoàn thể đang tìm những giải pháp ngăn chặn thật hữu hiệu để có thể làm triệt để vấn đề này trong những năm tới”.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.