Một thời lầm lũi rừng sâu
Sơn Trạch nay được biết đến là xã trung tâm của Di sản thiên nhiên thế Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhưng, cách đây khoảng 20 năm, Sơn Trạch đã từng được biết đến như là xứ sở của “lâm tặc”, gần như 100% người dân nơi đây quanh năm chỉ biết lầm lũi vào rừng khai thác lâm sản để kiếm sống.
Đội porter đẳng cấp quốc tế phần lớn xuất thân từ đội quân “lâm tặc”… Ảnh: P.P
Những cán bộ kiểm lâm công tác lâu năm ở Phong Nha – Kẻ Bàng kể lại rằng, khi Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành khu bảo tồn vào năm 1994, họ là những cán bộ kiểm lâm đầu tiên được phân công đến đây để bảo vệ rừng. Ngày ấy, nhiều cán bộ kiểm lâm đã không ít lần đổ máu nhưng vẫn không thể ngăn chặn được dòng người vào rừng khai thác lâm sản.
Phong Nha - Kẻ Bàng rộng hàng trăm ngàn hécta với nhiều loại gỗ quý. Ngày đó, hầu như 100% người dân xã Sơn Trạch và các xã vùng lân cận đều vào rừng khai thác lâm sản. Thanh niên thì khai thác gỗ quý, tìm trầm. Người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ con thì đặt bẫy bắt thú…Những lúc gỗ đắt, cả xã đi hết vào rừng, họ chặt phá, cưa xẻ thành từng phiến gỗ ngay trong rừng, rồi vận chuyển bằng thuyền, bằng gùi ra khỏi rừng để bán.
“Ngày đó cuộc chiến giữa kiểm lâm và “lâm tặc” là không cân sức. Mỗi lần lực lượng bảo vệ rừng bắt được gỗ hoặc lâm sản trái phép là y như rằng “lâm tặc” huy động lực lượng vào tận trụ sở kiểm lâm để cướp lại gỗ. Kiểm lâm ít người, “lâm tặc” thì cả làng, họ lao vào đánh, ném đá, thậm chí chém..., có nhiều vụ hàng chục chiến sĩ bị thương, nằm viện. Những cuộc giành giật, xô xát giữa kiểm lâm và lâm tặc xảy ra liên miên trong một thời gian dài” - ông Phan Hồng Thái, một cán bộ kiểm lâm công tác lâu năm ở Phong Nha – Kẻ Bàng nhớ lại.
Thế nhưng, câu chuyện về xứ “lâm tặc” Sơn Trạch như kể trên bây giờ đã trở thành quá vãng. Đến Sơn Trạch hôm nay, nếu đi tìm một “lâm tặc” đang hành nghề thì ai cũng cười tủm tỉm bảo: “Lâm tặc là tui nhưng bây giờ tui đã bỏ nghề rồi”. Ông Nguyễn Văn Hòa – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch tâm sự với chúng tôi rằng, chính bản thân ông cũng không thể nào tin được đến một ngày như hôm nay, người dân quê ông đã cởi bỏ được tấm áo “lâm tặc”, từ bỏ được cụm từ “lầm lũi Sơn Trạch” mà ngày đó có một bài báo đã giật tít như vậy để nói về cuộc sống lầm lũi mưu sinh trong rừng sâu…
Đội porter đẳng cấp quốc tế
Hồ Khanh (47 tuổi) - một người nông dân Sơn Trạch bây giờ đã rất nổi tiếng vì là người đầu tiên phát hiện ra hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, có lẽ cũng là người đầu tiên ở xứ này đoạn tuyệt với kiếp nợ “lâm tặc”. Năm 1991, trong một lần đạp rừng đi tìm trầm, tình cờ Hồ Khanh đã phát hiện ra hang động Sơn Đoòng nhưng sau đó anh đã quên không tìm đường trở lại được. Năm 2009, sau những lần được ông Howart Limbert - trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh nhờ dẫn đường đi thám hiểm hang động, Hồ Khanh trở nên yêu thích công việc này, yêu vẻ đẹp của núi rừng quê hương và cũng từ đó anh đoạn tuyệt với việc đi phá rừng...
Ông Hồ Khanh và ông Howart Limbert, hai người có công lớn trong việc giúp đỡ người dân địa phương tiếp cận với việc làm du lịch, phục vụ du khách. Ảnh: P.P
Bây giờ thì cái tên Hồ Khanh đã trở nên nổi tiếng toàn cầu. Cứ một bài báo quốc tế viết về hang động khổng lồ lớn nhất thế giới Sơn Đoòng đều kèm theo tên tuổi của Hồ Khanh, người phát hiện và là nhân vật dẫn đường số một ở khu vực Kẻ Bàng. Hiện nay, ngoài vai trò là tổ trưởng tổ porter (vận chuyển) ở Công ty Lữ hành Chua Me Đất -đơn vị đưa khách du lịch khám phá hang Sơn Đoòng, Hồ Khanh còn làm thêm 6 gian nhà trọ homestay phục vụ khách du lịch.
Nói về đội porter chuyên dẫn khách khám phá Sơn Đoòng, Hồ Khanh tự hào: “Vốn xuất thân là những “lâm tặc” nhưng bây giờ tham gia vào đội porter của Công ty Chua Me Đất dẫn khách khám phá Sơn Đoòng, chúng tôi đã được đào tạo thành những porter có đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản và đầy đủ về ứng xử, tiếng Anh, sử dụng thiết bị leo núi, sơ cấp cứu… Đặc biệt chúng tôi bắt buộc ký cam kết không vào rừng chặt cây, săn bắt thú. Hiện đội chúng tôi có hơn 150 người, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đơn cử như chuyến gùi hàng tấn thiết bị cho Hãng truyền hình ABC của Mỹ vào làm chương trình trực tiếp trong tháng 4 vừa qua”.
Anh Trần Văn Luân (40 tuổi) vốn cũng là dân sơn tràng, có hàng chục năm đi rừng. Sống ở vùng ruộng ít, chỉ toàn rừng và núi đá vôi, từ nhỏ anh Luân đã thấy rất nhiều đàn ông trong thôn xóm vào rừng kiếm miếng cơm manh áo. Lớn lên, anh Luân cũng đi theo con đường ấy. Những lúc nông nhàn, anh lại vào rừng kiếm sống, đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng cuộc sống không cải thiện là bao.
Từ năm 2014, anh Luân được tuyển vào làm porter tại Công ty Chua Me Đất, phục vụ du khách trong những chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng. “Mỗi chuyến đi, tôi phải vác khoảng 35-40kg hàng. Đi rừng lâu năm nên tôi quen mang vác nặng, chừng đó không là gì. Được làm porter, chúng tôi có thu nhập ổn định, không còn phải đi phá rừng nữa” - anh Luân chia sẻ.
Cả xã làm du lịch
" Nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được ngày nay vùng đất cửa ngõ di sản Phong Nha - Kẻ Bàng có thể phát triển như thế này. Người dân Sơn Trạch bây giờ có thể nói là đã đoạn tuyệt với nghề lâm tặc và đang tham gia làm du lịch để làm giàu, phát triển quê hương”.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch
|
Trung tâm xã Sơn Trạch hơn 25 năm trước, trong trí nhớ của nhiều người chỉ có vài ba căn nhà xây cấp bốn, còn lại toàn nhà lá, nghèo khó. Người lạ đến với Sơn Trạch ngày đó đa phần là các đầu nậu buôn bán gỗ, còn khách du lịch là một khái niệm xa lạ…
Ngày nay, trung tâm xã Sơn Trạch đã hình thành nên thị tứ sầm uất, những ngôi nhà lá nghèo nàn năm xưa đã được thay thế hoàn toàn. Dịch vụ homestay nở rộ, nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát. Người dân Sơn Trạch chuyển sang làm nhiều nghề như: Chèo thuyền, chụp ảnh, làm porter… phục vụ du lịch.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch tự hào: “Nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được ngày nay vùng đất cửa ngõ di sản Phong Nha-Kẻ Bàng có thể phát triển như thế này. Người dân Sơn Trạch đã thôi hẳn phá rừng và đang làm du lịch. Trước đây, người dân làm nông nghiệp không thể đủ ăn thì nay họ có thể làm giàu. Nhiều hộ nhờ trồng rau bán cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch mà giàu lên như các hộ bà Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Thị Tuyết mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Rồi các hộ ông Trương Văn Lư, ông Hoàng Văn Thái… thì phát triển chăn nuôi các con đặc sản như cá chình, dê núi…
Ngoài nguồn thu từ sản phẩm nông nghiệp, bây giờ nông dân cũng có thêm nguồn thu từ các khách muốn xuống ruộng làm đồng. Trước đây làm đồng cứ mong có ai đến giúp, giờ thì có khách nước ngoài đến nhổ lạc, trẩy ngô cùng, không những họ ưng bụng mà còn trả tiền để được làm.
Trên các nẻo đường làng xã Sơn Trạch ngày nay, người dân đã quá quen hình ảnh người nước ngoài xa đạp xe, tản bộ, “phượt” bằng xe máy, hoặc tắm ở bất cứ nơi nào của dòng sông Son một cách tự nhiên. Người dân với du khách trở nên thân thiện. Khách về ở trong nhà dân, ăn món ăn bản địa mộc mạc mà cả đời họ chưa biết đến ở bên kia bờ đại dương, như món lạc rang hay ngô luộc, khoai lang nướng...
Theo ông Hòa, trong hơn 11.000 dân xã Sơn Trạch, hiện có đến hơn 70% đã tham gia làm du lịch từ trực tiếp đến gián tiếp. Con cá, mớ rau, ruộng đồng, con trâu, con bò... tất tật liên quan đến ruộng vườn, đồng áng đều được đưa vào phục vụ khách du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.