Không dám ăn no
Thôn 1, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) có đến mấy chục dãy nhà trọ công nhân. Nghe hỏi chuyện giá cả, anh Lê Quốc Tuấn (21 tuổi), công nhân của Công ty CP Gạch tuynen Hương Thủy (thuộc Khu Công nghiệp Phú Bài), thở dài: “Giá mặt hàng nào cũng tăng vùn vụt nên công nhân chúng tôi không dám ăn no. Vì nếu ăn no thì sẽ không còn tiền cho các khoản chi phí khác”.
|
Bữa cơm chiều đạm bạc của ngư dân xã Hải Lý, Hải Hậu (Thái Bình). |
Anh Tuấn vào làm việc tại công ty đã 1 năm nay. Hiện lương anh được 3 triệu đồng/tháng. Trong đó, riêng chi phí cho ăn uống mỗi tháng tốn đến 1,4 triệu đồng. “Mỗi bữa hết 15 nghìn đồng nhưng ăn không no. Mỗi đĩa cơm giá này chỉ được một bát cơm, lèo tèo ít cọng rau và vài ba miếng thịt, cá mỏng dính. Muốn ăn no thì tiền ăn sẽ đội lên 20 nghìn đồng, như vậy thì xong lương”- anh Tuấn nói. Vì ăn không no trong khi phải lao động nặng nhọc nên trông anh gầy đét.
Chị Nguyễn Thị Thủy - công nhân Khu Công nghiệp Phú Bài cho biết: “Hiện giá 1kg thịt lợn ba chỉ ở những chợ xép này là 120 nghìn đồng, tăng gần 100% so với thời điểm cách đây hơn một năm. Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm khác như cá, rau, trứng cũng tăng từ 30- 60% so với trước đây. Dạo này, tui đi chợ chỉ dám mua rau và trứng về ăn thôi, mấy tháng rồi không dám mua cá, thịt”.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, bão giá cộng với tiền lương bèo bọt nên thời gian gần đây, khá nhiều công nhân làm việc tại một số doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Phú Bài đã bỏ việc về quê mưu sinh bằng nghề khác. Tỷ lệ thuận với vật giá leo thang là tình trạng trộm cắp xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu nhà trọ công nhân. Trong đó, thủ phạm của không ít vụ trộm là công nhân, vì đời sống quá túng thiếu.
Bữa cơm rau, đậu
“Cả tháng nay, con tôi không biết mùi sữa. Bữa cơm thường ngày gắng gượng lắm tôi cũng chỉ lo được đậu, rau”- nói tới đây, chị Bùi Thị Huế, ở Đại Từ, Thái Nguyên, làm phụ việc cho cơ sở gỗ Hoàng Tuấn (Thạch Thất, Hà Nội) lại rơm rớm nước mắt. Chồng chị làm thợ xây, không may bị ngã gãy chân tháng trước đang nằm một chỗ. Mình chị xoay xở đi làm nuôi 2 con nhỏ và thuốc thang cho chồng.
Liên quan tới bữa ăn thời bão giá, chị Bùi Thị Nga - cán bộ Trạm Y tế thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết: “Có những gia đình ăn uống kham khổ tới mức cả nhà suy dinh dưỡng. Nhưng thương nhất là trẻ nhỏ. Các bé đang trong độ tuổi phát triển mà không có thịt, có sữa thì thể chất bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
“Lương tôi một tháng được 2 triệu đồng, thì tiền thuốc cho chồng đã gần 600.000 đồng, tiền gửi trẻ cho con 500.000 đồng. Còn lại thì lo ăn. Một tháng, nhà tôi ăn khoảng 3 yến gạo, hết gần 400.000 đồng, còn lại 500.000 đồng cho dầu, mắm, chất đốt và thức ăn. 20.000 đồng đi chợ mỗi ngày, nói thật là chỉ đủ tiền rau, đậu. Cá với trứng nhiều khi cũng không dám mua. Nhìn con đói khổ, thèm thuồng đủ thứ mà không cầm được nước mắt”.
Chị Huế cũng cho biết, trước chị còn mua xương cục, thịt lợn nấu cháo cho con (2 tuổi), nhưng giờ: “Xương cục cũng lên 70-80 ngàn đồng/kg, mua 2 lạng là hết tiền ăn cả ngày nên tôi không thể mua được nữa, một tuần chỉ dám mua 1 lần bồi dưỡng cho chồng”.
Cùng tình cảnh chị Huế, chúng tôi gặp 5 chị em Hà, Thuỷ, Minh, Lâm, Vân ở Phủ Lý (Hà Nam) đi buôn đồng nát ở khu vực Từ Liêm (Hà Nội). Chị Hà cho biết, trước kia các chị còn “dám” ăn cơm bụi “khoảng 15.000 đồng/suất là no”. Giờ thì “25.000 đồng/suất cũng chỉ lèo tèo vài miếng thịt mỏng, ăn thì thương con ở nhà không có ăn”. Vì thế, 5 chị bàn nhau sáng dậy nấu cơm và rang chút lạc (mang ở quê lên) cho vào cặp lồng để trưa ăn. “Tính ra mỗi tháng cũng đỡ được vài trăm ngàn, con cái có thêm miếng thịt, hộp sữa”- chị Hà nói.
An Sơn - Phạm Thanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.